Liệu chúng ta đã sẵn sàng?
Về mặt hạ tầng công nghệ thông tin, chúng ta đang có những bước tiến vượt bậc. Theo báo cáo hàng quý của Akamai - một công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đứng thứ 95 trên thế giới về tốc độ kết nối Internet vào cuối năm 2015, nhưng chỉ đến Quý 1 năm nay đã vươn lên thứ 58.
Về mặt cơ sở dữ liệu, chúng ta cũng đang có những bước đi đúng hướng. Ví dụ điển hình là sự ra đời của rất nhiều công ty thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu chuyên dụng cho thị trường Việt Nam như: Công ty dữ liệu VNPT, Công ty TNHH Siêu dữ liệu trực tuyến SuperData, Công ty dữ liệu tài chính và doanh nghiệp StoxPlus,...
Về mặt an ninh và bảo mật thông tin, Việt Nam cũng đã có những tiến bộ đáng kể. Theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, chỉ số an toàn thông tin của Việt Nam đang tăng lên theo từng năm, vượt mức trung bình trên thế giới lần đầu tiên vào 2016. Mặc dù những rủi ro về bảo mật, an toàn và cả đạo đức chưa thực sự ảnh hưởng lớn đến người sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam, việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những rủi ro đó đã được quan tâm khá nhiều trong những năm gần đây. Các biện pháp tương ứng cũng đã được người dùng chú ý áp dụng hơn.
Về mặt con người, Việt Nam cũng không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới về tốc độ tăng trưởng người sử dụng trong thị trường điện thoại di động, thiết bị điện tử thông minh và Internet tốc độ cao. Hiện hay, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng, hình ảnh các cụ già đọc báo bằng iPad hay các em nhỏ học bài qua mạng, các doanh nhân sử dụng điện thoại để quản lý công việc hay các bà nội trợ mua sắm trên các cửa hàng trực tuyến không còn là điều gì đặc biệt nữa. Như vậy, về cơ bản chúng ta đã sẵn sàng.
Câu chuyện pháp lý
Tuy nhiên, với tất cả những điều tích cực ở trên, có một khía cạnh mà chúng ta còn phải suy nghĩ thêm đó chính là khung pháp lý. Các câu chuyện “lùm xùm” xung quanh việc các hãng taxi công khai phản đối Uber và Grab, sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước “tiền ảo” hay các làn sóng startup Việt sang Singapore khởi nghiệp phản ánh rõ sự cần thiết trong việc cải cách khung luật ở Việt Nam.
Tất nhiên, câu chuyện cải cách luật không phải chỉ có riêng ở Việt Nam. Khi công nghệ thông tin phát triển theo từng ngày, thay đổi hành vi và quan hệ kinh tế xã hội một cách rõ rệt, các khung pháp luật hiện hành bao giờ cũng khó có thể thay đổi theo cùng tốc độ để thích ứng kịp thời. Ở Anh, bộ luật “Kinh tế số hoá 2017” vừa mới được thông qua vào tháng 4 vừa rồi là kết quả của quyết tâm cải cách luật mạnh mẽ gần 10 năm qua trong chính phủ và nghị viện quốc gia này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các tổ chức chuyên môn ngay lập tức lên tiếng cho rằng bộ luật này đã lỗi thời so với thực trạng công nghệ hiện nay. Chính phủ Úc ngay tháng 9 năm nay cũng cho ra đời một ấn phẩm về “Chiến lược Kinh tế số hoá” nhưng nội dung mới chỉ dừng lại ở những câu hỏi thay vì có những giải pháp cụ thể.
Trong khi hầu hết các chính phủ trên thế giới đều lúng túng, một điều chắc chắn là việc cải cách luật thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta nhìn nhận tương quan vị thế quốc gia trong bức tranh số hoá quốc tế và chúng ta muốn ở đâu trong bức tranh đó trong 5, 10 hay 20 năm nữa.
Kịch bản nào cho Việt Nam?
Theo cách nhìn tổng quan nhất, chúng ta đứng trước lựa chọn giữa 2 kịch bản pháp lý.
Một, chúng ta “bế quan toả cảng" về công nghệ thông tin và đặt kỳ vọng vào nội lực quốc gia. Đây là câu chuyện của Trung Quốc, khi quốc gia này gần như cấm triệt để sự có mặt trong nước của các công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, như Google, Facebook hay Amazon, và các sản phẩm công nghệ mới như Bitcoin. Thay vào đó, họ tạo cơ sở cho sự phát triển của các công ty nội địa như Baidu, Alibaba, Huawei hay Xiaomi. Đến nay, các công ty Trung Quốc không những dẫn đầu “cuộc cách mạng lần thứ tư" ở Trung Quốc mà còn có thể xâm nhập và cạnh tranh ở các thị trường quốc tế.
Hai, chúng ta phá bỏ tối đa các rào cản pháp lý để các công ty và công nghệ tiên tiến nhất tự do du nhập với kì vọng đâu đó trong chuỗi giá trị số hoá, Việt Nam tìm được vị thế của riêng mình. Đây là câu chuyện của các nước Tây Âu, Úc, New Zealand, hay gần hơn là Hồng Công và Singapore. Khi các công ty và công nghệ quốc tế tự do tham gia vào thị trường, đó sẽ chính là đòn bẩy, là đầu kéo cho nền kinh tế số hoá nội địa đi lên và nhanh chóng đứng ngang tầm với các quốc gia phát triển khác.
Mỗi kịch bản đều đem theo mình những rủi ro riêng. Trong khi kịch bản một có thể cho ra đời những công ty và công nghệ của riêng Việt Nam nhưng cũng có thể dẫn tới sự tụt hậu nghiêm trọng cho nền kinh tế, kịch bản hai đem lại sự gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế thế giới, đưa nền kinh tế trong nước trở nên hiện đại và hội nhập quốc tế ở tầm cao, nhưng cũng có thể dẫn tới những đột biến trong kinh tế và xã hội chưa lường được trước.
Kết nối hay không kết nối - đây sẽ là lựa chọn mang tính chiến lược cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Với xu thế phát triển của Việt Nam hiện nay, với vị thế và những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang có, kịch bản một có lẽ sẽ là một lựa chọn không phù hợp. Để đi theo kịch bản hai, có lẽ các luật, thông tư và nghị quyết của ta cần có sự nhất quán hơn nữa trong phương pháp tiếp cận.
Trước bối cảnh chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xây dựng chuỗi Diễn đàn Kinh tế số hóa hàng năm VDEF (Vietnam Digital Economy Forum) vì một Việt Nam phát triển mạnh mẽ về tri thức và công nghệ, thông qua việc kết nối các chuyên gia hàng đầu quốc tế, lực lượng trí thức Việt Nam toàn cầu, các tập đoàn, các nhà làm chính sách uy tín trên thế giới. VDEF 2018 được tổ chức vào tháng 1/2018, 3 hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức trước thềm Diễn đàn.
Bình luận