Ngày 18/9/1996, khi đang chở khách đi tham quan trên con đường cao tốc ven biển Gangneung, Lee Jin Gyu, lái xe taxi người Hàn Quốc bắt gặp một toán người tóc ngắn, mặc trang phục giống hệt nhau ở phía bên kia đường.
Phát hiện ra điểm bất thường, Lee quyết định quay lại khu vực nhìn thấy đám người lạ sau khi đưa khách đến điểm được yêu cầu.
Nhưng khi trở lại, đám người mà ông bắt gặp trước đó biến mất. Điều duy nhất mà Lee quan sát được là một vật thể gì đó trông khá giống một chú cá heo hay đúng hơn là một con tàu ngầm đậu cách bờ biển gần 20m.
“Tôi chắc chắn đó không phải là thuyền đánh cá. Vì vậy tôi điện thông báo cho cảnh sát”, Lee kể lại thời điểm mà ông không hề hay biết mình suýt chạm trán với toán biệt kích và nhóm lính đến từ Triều Tiên cùng chiếc tàu ngầm Sang-O nặng 325 tấn của họ.
Từ đó, Hàn Quốc nhanh chóng điều tra xác minh vụ việc, để rồi nắm bắt thông tin ban đầu về vụ đột nhập của lính Triều Tiên.
Liên tục 49 ngày sau đó, 43.000 binh lính và nhân viên an ninh Hàn Quốc được huy động để truy lùng những vị 'khách không mời' đến từ phía Bắc.
Video: Những vũ khí đáng sợ của Triều Tiên
Trong chiến dịch kéo dài 7 tuần lễ đó, 16 công dân Hàn Quốc, 24 trong tổng số 26 thành viên nhóm binh sỹ Triều Tiên phải bỏ mạng trước khi tiếng súng dừng lại. Chỉ duy nhất một người lính Triều Tiên còn sống bị bắt giữ trong khi người còn lại mất tích không để lại bất cứ dấu vết nào.
Nhiệm vụ bí mật
Quay trở lại thời điểm bắt đầu, trong hai ngày 14-15/9, tàu ngầm Sang-O của Triều Tiên bí mật di chuyển tới khu vực bờ biển Gangneung, phía Đông Hàn Quốc.
Khoảng 11 giờ tối ngày 15, ba biệt kích Triều Tiên và hai thuyền viên lặng lẽ rời tàu tiếp cận phần đất liền của Hàn Quốc.
Trong khi đội biệt kích Triều Tiên tiếp tục tiến sâu vào các căn cứ quân sự của Hàn Quốc để do thám thì hai thuyền viên quay trở lại tàu để cùng 21 thủy thủ đoàn rời đi và dự định sẽ quay lại đón đội biệt kích sau đó hai ngày.
Theo đúng hẹn, 2 ngày sau đó 17/9, Sang-O quay trở lại để đón đoàn biệt kích của Triều Tiên nhưng do khi đang di chuyển, phần đuôi tàu bị kẹt vào rạn san hô, con tàu không thể có mặt ở điểm hẹn theo đúng kế hoạch.
Mọi nỗ lực giải cứu đều thất bại, thuyền trưởng Chong Yong Ku ra lệnh cho các thủy thủ rời bỏ con tàu, di chuyển lên bờ sau đó chia thành nhiều nhóm nhỏ tiến về Khu Phi quân sự (DMZ).
Chỉ vài giờ sau khi nhận được thông báo từ người dân địa phương về con tàu bị bỏ lại bên bờ biển Gangneung, quân đội Hàn Quốc tiếp cận Sang-O và phát hiện một khẩu súng máy, một khẩu AK-47, 100 lựu đạn và một tờ ghi chú với nội dung: "Chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ mà không được phép thất bại".
Trở về, họ ngay lập tức huy động số lượng lớn binh sỹ và nhân viên an ninh truy lùng đoàn thủy thủ đến từ Bình Nhưỡng.
Những nỗ lực ban đầu bắt đầu có hiệu quả khi vào khoảng 4h30 chiều 18/9, lực lượng quân đội Hàn Quốc bắt được một người lình Triều Tiên tên là Lee Kwang Soo sau khi một người nông dân nhìn thấy và báo cảnh sát.
Ban đầu Lee nhất quyết không hé răng về kế hoạch của Bình Nhưỡng và chỉ nói rằng con tàu của họ bị hỏng nên bị trôi dạt vào bờ biển của Hàn Quốc
Nhưng sau nhiều giờ đấu tranh với các nhà điều tra, Lee thừa nhận mình và 25 thành viên khác có mặt trên con tàu Sang-O để thực hiện nhiệm vụ do thám Hàn Quốc.
Những tưởng đây sẽ là manh mối giúp Hàn Quốc truy quét những người còn lại nhưng chỉ khoảng gần 3 tiếng sau khi Lee bị bắt giữ, phía Hàn Quốc nhận được thông tin khiến ai cũng phải giật mình, 11 thủy thủ đoàn trên con tàu bị phát hiện chết với vì đạn găm vào đầu, cách khu vực tàu ngầm mắc kẹt khoảng 8km.
Điểm đặc biệt là tất cả đều mặc quần áo dân sự, được đặt nằm ngay ngắn cạnh nhau trừ một người nằm vắt chân sang một bên với khẩu súng vẫn còn trong bao da.
Cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến những cái chết này vẫn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Một số nguồn tin cho rằng những thuyền viên này bị chính đoàn biệt kích Triều Tiên kết liễu vì làm con tàu bị mắc kẹt. Cũng có một số ý kiến khác cho rằng 11 người này quyết định tự tử vì không hoàn thành được nhiệm vụ.
Trả đũa
Chỉ trong ngày hôm sau, 19/9, thêm 7 binh sĩ Triều Tiên bỏ mạng trong các cuộc đấu súng với lực lượng quân đội của Hàn Quốc. Rồi 11 ngày tiếp theo, 4 trong số những người còn sống sót cũng không thể giữ được tính mạng của mình sau khi chạm trán với lính Hàn.
Đến ngày 1/10, chỉ còn duy nhất 3 thủy thủ trong số toán lính 26 người của Triều Tiên chưa bị bắt giữ.
Về phần mình, sau khi nhận được thông tin, Triều Tiên đòi Hàn Quốc trả người và con tàu mà họ nói rằng chỉ vô tình trôi dạt vào vùng biển của Hàn Quốc vì gặp sự cố về động cơ.
Bình Nhưỡng cũng dọa sẽ có những đáp trả nếu Seoul không làm theo yêu cầu của họ nhưng Hàn Quốc nhất quyết không nhượng bộ.
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn tìm kiếm những người lính Triều Tiên còn sống sót. Nhưng mãi cho đến ngày thứ 49 trong chiến dịch, họ mới lần ra dấu vết và xử lý 2 trong số 3 người còn lại.
Về phía Hàn Quốc, 12 người thiệt mạng trong đó có 4 thường dân, 27 người bị thương trong các trận đấu súng với nhóm binh lính Triều Tiên.
Sau 7 tuần truy lùng gắt gao, Hàn Quốc quyết định dừng tìm kiếm người duy nhất còn sống sót. Có một số nguồn tin cho rằng, người này vượt qua khu vực phi quân sự để trở về hoặc cũng có thể đã chết trong những ngày tháng lẩn trốn.
Sau vụ việc, 29/12/1996, Triều Tiên không giải thích mà chỉ đưa ra một lời xin lỗi về sự cố liên quan đến tàu ngầm của họ và cam kết sẽ không để những sự cố như vậy tái diễn.
Còn về phía Hàn Quốc, hải quân nước này trục vớt chiếc tàu ngầm lớp Sang-O và kéo nó đến một căn cứ để điều tra.
Bình luận