• Zalo

Khách mua nhà hoang mang giữa 'rừng' chứng chỉ công trình xanh

Bất động sảnThứ Hai, 20/11/2017 13:44:00 +07:00Google News

Riêng về chứng chỉ công trình xanh, tại Việt Nam đang tồn tại cùng lúc 5 chứng chỉ khác nhau.

Thời gian gần đây, nắm bắt xu hướng xanh trong các công trình xây dựng, nhất là chung cư cao tầng, các chủ đầu tư khi quảng bá dự án thường “gắn mác xanh” vào để quảng cáo bán hàng và đẩy giá nhà lên.Không riêng gì dự án EcoLife Capitol, thời gian gần đây nhiều dự án khác tại Hà Nội, như Discovery Complex, Thăng Long Garden, Anland Complex, Bidhomes The Garden Hill, Chung cư 349 Vũ Tông Phan…, yếu tố xanh cũng được sử dụng triệt để trong marketing.

Việc các chủ đầu tư đua nhau quảng cáo và “gắn mác xanh” cho dự án của mình, khiến khách hàng mua nhà như bị bủa vây trước “ma trận” về những công trình xanh và không biết đâu là thật, giảTuy nhiên, hiện xung quanh việc xây dựng và quảng bá các công trình xanh ở Việt Nam không chỉ “loạn” về quảng cáo mà còn “loạn” cả về chứng chỉ chứng nhận công trình xanh.

the-zen-residence-gamuda-gardens_qwoc

 Phối cảnh một dự án được quảng cáo là xanh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Việt Nam đang sử dụng 5 loại chứng chỉ xanh khác nhau: CTX 2013 của Bộ Xây dựng; EDGE 2015 của IFC, Green Mark 2010 của Website BCA- Green Mark; Lead 2007 của Website Hội đồng Công trình Xanh Mỹ và Lotus 2009 của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam để cấp chứng nhận cho các dự án.

Việc tồn tại cùng lúc quá nhiều chứng chỉ xanh và mỗi chủ đầu tư “tùy hứng” áp dụng một chứng chỉ xanh khác nhau vào dự án, khiến cho khách mua nhà rối như mớ bòng bong. Đang có nhu cầu mua nhà và từng tìm hiểu về một số dự án chung cư được quảng cáo là xanh trong thời gian gần đây, chị Hà, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, nghe nói nhiều đến công trình xanh, chị có tìm hiểu qua vài dự án nhưng mỗi dự án lại đưa ra một chứng chỉ công trình xanh khác nhau.

Khi hỏi các chứng chỉ xanh này do đơn vị nào cấp thì mỗi dự án nói một kiểu. “Có quá nhiều chứng chỉ xanh khác nhau nên tôi cũng chẳng biết nên chọn loại chứng chỉ nào. Tuy nhiên, do đang có nhu cầu mua nhà để ở nên tôi cũng đành chọn đại một dự án và đặt niềm tin vào chủ đầu tư”, chị Hà cho biết.

Video: Sẽ đấu giá bất động sản bầu Kiên

Trao đổi về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết, hiện nay, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang có phong trào “sáng tác” kiến trúc xanh hóa đô thị. Điều này thể hiện ở các khu đô thị xanh, công trình kiến trúc xanh.

Theo ông Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, việc đánh giá về tiêu chí công trình xanh ở mỗi nơi có một hệ thống khác nhau. Ví dụ Trung Quốc dựa trên 3 tiêu chí, ở Mỹ đánh giá hơn 10 tiêu chí. Riêng tại Việt Nam, thống nhất tiêu chí xanh phải đảm bảo 5 tiêu chí được xem xét tổng thể cả khu vực chứ không phải một công trình riêng rẽ.

Trong đó phải đáp ứng được yêu cầu về mật độ cây xanh, năng lượng và yếu tố kiến trúc. Theo ông Nghiêm, những năm vừa qua, nhiều công trình mang xu hướng kiến trúc xanh của Việt Nam đã đạt được giải thưởng nước ngoài, ví dụ điển hình nhất là khu đô thị Ecopark.

Do đó, để xem xét chuẩn xanh phải bao quát cả một hệ thống chứ không thể xem xét vài tiêu chí. Ngoài ra, đó còn là sự kết hợp giữa cây xanh, không gian công cộng, tiết kiệm năng lượng, sự nhất quán giữa mối quan hệ trong công trình với bên ngoài.“Hiện nay, rất nhiều dự án chưa đáp ứng đủ tiêu chí vẫn được quảng bá xanh nhằm tạo sức hút kinh doanh.

Điều này đòi hỏi người mua phải có nhìn nhận thông minh, tìm hiểu kỹ giấy chứng nhận xanh của tổ chức cấp chứng chỉ đó. Đồng thời, phải hết sức tỉnh táo và thận trọng trước những lời quảng cáo có cánh từ chủ đầu tư. Nếu không sẽ dẫn đến mâu thuẫn xanh trên lý thuyết chứ không phải thực tiễn công trình xanh mà mình lựa chọn”, ông Nghiêm cảnh báo.

Trước việc “loạn” các chứng chỉ về công trình xanh trong thời gian vừa qua, ngày 15/11, đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bất động sản, phát biểu nêu kiến nghị với Chính phủ tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ I, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng.

Trong điều kiện đó, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với nền kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn rất khiêm tốn chỉ khoảng 100 dự án, trong đó phân khúc nhà ở chiếm tỷ lệ chưa cao. Những công trình xanh ở Việt Nam chủ yếu dựa vào các tổ chức cũng như bộ tiêu chí của nước ngoài để đánh giá một cách tự phát.

Do đó, để tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển công trình xanh, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, ông Bình cho biết, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ nhanh chóng ban hành văn bản quy định hoạt động đánh giá và công nhận công trình xanh, làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn công trình xanh, chứng nhận công trình xanh Việt Nam.

Đồng thời, cần sớm hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn và tiêu chuẩn đầy đủ, phù hợp với điều kiện của quốc gia nhiệt đới gió mùa như nước ta; các tiêu chuẩn, quy chuẩn này phải khả thi và đi kèm hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ để đảm bảo thuận tiện khi áp dụng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất cần có cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh, xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, đơn giá thiết kế và xây dựng, vay vốn... Công trình xanh đã thâm nhập vào thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ. Theo thống kê của Tổ chức Tài chính Quốc tế, số lượng công trình xanh và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc mới chỉ dừng lại ở con số 60 sau gần một thập kỷ triển khai.

(Nguồn: BizLIVE.vn)
Bình luận
vtcnews.vn