• Zalo

Kết luận máy bay VNA rơi ốp bảo vệ quạt: Bảo dưỡng cẩu thả

Kinh tếThứ Năm, 10/04/2014 07:40:00 +07:00Google News

Sau khi điều tra, Cục Hàng không VN (Bộ GTVT) kết luận nguyên nhân khiến tàu bay của VNA bị rơi ốp bảo vệ quạt làm mát phanh là do công tác bảo dưỡng.


Sau khi điều tra, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) kết luận nguyên nhân khiến tàu bay của Vietnam Airlines bị rơi ốp bảo vệ quạt làm mát phanh là do công tác bảo dưỡng.

Liên quan đến tàu bay A321, mang số hiệu VN-A397 thực hiện chuyến bay Đà Lạt - TP.HCM ngày 26/3 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), sau chuyến bay nhân viên kỹ thuật phát hiện ốp bảo vệ quạt làm mát phanh bị rơi mất, Cục Hàng không Việt Nam kết luận: nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố là do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng rút ngắn thời gian bảo dưỡng, không tuân thủ triệt để quy trình bảo dưỡng, cẩu thả, vội vàng dẫn đến sao nhãng, quên sót.

Ảnh minh họa
Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông báo quyết định thu hồi giấy phép bảo dưỡng tàu bay đối với tổ kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng thay cụm phanh của tàu bay VN-A397 ngày 25/3/2014 để thực hiện huấn luyện lại về ý thức tuân thủ quy trình bảo dưỡng tàu bay và yếu tố con người trong quá trình thực hiện bảo dưỡng tàu bay.

Bên cạnh đó, Thanh tra Hàng không cũng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức và cá nhân liên quan theo Nghị định 147/2013/NĐ-CP của Chính phủ nhằm duy trì nghiêm kỷ luật an toàn khai thác tàu bay.


Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Vietnam Airlines, Công ty kỹ thuật tàu bay (VAECO) thực hiện huấn luyện và đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quy trình cho các phi công, nhân viên kỹ thuật.

Đồng thời, cần phải rút kinh nghiệm, thông báo kết quả cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật thực hiện công tác bảo dưỡng tàu bay của công ty, đưa kết quả giảng bình vào nội dung huấn luyện yếu tố con người trong năm 2014 trước ngày 15/5/2014.

Cơ quan quản lý yêu cầu VAECO rà soát lại quy trình lập kế hoạch bảo dưỡng, kế hoạch đảm bảo nguồn nhân lực bảo dưỡng đáp ứng yêu cầu khai thác tuân thủ các yêu cầu về yếu tố con người.

Trước đó, ngày 21/10/2013, chuyến bay mang số hiệu VN1673 cũng của Vietnam Airlines cất cánh từ Hải Phòng sau khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng mới phát hiện ra lốp bị rơi. Nó nặng tới 15kg, được tìm thấy tại khu vực giáp ranh sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Cục Hàng không Việt Nam sau đó kết luận lốp rơi có thể do kẹt vòng bi hoặc nứt ngầm.

>> Nhấn vào đây để xem Video: Máy bay Vietnam Airlines rơi lốp, gãy càng sau hạ cánh



Nguồn: VTC14


Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn