(VTC News) – Sau khi GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ quan điểm “Ăn Tết Ta theo ngày dương lịch” để hội nhập cùng thế giới, GS-TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu TW đã chia sẻ quan điểm.
Vì số lượng bình luận gửi về quá nhiều nên ban biên tập chưa thể duyệt đăng hết trong thời gian vài ngày. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, khoảng 70% số lượng ý kiến không đồng tình với quan điểm của tác giả, nhưng khoảng 30% ý kiến đồng tình cũng là con số đáng để các nhà quản lý văn hóa phải suy nghĩ.
Trong số các ý kiến đồng tình, đa phần là những người trẻ, nhưng cũng có nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học, chuyên gia văn hóa. Trong đó có GS-TS Nguyễn Anh Trí, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng lao động, Viện trưởng viện Huyết học – Truyền máu TW.
GS Trí cho rằng tổ chức lễ hội vẫn theo lịch âm
Trong phản hồi gửi VTC News sáng 2/1/2013, GS Trí viết: “Trước hết vẫn khẳng định: Không phải "Bỏ Tết Âm lịch", mà là điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và diễn biến của cuộc sống hiện nay. Tôi đề nghị Nhà nước nên sớm thống nhất và quyết định: Nghỉ Tết Dương lịch với thời gian như nghỉ Tết Âm lịch hiện nay và nghỉ Tết âm lịch như nghỉ Tết dương lịch hiện nay (khoảng 1-2 ngày là đủ).Tất cả các hoạt động chào mừng năm mới, lễ hội truyền thống... vẫn tiếp tục gìn giữ và phát huy.
Nhật Bản là điển hình nột quốc gia gìn giữ được bản sắc đất nước mình, trước kia họ cũng ăn Tết Âm, nhưng họ đã thay đổi chuyển sang ăn Tết Dương lịch lâu rồi. Rất mong các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan chức năng quan tâm ý kiến của chúng tôi”.
Sau đó GS-TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ quan điểm về vấn đề mà GS-TS Võ Tòng Xuân đã nêu với phóng viên VTC News:
- Ông có suy nghĩ như thế nào về quan điểm của GS.Võ Tòng Xuân?
Trước hết, xin được nói rằng rất tình cờ mà tôi đã đọc được bài báo của GS Võ Tòng Xuân. Tôi xin phép gọi ông là "thầy" vì sự tôn trọng, dù thầy Xuân không dạy tôi.
Đầu tiên, tôi cảm kích vì thầy Xuân đã rất dũng cảm, rất trách nhiệm với sự phát triển của đất nước mới nêu vấn đề này ra. Ngày Tết cổ truyền tôi chắc cũng rất cần thiết với cuộc sống riêng của thầy, nhưng vì sự phát triển mạnh mẽ của đất nước mà thầy phát biểu.
Tôi đánh giá cao những lập luận, chứng cứ, ý kiến của thầy Võ Tòng Xuân đã nêu trong bài báo đó. Tôi phải khẳng định lại là chúng tôi không đề xuất bỏ Tết cổ truyền, bỏ lịch âm gì cả. Chúng tôi đề nghị chỉ cần thay đổi lịch nghỉ: Kéo dài ngày nghỉ Tết dương lịch và rút ngắn ngày nghỉ âm lịch. Cụ thể, nghỉ Tết dương lịch nằm trong khoảng từ 26/12 đến 5/1 dương lịch; còn Tết âm lịch, chúng ta vẫn duy trì nhưng nghỉ ngắn từ 1 – 3 ngày. GS Nguyễn Anh Trí
Tất cả ý kiến của thầy Xuân đều là ý kiến của người có kiến thức, có kinh nghiệm quản lý, nên cơ bản là rất đúng. Và mọi người dường như đã quên đi là GS Xuân không viết là "bỏ Tết cổ truyền".
Qua đây, nhờ VTC News tôi muốn có bày tỏ quan điềm đồng tình với thầy Xuân. Cần khẳng định lại: Phải là một nhà khoa học có trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, thầy mới viết như vậy!
- Vì sao mà ông đồng tình với quan điểm của GS.Võ Tòng Xuân?
Lý do tôi đồng tình quan điểm của thầy Xuân bởi lẽ, quan điểm này thể hiện tính hội nhập để phát triển - một điều kiện hết sức cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia.
Ai cũng biết, Tết âm lịch đã có hàng ngàn năm nay nên đã trở thành "cổ truyền". Nhưng cũng cần lưu ý Lịch âm có nguồn gốc là lịch Trung Quốc.
Trung Quốc là nước láng giềng chúng ta, có một nền văn hóa đồ sộ, và ít nhiều đã có những ảnh hưởng khá rõ nét vào văn hóa nước ta.
Mặt khác, hàng ngàn năm trước đây Việt Nam mới có thể hội nhập với Trung Quốc là chủ yếu. Và việc dùng lịch Trung Quốc, ăn Tết như Trung Quốc cũng là đúng thôi!
Ngày nay Việt Nam đã hội nhập không chỉ với Trung Quốc, mà với nhiều nước khác ở cả châu Âu, châu Úc, châu Mỹ... với cả toàn cầu. Vậy chúng ta cũng cần có sự điều chỉnh ngày nghỉ Tết cho hợp lý!
Điều chỉnh để tồn tại, để phát triển và để đảm bảo bản sắc của chính mình chứ! Đây là một sự kế thừa, chứ không phải là "phủ định sạch trơn". Đấy chính là tính biện chứng!
Về thực tiễn, tôi thấy nó rất cần. Năm 1993 -1994, tôi đang học ở Nhật Bản và tôi có một cái Tết Tây ở Nhật Bản. Những người bạn Nhật có chia sẻ: Trước đó, họ ăn Tết âm lịch nhưng vì hội nhập họ đã ăn Tết Tây, và điều này rất tốt cho công việc và cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản.
Việc nghỉ Tết dương lịch (1-2 ngày) rồi Âm lịch quá dài và lệch nhiều với lịch dương, có ảnh hưởng không nhiều đối với mỗi cá nhân (tôi chắc là cả ngay với GS Võ Tòng Xuân), mỗi dòng họ, thậm chí là một xóm, một làng. Khi tôi là một bác sỹ trẻ, chưa làm quản lý tôi thấy không hề ảnh hưởng gì cả.
Nhưng ảnh hưởng vì điều đó lên một quốc gia đang hội nhập thì rất to lớn, càng hội nhập sâu, càng tiên tiến, càng phát triển thì càng bị ảnh hưởng. Khi trở thành một người làm quản lý tôi mới thấy rất rõ điều này.Nụ xuân, hình ảnh truyền cảm hứng cho bao tâm hồn lãng mạn
Hiện tại, hầu hết các nuớc đều nghỉ từ 24/12 hàng năm đến 5/1 năm sau cho cả Giáng sinh và Tết Tây. Chúng ta nghỉ Tết cổ truyền từ 30 tháng Chạp đến mồng 4 tháng Giêng (năm này chúng ta nghỉ Tết dương lịch là 4 ngày và Tết âm lịch là 9 ngày kể cả nghỉ bù). Thời gian quốc tế nghỉ vào dịp Tết tây, mặc dù chúng ta không nghỉ nhiều như họ, nhưng cũng phải "bị nghỉ" theo họ.
Ví dụ, thời gian từ khoảng 24/12 dương lịch đến 10 tháng Giêng âm lịch (của năm sau) rất khó để tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học mà có mời chuyên chuyên gia quốc tế tham dự. Nếu có mời, họ cũng không đi! Sau đó họ sẵn sàng đi thì chúng ta lại bận nghỉ Tết.
Đó là mới nói Hội nghị khoa học, còn đối với hoạt động đấu thầu quốc tế, xuất nhập khẩu, đi khám chữa bệnh, đi học tập, tu nghiệp, mời chuyên gia đến làm việc… đều gặp rắc rối tương tự.
Trên thực tế, thì ngoài mùng 10 âm mới trở lại nhịp làm việc như cũ. Như vậy trên dưới 2 tháng do "lệch nhịp" nên mọi việc bị đình đốn, bị chậm trễ. Ai đó nói rằng "Nếu cần thì ông đi làm một mình đi! Ai cấm đâu nào!" Làm với ai, có ai cùng làm đâu mà làm cơ chứ! Làm sao làm việc được khi từ người phục vụ, văn thư, thư ký, kế toán, đồng nghiệp, chuyên gia đều không có mặt hoặc chỉ có lác đác vài người!
Làm sao được khi các cơ quan khác đều nghỉ Tết! Có những cơ quan thuê được chuyên gia tư vấn giỏi, lương tính theo tháng, theo tuần thậm chí theo ngày cao chót vót, và họ cũng đến làm việc nhưng do vướng bận Tết tây, Tết ta nên hiệu quả không cao. Tiếc lắm!
Ảnh hưởng này sẽ rất lớn đối với các cơ quan có nhiều hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án lớn, các công ty xuyên quốc gia, các thương vụ xuất nhập khẩu lớn...
Đó cũng là một trong những lý do để chậm tiến độ, để thất thoát, để lãng phí, để công nhân phải làm tăng ca, dồn ca, làm cả trong những ngày được nghỉ Tết âm lịch...
Mà các tác hại này sẽ càng nặng nếu chúng ta càng hội nhập. Nước ta khi không có hoạt động xuất khẩu, khi không có giao lưu, hội nhập… thì chắc là ít ảnh hưởng. Nhưng hiện nay khi đã có hàng vạn nhà máy sản xuất hàng hóa, khi có hàng trăm công ty xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, khi hầu hết các cơ quan trung ương, hầu hết các tỉnh đều đã có quan hệ hợp tác với các nước Âu, Mỹ… thì chắc chắn là có ảnh hưởng.
Tôi biết trong nhiều hoạt động đấu thầu, kinh doanh, học tập, hội nghị, đi khám chữa bệnh…thời gian là rất quan trọng. Việc “lệch nhịp” đã và đang gây nên những tắc nghẽn, những ảnh hưởng rất không đáng có, thậm chí là rất đáng lo ngại.
Như vậy, nếu chúng ta tiếp tục duy trì việc nghỉ Tết tây ngắn và Tết ta dài như hiện nay thì những công việc lớn sẽ rất ảnh hưởng.
- Vậy theo ông cách làm như thế nào là hợp lý?Tôi phải khẳng định lại là chúng tôi không đề xuất bỏ Tết cổ truyền, bỏ lịch âm gì cả. Chúng tôi đề nghị chỉ cần thay đổi lịch nghỉ: Kéo dài ngày nghỉ Tết dương lịch và rút ngắn ngày nghỉ âm lịch.
Cụ thể, nghỉ Tết dương lịch nằm trong khoảng từ 26/12 đến 5/1 dương lịch; còn Tết âm lịch, chúng ta vẫn duy trì nhưng nghỉ ngắn từ 1 – 3 ngày, vào khoảng 30 Tết đến mùng 1 hoặc 2 Tết. Kỳ nghỉ dài ngắn như thế nào do Nhà nước lấy ý kiến và quyết định. Vỡ òa cảm xúc thời khắc năm mới 2013
Các hoạt động cúng giỗ gia đình, dòng tộc, ngày lễ ngày hội xóm làng, quốc gia, ngày giỗ Tổ Hùng Vương vẫn tiếp tục duy trì , bảo tồn, phát huy và được tổ chức theo lịch âm. Trên tờ lịch cũng nên có cả ngày dương, ngày âm như hiện nay.
Sự thay đổi như vậy không ảnh hưởng nghiêm trọng gì đối với các hoạt động của nhân dân trong xã hội, và vẫn đảm bảo cho ai muốn duy trì các cuộc thăm viếng, hoạt động tâm linh theo lịch âm cũng vẫn được tôn trọng và vẫn làm được.
Tôi xin đề nghị Nhà nước, các Bộ ban ngành có liên quan cần vào cuộc để giải quyết vấn đề này. Đây thực sự là vấn đề quan trọng cho sự hội nhập, sự phát triển của đất nước. Vấn đề này liên quan đến tầm vĩ mô, bởi vậy Chính phủ cần biết, quan tâm và giải quyết mới được.
Cần lấy ý kiến toàn dân, sau đó tổ chức hội thảo để trao đổi, tranh luận và có kết luận, sau đó trình cho Thủ tướng để Thủ tướng quyết. Nếu cần thì cho làm thử, và điều chỉnh thêm cho hợp lý.
- Ông có cho rằng việc thay đổi này không hề đơn giản vì đây là tập quán đã ăn quá sâu?
Tôi biết đây không phải là vấn đề đơn giản, bởi ăn Tết âm dài ngày đã thấm sâu trong máu thịt của mọi nguời, kể cả bản thân tôi. Nhưng nếu vì sự hội nhập và phát triển của đất nước thì rất nên làm.
Để làm được việc này, chúng ta cần hết sức quyết tâm để thay đổi.
Ngoài những quyết định hành chính của Nhà nước, mỗi người cần phải cố gắng thay đổi thói quen. Việc này khó hay dễ cũng tùy người!
Trước hết là tùy thuộc vào thái độ, tinh thần trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đất nước. Tôi tin rằng, nếu hiểu ra thì ai cũng sẵn sàng thôi mà!
Mặt khác, qua việc theo dõi diễn biến đón Tết dương lịch trên toàn quốc ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn, tôi có niềm tin rằng, điều này sớm muộn gì cũng sẽ thay đổi!
Nhân đây, với tư cách là một thầy thuốc, tôi xin có ý kiến là chúng ta cần chú ý về sức khỏe của GS – TS Võ Tòng Xuân.
Sau khi bài báo lên, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều ý kiến đúng mực. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khá tiêu cực, rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của thầy Xuân.
Tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng: Nhiều người nói "phải bảo vệ văn hóa, truyền thống dân tộc" nhưng có những truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc là "kính trọng người già", là "tôn sư trọng đạo".
Tranh luận là cần thiết, là tự do nhưng nên đúng mực, nên tôn trọng người khác! Một người có tuổi, có trách nhiệm, tâm huyết và có trình độ như thầy Võ Tòng Xuân mà chúng ta nặng lời với thầy như một số người đã viết như vậy, tôi cho là không phải!
- Xin cảm ơn ông vì những ý kiến trách nhiệm và thẳng thắn này.
Nguyễn Tâm (thực hiện)
Bình luận