Cách đây vài giờ, clip được cho là ghi lại những hình ảnh nhạy cảm của hot girlvà bạn trai khiến cộng đồng mạng không khỏi xôn xao.
Trước sự việc này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: "Giữa nam và nữ, trong mối quan hệ yêu đương, họ hoàn toàn có quyền riêng tư, sở hữu những clip riêng tư, nhạy cảm với nhau.
Tuy nhiên trong thời đại công nghệ phát triển, đã có nhiều trường hợp cảnh nóng bị phát tán gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân vật chính. Bởi vậy giới trẻ yêu nhau phải có phương án đảm bảo sự an toàn cho mình".
Là một chuyên gia tư vấn tâm lý, Trịnh Trung Hòa cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự.
"Đó là những người trẻ, trong thời gian yêu nhau họ gửi hình ảnh, video nhạy cảm cho nhau. Tuy nhiên không may, những hình ảnh này bị rò rỉ ra ngoài. Sau đó, người khác đem phát tán lên mạng xã hội. Việc này khiến người trẻ phải mệt mỏi, trầm cảm vì phải đối mặt với dư luận", ông nói.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang – Phó trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín là vi phạm các điều 32, điều 34 và điều 38 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Cụ thể, điều 32 về Quyền cá nhân đối với hình ảnh quy định, nếu việc sử dụng hình ảnh cá nhân không được sự đồng ý của người có hình ảnh, không được thoả thuận về mặt thù lao nếu vì mục đích thương mại, không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Điều 34 về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín quy định: Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Ở khoản 2 điều 38 về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, luật quy định: Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo TS. Quang, về việc bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm phạm, ở điều 592 Bộ Luật dân sự năm 2015 cũng quy định, về mặt dân sự, người bị hại có thể yêu cầu gỡ hình ảnh đó xuống, buộc người đăng tải phải xin lỗi, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần.
Nếu người bị hại muốn khởi tố hình sự, phải làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Sau đó, việc có khởi tố vụ việc hay không là do cơ quan công an quyết định.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định: "Việc phát tán clip nóng, văn hóa phẩm đồi trụy lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 253 Bộ luật Hình sự về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy và Điều 121 Bộ luật Hình sự về tội Làm nhục người khác".
Điều 253 Bộ luật Hình sự về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy:
- Người nào sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp:
- Vật phạm pháp có số lượng lớn; Phổ biến cho nhiều người; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức.
- Đối với người chưa thành niên; Gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng.
Điều 121 Bộ luật hình sự về tội làm nhục người khác:
- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội nhiều lần, với nhiều người thì bị phạt tù từ 1-3 năm.Tuy nhiên, trong trường hợp này, nạn nhân phải có đơn đề nghị khởi tố kẻ đã tung ảnh, clip sex để xử lý theo pháp luật do đây thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Bình luận