Hàng trăm ha đất bị thiêu rụi, nhiều công trình bị thiệt hại nặng nề, một số người Mỹ còn suýt mất mạng. Tất cả điều này xuất phát từ một "kẻ thù" không thể bắn trả và không có người điều khiển.
Vụ việc diễn ra vào năm 1956 trong trong một sự cố diễn tập.
Ở thời điểm này, hải quân Mỹ giới thiệu các tên lửa không đối không trang bị trên chiến cơ trên hạm trong cuộc đua với Liên Xô. Tuy nhiên, do thường xuyên gặp sai sót, các tên lửa này được thử nghiệm rộng rãi.
Tới năm 1956, trong giai đoạn thử nghiệm cuối, không quân Mỹ tập trung vào các thử nghiệm bắn đạn thật. Các máy bay không người lái (UAV) được mang ra làm mục tiêu mồi.
Trong số này có (UAV) F6F-5K Hellcat. Hellcat được đánh giá cao trong Thế chiến 2 nhưng tương đối lỗi thời vào năm 1956. Điều này khiến nó trở thành vật hy sinh lý tưởng.
Ngày 16/8/1956, một chiếc Hellcat được phóng đi từ căn cứ Point Mugu ở California. Nó được sơn màu đỏ tươi giúp hải quân Mỹ dễ đàng phát hiện và hạ gục bằng tên lửa không đối không mới của họ.
Tuy nhiên, trong quá trình diễn tập, Hellcat bất ngờ đổi hướng. Thay vì bay qua đại dương, nó rẽ sang Los Angeles và bay lên cao.
Không rõ vì lý do gì, chiếc UAV này bất tuân lệnh của sỹ quan điều khiển.
Lực lượng không quân Mỹ đã lập tức điều hai chiến cơ Northrop F-89 Scorpions xuất kích từ căn cứ Không quân Oxnard gần đó để hạ Hellcat. Mỗi chiếc mang theo 104 quả rocket Mk 4.
Các phi công trên hai chiếc Scorpions được lệnh không bắn hạ chiếc Hellcat ở không vực đông dân cư. Do đó, họ đợi nó bay qua Los Angeles.
Hellcat tiếp tục rẽ hướng cho tới khi gần Thung lũng Antelope. Ở khu vực dân cư thưa thớt này, các phi công được lệnh "xuống tay".
Tuy nhiên, lỗi hệ thống, tên lửa không thể phóng đi. Lúc này, các phi công định chuyển về chế độ ngắm bắn thủ công. Nhưng đen đủi ở chỗ kính ngắm của chiếc F-89 Scorpions bị loại bỏ trước đó do lỗi thời.
Khi chiếc Hellcat trở lại Los Angeles, các phi công quyết định không chờ đợi thêm và cần phải hành động nhanh chóng. 42 quả rocket được phóng đi. Tuy nhiên, chỉ có vài quả sượt qua bụng của chiếc UAV và không thể tiêu diệt nó.
Mỗi chiếc F-89 tiếp tục phóng 32 quả rocket nhưng vẫn không thành công. Khi chỉ còn lại 60 quả tên lửa, các phi công quyết định hiệu chỉnh lại máy đo khoảng cách, hy vọng tăng hiệu quả cho các tên lửa phóng đi. Đây là cơ hội cuối cùng để hạ gục chiếc UAV vì nhiên liệu để bay cũng sắp cạn kiệt.
Dù vậy, 60 quả rocket phóng ra vẫn không mang lại kết quả tích cực nào.
Hết vũ khí, cạn kiệt nhiên liệu, hai chiếc F-89 trở lại căn cứ.
Về phần mình, Hellcat gần như chẳng hề hần gì trước sự tấn công của hơn 200 quả rocket. Nó chỉ rơi xuống gần một con đường trải ngựa không người, cạnh sân bay Palmdale khi đã hết nhiên liệu.
Không chỉ thất bại trong nỗ lực tiêu diệt Hellcat, 193 trong 204 quả rocket được phóng đi từ hai chiếc F-89 phát nổ, gây ra một số vụ cháy lớn và suýt đoạt mạng của một vài người.
Đám cháy đầu tiên được ghi nhận xung quanh Castaic - một cộng đồng dân cư ở phía bắc Los Angeles, California, phá hủy một diện tích rộng 60 ha.
Một tên lửa rơi gần công viên quốc gia Placerita Canyon tạo ra nhiều đám cháy. Ngọn lửa còn suýt lan tới nhà máy thuốc nổ Bermite Powder.
Tại thung lũng Soledad Canyon, 141 ha đất rừng bị thiêu rụi.
Tổng cộng, trận chiến Palmdale tàn phá một khu vực rộng hơn 400 ha và phải mất hai ngày để dập tắt ngọn lửa.
Một số tên lửa đáp trúng một số ngôi nhà, suýt đoạt mạng của người dân. Một mảnh đạn bay qua cửa sổ, rơi vào tủ bếp của một căn hộ.
Nhà để xe một số căn nhà khác bị mảnh vỡ tên lửa xuyên qua. Một phụ nữ ngồi trong phòng khách nhà mình cũng suýt bị tên lửa rơi trúng người.
Một tên lửa khác phát nổ ngay trước mặt một người đàn ông và mẹ anh ta khi hai người lái xe dọc đường. Đầu chiếc xe bị hư hại nặng nề.
Một chiếc xe tải bị phá hủy hoàn toàn nhưng may mắn là tài xế đã kịp thoát thân.
Với những con số thiệt hại khủng khiếp này, "trận chiến Palmdale" đến nay vẫn là nỗi bẽ bàng với quân đội Mỹ.
Rút kinh nghiệm từ sự cố trên, quân đội Mỹ đẩy mạnh phát triển hệ thống hỏa lực, cải thiện công nghệ tên tên lửa đất đối không dẫn đường cũng như trang bị thêm "thiết bị an toàn" trên các phương tiện không người lái.
Từ năm 1956, không một kịch bản nào tương tự như trận chiến Palmdale được ghi nhận.
Bình luận