Anh Đàm Tú, 36 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) khẳng định: Đi uống bia bây giờ tốn tiền hơn trước, do đó, hiện nhiều người không ra quán uống bia vì giá cả đắt đỏ, trong khi thu nhập thấp kém.
“3 người đi uống bia bây giờ hết khoảng 500.000 - 700.000 đồng, cao hơn khoảng 100.000 đồng so với trước dịch. Đó là chưa kể những món ăn nhậu cũng vơi hẳn so với trước dịch, có khi chỉ còn bằng một nửa, không còn đầy đặn như trước”, anh Tú nói.
Hàng hóa đắt đỏ, trong khi thu nhập của anh Tú vẫn đang bị cắt giảm 30% do công ty chịu ảnh hưởng của COVID-19, vợ thất nghiệp ở nhà. Do đó, để tiết kiệm chi tiêu cho gia đình, thay vì 5 buổi nhậu mỗi tuần như trước thì bây giờ anh chỉ ra quán 1 - 2 buổi, thậm chí nhiều khi "phớt lờ" thói quen uống bia mỗi khi thèm.
Còn anh Tuấn Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) sau thời gian dài ăn nhậu ở nhà vì quán bia không mở cửa, đến giờ đã thành thói quen, khi quán bia hoạt động trở lại cũng không thiết tha đến quán như trước nữa.
“Nhậu ở nhà, đồ ăn đảm bảo, ngon và quan trọng là không tốn kém. Ra hàng thì đúng là có không khí hơn, lại được phục vụ đến tận "chân răng", nhưng giá cả ngày càng đắt đỏ. Với sự tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng như hiện nay thì chỉ một bữa nhậu ngoài hàng cũng có thể đi tong vài ngày lương. Nếu vẫn nhậu ngoài quán như trước kia thì chả mấy chốc mà mất cả tháng lương. Chuyện này trước kia có thể không sao, nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm ra đồng tiền ngày càng khó thì không thể không so đo, tính toán được", anh Linh nói.
Anh Quốc Hoàn, (38 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết anh có sở thích uống bia. Trước dịch, anh thường xuyên tụ tập với bạn bè ở ngoài quán nhưng sau thời gian dài vất vả kiếm ăn do tác động của dịch bệnh, anh phải từ bỏ thói quen này để thắt chặt chi tiêu.
Anh Hoàn còn bày tỏ sự e ngại khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp: “Ra quán bia bây giờ không còn an toàn như trước, nên mỗi lần muốn đi tôi cũng phải cảnh giác. F0 bây giờ không cách ly, ít triệu chứng, khó tránh khỏi việc họ vẫn ra quán bia ăn nhậu cùng mọi người. Nhiều người uống chung một cốc, nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì không biết chuyện gì xảy ra. Vì thế, tôi và nhiều bạn bè ngại ra quán uống bia hơn trước”.
Khách lười uống, quán bia đóng cửa hàng loạt
Tâm trạng "ngại" đến quán bia của khách hàng là nguyên nhân khiến rất nhiều quán bia ở Hà Nội không thể trụ được, phải đóng cửa sau khi được phép hoạt động trở lại ít lâu.
Điển hình như quán bia của ông Lâm ở Linh Đàm (Hoàng Mai), dù đã kinh doanh hơn 5 năm với lượng khách quen nhất định. Nhưng sau khi đã cố gắng để tồn tại qua mùa dịch, ông Lâm vẫn phải ngậm ngùi đóng cửa quán vì không thể trụ được nữa.
Ông Lâm cho biết, từ sau Tết âm lịch tới nay, quán vẫn có khách nhưng số bàn đặt giảm hẳn, khách quen cũng ít đến, có những người còn chưa thấy mặt lần nào. Trong khi đó, gánh nặng tiền thuê mặt bằng, chi phí điện nước, lương nhân viên rất lớn. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, ông buộc phải thanh lý, trả lại mặt bằng để tìm cách khác làm ăn.
Tâm sự với PV VTC News, hầu hết các chủ quán bia ở Hà Nội đều than khi được mở cửa lại sau dịch, lượng khách đến quán giảm đi trông thấy. Nhiều quán còn không được bằng một nửa so với trước dịch mặc dù mấy ngày nay thời tiết nóng, thích hợp để uống bia.
Chị Nguyễn Thị Hoà, chủ một quán bia trên đường Nguyễn Văn Lộc (Hà Đông, Hà Nội) nói: “Tối thứ Sáu, thứ Bảy cuối tuần mà quán tôi cũng chỉ đón 3 - 4 bàn khách. Còn lại tôi thấy người ta gọi mua bia ship đến tận nhà nhiều hơn. Tình trạng này mà không được cải thiện thì chắc tôi cũng phải tính kế sinh nhai khác, ít ngốn vốn hơn”.
Ông Dương Duy Nhất, 69 tuổi, kinh doanh thương hiệu bia Lan Chín tâm sự: "Suốt 34 năm kinh doanh nhà hàng bia, đây là lần mà tôi thấy kinh hoàng nhất. Hiện các cửa hàng đã được hoạt động bình thường như khi chưa có dịch, nhưng lượng khách chỉ bằng 3/10 so với trước kia.
Không những lượng khách giảm mà chi tiêu của khách cũng giảm hẳn. Khách thì toàn khách quen, thân thiện như người nhà, ông nào cũng thật thà kêu không có tiền. Ví dụ ông nào nghiện lắm, trước uống 10 thì bây giờ chỉ uống 4 thôi”.
Khách vắng là thế nhưng còn khó hơn nữa là giá cả liên tục leo thang đến chóng mặt. “Cái gì cũng tăng giá, tăng từ quả ớt tăng lên nhưng chúng tôi không thể tăng giá bán. Nhà máy bia cũng mới tăng giá bán, đắn đo lắm mãi tôi mới quyết định tăng thêm 1.000 đồng/cốc bia”, chủ chuỗi nhà hàng này than phiền.
Theo ông Nhất, việc tạm đóng cửa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh là điều đáng sợ đối với kinh doanh ăn uống nhưng không đáng sợ bằng việc được mở cửa mà không có khách. Tạm đóng cửa thì còn nhận được sự hỗ trợ từ các bên từ cho thuê mặt bằng đến các nhà cung cấp. Mở kinh doanh rồi thì không nhận được hỗ trợ nữa, mà vắng khách thì chỉ còn nước đóng cửa.
Anh Đỗ Doãn, chủ chuỗi bia hơi Hải Hói cho rằng, cái khó nhất đẩy nhiều quán bia đến cảnh đóng cửa chính là khách hàng và chi tiêu của khách hàng. "Khách đã vắng nhưng đáng lo ngại hơn nữa là khách lại gọi rất ít đồ. Hầu như bàn nào cũng chỉ có một đĩa đậu lướt ván, một đĩa lạc luộc tính ra chỉ có vài chục nghìn đồng thì làm ăn buôn bán thế nào được”, anh Doãn thở dài.
Trong khi đó, đại diện chuỗi nhà hàng bia Hải Xồm cho biết, lượng khách hàng tại chuỗi này hiện mới chỉ phục hồi được bằng khoảng 40% so với thời điểm trước dịch bệnh, trong khi doanh thu thì không phục hồi tương ứng vì chi tiêu của khách ít hơn trước.
Bình luận