Thành tựu và thách thức trong công cuộc xây dựng nông thôn mới
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá, sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án đã được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận cao và huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia.
Đề án đã có những tác động tích cực đến diện mạo khu vực nông thôn cũng như ổn định đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 9%.
Đến năm 2017, toàn tỉnh có 68/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 47,55% số xã, cao hơn bình quân chung cả nước. Trong đó, Thái Nguyên và Sông Công là 2 thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số hạn chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước vẫn còn trong một bộ phận cán bộ và nhân dân.
Một số tiêu chí được đề ra trong Đề án vẫn còn khó đạt hoặc đạt nhưng kém bền vững như hộ nghèo, thu nhập, môi trường, cùng với nguồn lực đầu tư còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu vẫn là những thách thức to lớn cần được phối hợp giải quyết khi xây dựng và thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới.
Đề xuất hướng đi tiếp theo trong việc thực hiện Đề án
Từ những kết quả đạt được và những bất cập còn tồn tại nêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án.
Trong đó, một số nội dung cần nhấn mạnh để thực hiện tốt đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể các cấp, nhất là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, bao trùm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, tự chủ của người dân cũng cần được tăng cường, nhân rộng, đặc biệt là đối với các điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Để đạt hiệu quả cao hơn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể theo từng nhóm (xã phấn đấu đạt chuẩn, xã đã đạt chuẩn, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xóm nông thôn mới kiểu mẫu…), trên cơ sở đó, phân công các sở, ngành của tỉnh phụ trách, trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã và các xã đăng ký đạt chuẩn giai đoạn 2018 – 2020.
Đối với vấn đề sử dụng các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới sao cho phát huy hiệu quả tối đa, việc cần làm đó là phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là nghiên cứu, ưu tiên bố trí nguồn vốn của tỉnh và đề nghị ứng vốn được giao theo kế hoạch trung hạn năm 2019, 2020 cho 11 xã dự kiến bổ sung, phấn đấu năm 2018 có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra, phát triển kinh tế nông thôn phải gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm nông sản chủ lực của từng vùng một cách bền vững; đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Cuối cùng, nhiệm vụ trọng tâm của ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án đối với các sở, ngành và các địa phương, trong đó bao gồm các nội dung quan trọng như thực hiện cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư; đánh giá chất lượng công trình; thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn và xử lý dứt điểm, không xảy ra nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.
Bình luận