Mấy ngày nay trên mạng xã hội xuất hiện clip một người phụ nữ đánh đập một người già đang nằm trên giường khiến nhiều người không khỏi bức xúc, phẫn nộ. Trong xã hội hiện đại, việc con cái hành hạ, đánh đập cha mẹ không phải là hiếm.
Có rất nhiều clip như thế này được tung lên mạng. Tuy nhiên, trong clip mới đây, điều đáng lên án là việc hành hung cụ già diễn ra trước mặt người đàn ông và cháu nhỏ. Bất bình hơn là khi mọi người biết người đàn ông đấy chính là con đẻ của nạn nhân và người hành hung là con dâu của nạn nhân...
Liên quan đến vụ việc, ngày 29/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 2 vợ chồng Võ Quốc Tuấn (56 tuổi) và Phạm Thị Loan (57 tuổi, cùng ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) để điều tra về hành vi "ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo điều 185 Bộ luật hình sự.
Việc làm này là có căn cứ, đúng pháp luật thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, duy trì quan hệ đạo đức xã hội, trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi về già.
Phụng dưỡng cha mẹ không chỉ là đạo đức mà còn là trách nhiệm
Theo truyền thống đạo đức văn hóa của người Việt Nam thì “trẻ cậy cha, già cậy con”. Khi con còn nhỏ thì cha mẹ chăm lo, yêu thương, sẵn sàng hy sinh, dành mọi thứ tốt nhất cho con với nghĩa “cá chuối đắm đuối vì con”. Ai cũng mong con cái khôn lớn, trưởng thành, đóng góp công sức cho xã hội và yêu thương quý trọng ông bà, cha mẹ. Bố mẹ nào cũng mong con cái hiếu thuận, biết yêu thương quý trọng lẫn nhau và biết báo hiếu với cha mẹ khi về già.
Là con người thì chữ hiếu là thứ để đánh giá phẩm chất đạo đức, ghi nhận sự tử tế. Khi đối xử không tử tế đối với cha mẹ của mình thì chắc chắn rằng họ sẽ không tử tế đối với bất kỳ ai...
Bên cạnh đó, hành vi đối xử tàn nhẫn, tàn ác đối với cha mẹ của mình khiến con cháu, cộng đồng xã hội chứng kiến sẽ là một cái gương xấu cho các thế hệ sau, làm gia tăng nguy cơ “cầu trước bắc đâu, cầu sau bắc đó”, làm suy đồi đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Bởi vậy, hành vi này cần phải bị lên án mạnh mẽ và cần phải bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì con cái với cha mẹ, ông bà là mối quan hệ gia đình, phải biết yêu thương, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau. Khoản 2, Điều 70 Luật hôn nhân và gia đình quy định: con cái “có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.
Khoản 2, Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
"Có thể nói nghĩa vụ của con cái trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ đặc biệt là cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật... không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà đây còn là trách nhiệm pháp lý. Nếu người nào vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm này thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự"- luật sư Cường nói.
Luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật thì hành vi đối xử tàn ác, đánh đập, hành hung người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục (như ông bà, cha mẹ, con cái...) là hành vi vi phạm pháp luật đến mức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
Theo đó, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy, Bộ luật hình sự luôn có chế tài để bảo vệ quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, người có công nuôi dưỡng khi những người khác có hành vi bạo lực, xâm hại đến thân thể của họ.
Bởi vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Để xử lý hình sự về tội danh này thì cơ quan điều tra cần thu thập các chứng cứ để chứng minh hai đối tượng này thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần...
"Trong vụ việc nêu trên, nạn nhân đã trên 70 tuổi nên được xác định là người già, đồng thời sức khỏe suy kiệt, thường xuyên ốm đau bệnh tật nên có thể được coi là “người già yếu”. Hành vi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm đến thân thể của bố mẹ là “người già yếu” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Bởi vậy trong vụ việc này hai đối tượng trên sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 5 năm tù"- luật sư Cường phân tích.
Trường hợp hành hạ, đánh đập ông bà, cha mẹ mình mà đến mức gây thương tích hoặc thiệt mạng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người với mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn rất nhiều.
Vụ việc này cơ quan điều tra sớm vào cuộc, sớm khởi tố và bắt tạm giam hai đối tượng này là điều khiến dư luận hết sức hoan nghênh, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Bình luận