• Zalo

Kết nối hạ tầng – bài toán khó của quy hoạch đô thị

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Năm, 19/04/2018 08:09:00 +07:00Google News

Trong cơn bão phát triển thị trường bất động sản tại Hà Nội, vấn đề kết nối hạ tầng vẫn luôn là bài toán khó còn tồn tại nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.

Hàng trăm dự án khu đô thị được xây dựng và đi vào hoạt động trong vài năm gần đây đã cho thấy một vấn đề nan giải nằm ở sự thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Kết nối hạ tầng ở đây được hiểu cụ thể là sự kết nối đồng bộ về giao thông, hệ thống thoát và xử lý nước thải của các khu đô thị với hạ tầng chung của khu vực. Vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu tất yếu của các cư dân trong khu vực về lưu thông và nhiều vấn đề an sinh khác. Hiện nay, tại các thành phố lớn có mật độ dân cư đông đúc như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại rất nhiều vấn đề do hạ tầng thiếu sự đồng bộ, dẫn tới những tình trạng như tắc đường, ngập úng, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn…

Thực trạng kết nối hạ tầng còn nhiều bất cập

Khu đô thị Linh Đàm (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một dự án với mật độ cư dân thuộc vào hàng đông nhất nhì Hà Nội nhưng vấn đề hạ tầng giao thông lại không được đầu tư đúng mưc dẫn tới việc cửa ngõ ra vào khu đô thị này thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

a1

 Tình trạng ùn tắc do bất cập về hạ tầng giao thông diễn ra ở nhiều địa bàn trên thành phố

Tình trạng hạ tầng giao thông không đáp ứng mật độ dân cư cũng đã từng xảy ra ở khu Ngoại giao đoàn – dự án do Hancorp làm chủ đầu tư. Mặc dù dự án này có dân về sinh sống từ năm 2015 nhưng việc đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông lại không được phát triển đồng bộ. Hàng nghìn người dân nơi đây chỉ có duy nhất con đường Đỗ Nhuận để đi ra phía đường Phạm Văn Đồng vào nội đô, gây ách tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm.

Trong khi đó, ở dự án bên cạnh, chủ đầu tư Tây Hồ Tây sau khi đã hoàn thiện con đường nối khu này với tuyến đường Võ Chí Công lại chặn và không cho cư dân Ngoại giao đoàn sử dụng, gây bức xúc lớn trong dư luận. Chỉ sau khi có sự can thiệp của chính quyền, tuyến đường này mới được mở để kết nối với hạ tầng giao thông của khu vực.

Kết nối hạ tầng nhìn từ trách nhiệm của các bên

Bàn về tình trạng còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác kết nối hạ tầng giữa các dự án, khu dân cư với hạ tầng chung của thành phố, TS KTS Nguyễn Hoàng Minh - Phó Viện trưởng Viện Thiết kế và Quy hoạch đô thị nông thôn, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng đây là vấn đề đã và đang tồn tại ở không ít các dự án, khu đô thị ở Hà Nội: “Về thuật ngữ chuyên môn, chúng tôi gọi là những dự án ngoài hàng rào, đó có thể là các dự án giao thông kết nối dẫn vào các đô thị. Và có thể tùy theo từng dự án thì nó thuộc sự đầu tư của chủ đầu tư hoặc của cơ quan quản lý nhà nước sử dụng vốn nhà nước”.

Theo ông Minh, trong những năm gần đây, chủ trương giao trách nhiệm xây dựng hạ tầng cho các chủ đầu tư đang trở thành xu hướng. Việc này nhằm mục đích đảm bảo sự đồng bộ của hạ tầng dự án với hạ tầng chung của khu vực cả về kết cấu, tiến độ thực hiện lẫn thẩm mỹ chung. Sau khi hoàn thiện hạ tầng được giao, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại cho chính quyền vận hành và quản lý để sử dụng chung cho cả khu vực chứ không phải chỉ để phục vụ riêng cho cư dân sinh sống tại khu đô thị đó.

a2

Hạ tầng giao thông được giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng, sau khi hoàn thiện sẽ được bàn giao lại cho chính quyền quản lý và vận hành 

Mặc dù chủ trương là vậy, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại những bất cập về hạ tầng như các trường hợp nêu trên vì nhiều lý do. Trong đó, lý do đầu tiên phần lớn đến từ các trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng trách nhiệm và cam kết của mình trong việc xây dựng hạ tầng. Ví dụ như ở dự án khu đô thị Định Công- Đại Kim.

Cụ thể, tuyến đường Nguyễn Cảnh Dị là đường nằm trong phần đất giao thông của thành phố, được giao cho chủ đầu tư dự án Đại Kim xây dựng và hoàn thiện nhằm kết nối với hạ tầng tầng giao thông. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không triển khai đúng tiến độ dẫn tới việc người dân đi lại rất khó khăn và biến khu vực này trở thành điểm đen về ùn tắc giao thông, khiến chính quyền địa phương phải rất vất vả trong công tác phân luồng, điều tiết giao thông nơi đây.

Lý do thứ hai nằm ở chính những cư dân sống trong dự án khu đô thị. Khi mà hạ tầng thì đã được chủ đầu tư hoàn thiện đúng lộ trình quy hoạch của thành phố nhưng lại không thể bàn giao và đưa vào hoạt động do người dân hiểu chưa đúng về khái niệm đường nội bộ và muốn giữ đường là “của riêng”.

Gần đây nhất, vụ việc tranh chấp con đường giữa chung cư Vinaconex 7 và khu đô thị Goldmark City trên địa bàn phường Phú Diễn (Quận Bắc Từ Liêm) là một ví dụ. Vốn là con đường thuộc quy hoạch giao thông của thành phố, được giao cho chủ đầu tư Goldmark City xây dựng và bàn giao lại cho chính quyền quản lý sau khi hoàn thiện, nhưng, tới thời điểm bàn giao, con đường này lại rơi vào tình trạng tranh chấp do cư dân dự án này cho rằng nó là đường nội bộ, thuộc quyền sở hữu riêng của họ.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch SBLaw dẫn luật: “Khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó. Tuy nhiên, trong trường hợp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư”.

Lý do cuối cùng nằm ở việc quy hoạch dự án ngày từ ban đầu đã thiếu cái nhìn bao quát, dẫn tới việc dự án khi xây xong lại thiếu tính kết nối và tính phù hợp với quy hoạch chung, khiến cho bức tranh tổng thể về hạ tầng trở nên chắp vá, manh mún.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, có không ít các chủ đầu tư lớn, có uy tín đã thực hiện một cách nghiêm túc việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo yếu tố đồng bộ với hạ tầng của khu vực xung quanh. Đơn cử như “ông lớn” Vingroup, khi xây dựng khu đô thị Royal City, tập đoàn này đã khởi công xây dựng đoạn tuyến cầu đường nhằm mở rộng khu vực Nguyễn Trãi – Ngã Tư Sở - Đường Láng nhằm giảm bớt áp lực về giao thông khi hàng nghìn cư dân Royal chuyển về sinh sống.

Một ví dụ khác có thể nhắc tới là dự án Goldmark City (Quận Bắc Từ Liêm). Không chỉ tập trung xây dựng các khoản mục của khu đô thị, chủ đầu tư của dự án này còn thực hiện xây dựng toàn bộ các tuyến đường thuộc quy hoạch giao thông của thành phố để sau đó bàn giao lại cho chính quyền quản lý theo lộ trình đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, chủ đầu tư của Goldmark City còn chi ra gần 70 tỷ đồng để làm tuyến đường Nguyễn Cơ Thạch kéo dài và thi công tuyến cống thoát nước chảy ra sông Nhuệ trên địa bàn phường Phú Diễn như một hình thức xã hội hoá đóng góp vào sự phát triển hạ tầng kỹ thuật chung.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật cho rằng, khi thực hiện các dự án phát triển đô thị mới, bản thân chủ đầu tư phải có trách nhiệm đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật quy hoạch chi tiết của khu đô thị đó được phê duyệt. Tuy nhiên, việc đấu nối giữa khu đô thị đó với bên ngoài thì cần có cả trách nhiệm của chính quyền đô thị, chứ không chỉ riêng trách nhiệm của chủ đầu tư. Trách nhiệm của chính quyền nằm ở việc tạo điều kiện, giúp đỡ chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ và có phương án vận hành hiệu quả hạ tầng kỹ thuật sau khi tiếp quản.

Như vậy, bài toán về đồng bộ hạ tầng trong công tác quy hoạch đô thị cần phải có sự chung sức của cả chủ đầu tư và chính quyền. Riêng đối với các chủ đầu tư, việc chủ động và trách nhiệm trong hoạt động kết nối hạ tầng chính là tạo cho mình một đòn bẩy, một lợi thế cạnh tranh trên thị trường và thu hút các khách hàng. Bên cạnh đó là góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn