• Zalo

Kẻ nào đã dối trá với toàn thế giới về tội ác ghê rợn của tập đoàn đồ tể Pol Pot?

Thế giớiThứ Hai, 07/01/2019 17:03:00 +07:00 Google News

Dù là với động cơ gì, bị "lừa" hay không, sự tuyên truyền sai lạc của các nhà báo, chính trị gia nước ngoài được chính quyền Pol Pot lựa chọn, đã góp phần che giấu sự thật khủng khiếp về cuộc diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người.

Trong những năm Khmer Đỏ cầm quyền, cực ít chính khách hay phóng viên nước ngoài được đến Campuchia.

Lãnh đạo to nhất đến thăm Campuchia thời kỳ này, chính là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Rumani, Tổng thống Rumani Ceausescu (cùng vợ là Elena) tháng 5/1978, như một hành động ủng hộ chế độ của Pol Pot. Rồi sau đó có thể kể đến Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Uông Đông Hưng (11/1978), rồi Bộ trưởng ngoại giao Nam Tư Milos Minic, thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên....

49709100_10211710097261892_966808545762738176_n

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Rumani, Tổng thống Rumani Ceausescu (cùng vợ là Elena) tháng 5/1978. (Ảnh: FB Phan Việt Hùng)

Các thông tin thật sự về Campuchia trong thời kỳ này lọt ra ngoài rất ít ỏi. Nhà báo Viktor Pritula, trưởng đại diện Uỷ ban phát thanh và truyền hình Liên Xô (từ 1980) tại Campuchia sau này trong bài báo phản biện cuốn "Pol Pot. Campuchia-Đế chế trên xương người" của Oleg Samorodnyi (nguyên phiên dịch Đại sứ quán Liên Xô tại Campuchia) đã cho biết các thông tin về chính quyền Khmer Đỏ Liên Xô biết được qua đường tình báo là chủ yếu, qua sự trợ giúp của tình báo các nước XHCN như Mông Cổ, CHDC Đức, Ba Lan, thậm chí qua cựu đại sứ chính quyền Lon Non ( có 2 em gái là vợ của Pol Pot và Ieng Sary).

Nhưng vẫn có các nhà văn nhà báo nước ngoài được chính quyền Pol Pot lựa chọn mời sang, và sau đó họ cho ra lò các bộ phim, phóng sự, phóng sự ảnh ca ngợi đất nước Campuchia  "tươi đẹp" đang "xây dựng cuộc sống mới", nói rằng chẳng có tra tấn diệt chủng gì xảy ra ở đây.

Xin đơn cử năm 1978, năm đỉnh cao của diệt chủng, năm trước khi chính quyền khát máu Campuchia dân chủ bị tiêu diệt. Năm đó, đã có nhiều đoàn nhà báo, đảng phái chính trị đến Campuchia. 

Tháng 3/1978, một phái đoàn nhà báo Nam Tư do Nikola Vitorovic dẫn đầu vào Campuchia, sau đó về tuyên truyền về những thành tựu của nước này qua bài phỏng vấn Pol Pot như xóa sổ bệnh sốt rét, xóa mù chữ. phát triển nông nghiệp, thủy lợi...Thời điểm đó, Vitorovic là người duy nhất được quay phim ở Campuchia. 

Tháng 8/1978, đoàn đại biểu Hội hữu nghị Thụy Điển-Campuchia thăm Campuchia 14 ngày, với sự dẫn đầu của nhà văn nổi tiếng Jan Mydral cùng 3 người khác là Gunnar Bergstrom-Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Điển-Campuchia, 2 phụ nữ là Hedda Ekerwald và Annika Andervik. Cần biết thêm Jan Mydral là người theo chủ nghĩa Mao và luôn công khai tuyên bố ủng hộ chế độ Khmer Đỏ cho đến mãi sau này.

49812751_10211710093781805_1353131684282761216_n

 nhà văn nổi tiếng Jan Mydral cùng 3 người khác là Gunnar Bergstrom-Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Điển-CPC, 2 phụ nữ là Hedda Ekerwald và Annika Andervik. (Ảnh: FB Phan Việt Hùng)

Bốn người Thụy Điển đã được Khmer Đỏ dẫn đi thăm các bệnh viện, trường học, nhà máy và hợp tác xã. Họ còn được Pol Pot mời ăn tối và cho ngủ hai đêm trong Cung điện Hoàng gia ở Siêm Riệp. Bergstrom đã chụp và sau đó công bố một seri ảnh màu chụp tuyên truyền, lý tưởng hóa chế độ tươi đẹp của CPC dân chủ với những người nông dân cười rạng rỡ trên cánh đồng, các công trình thủy lợi mới xây dựng. Nhiếp ảnh gia kiêm Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Điển-CPC này cũng nói anh ta không hề nhìn thấy cảnh tra tấn, giết người nào cả.

49268390_10211710094941834_7767915191991271424_n 4

Bức ảnh về CPC dân chủ tháng 8/1978 do Gunnar Bergstrom chụp để sau đó tuyên truyền ở Thụy Điển và các nước phương Tây (Ảnh: FB Phan Việt Hùng)

49474961_10211710096301868_8403338608248881152_n 5

Bức ảnh về CPC dân chủ tháng 8/1978 do Gunnar Bergstrom chụp để sau đó tuyên truyền ở Thụy Điển và các nước phương Tây (Ảnh: FB Phan Việt Hùng)

Đâu chỉ có các nhà văn, chính trị gia Thụy Điển mới nói và viết sai sự thật.

Tháng 9/1978, đến lượt tờ báo Hồng Kông Wen Wei Po và Ta Kun Pao đăng bài phỏng vấn Pol Pot. Các nhà báo Hồng Kông đã được đưa đến thăm đập Stoeng Xiêm Riệp và hồ chứa nước Baray phía tây, đền Bayon, đền thờ Wat Wat, tuyến phòng thủ của khu vực Angkor của "Quân đội Cách mạng Campuchia anh hùng" trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Và họ viết gì, có lẽ chúng ta cũng đã đoán ra.

Ít ngày sau, một phái đoàn của AKP (Đảng CS theo đường lối Maoist của Na uy) lại đến CPC, và họ lại tiếp tục được dẫn đi theo hành trình mà các nhà báo Hồng Kông đã đi. Lãnh đạo đoàn Pal Steigan đã gặp Pol Pot và sau này đã dành những lời tốt đẹp về tên đao phủ này và cuộc "cách mạng" ở CPC.

Không chỉ mời các phái đoàn báo chí, ngoại giao đến để xuyên tạc tình hình, trong tháng 9/1978, CPC dân chủ công bố cuốn sách 89 trang "Sách đen: sự thật & bằng chứng về các hành vi xâm lược và thôn tính của Việt Nam chống lại Campuchia". Đúng là một hành vi vừa ăn cướp vừa la làng không hơn không kém.

49822945_268693267142125_2476104609567866880_n 7

  Sách đen của CPC vu cáo VN xâm lược 9/1978. (Ảnh: Nhà báo Phan Việt Hùng)

Tháng 12/1978, chỉ hai tuần trước khi CPC sụp đổ, Liên đoàn cộng sản Canada do Chủ tịch Roger Rashi đã đến thăm và gặp Pol Pot. Về nước, tay này đã trả lời phỏng vấn tờ The Call và nói nguyên xi những gì mà Pol Pot đã nói, về cái gọi là "sự xâm lược của Việt Nam".

Như vậy có thể nói, dù là với động cơ gì, bị "lừa" hay không, sự tuyên truyền sai lạc của các nhà báo, chính trị gia nước ngoài được chính quyền Pol Pot lựa chọn, đã góp phần che giấu sự thật khủng khiếp về cuộc diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Sau này, khi những tên đao phủ đã bị lôi ra tòa xét xử, có ý kiến cho rằng những kẻ đó là đồng lõa, phải có trách nhiệm chính trị và đạo đức đối với nạn diệt chủng ở Campuchia.

Phái đoàn Thụy Điển

Nhà văn, nhà nghiên cứu Peter Fröberg Idling người Thụy Điển đã công bố cuốn sách Pol Pots leende ( Nụ cười của Pol Pot ) và sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng. Để có tư liệu cho cuốn sách này, Idling đã đi hàng trăm km qua các vùng của Campuchia, gặp gỡ các nhân chứng diệt chủng, các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ, trong đó có Khieu Samphan. Ông cũng đã nghiên cứu tất cả các bài báo và phim của Jan Myrdal, người nổi tiếng nhất trong phái đoàn Thụy Điển đến CPC vào tháng 8 năm 1978. Mục đích chính của cuốn sách, là vạch ra những điều bất chính của phái đoàn Thụy Điển đã làm năm xưa.

Sau khi sách "Nụ cười Pol Pot" ra đời, đã có một hiệu ứng dư luận trong xã hội. Điều chúng ta quan tâm là những người trong phái đoàn đó phản ứng ra sao.

Trong một bài viết tháng 8/2013, Peter Fröberg Idling cho biết sau khi cuốn sách của ông được xuất bản, kẻ cầm đầu phái đoàn, nhà văn Jan Mydral vẫn trơ trẽn viết bài "Tôi không nhìn thấy những cuộc giết người tập thể" đăng trên tờ «Aftonbladet" và từ chối gặp tác giả.

Người thứ hai, Gunnar Bergstrom, tác giả của những bức ảnh màu ca ngợi chế độ CPC dân chủ thì sao? Người đàn ông này đã tỏ ra ăn năn hối hận với những gì mà mình đã làm năm xưa. Năm 2008, Gunnar Bergstrom đã quay lại CPC và hình ảnh ông xuất hiện trong bộ phim tài liệu "Pol Pot mơ ước của tôi"(Jag drцmde om Pol Pot), cho thấy cảnh Gunnar Bergstrom bước ra đường phố CPC, nói lời xin lỗi với những người dân CPC, vì mình là "một kẻ ngu khi tin vào chế độ Pol Pot".

Người thứ ba, Hedvig Ekerwald chỉ trao đổi với tác giả cuốn sách qua điện thoại, bày tỏ lo sợ sẽ bị dư luận nguyền rủa như một kẻ đồng lõa với Pol Pot.

Người cuối cùng, Annika Andervik. Tác giả cuốn sách "Nụ cười Pol Pot" cho biết người đàn bà này đã mang tên khác và từ chối gặp gỡ tác giả Idling.

Trích dịch một đoạn từ "Nụ cười Pol Pot", phần 17:

"Bốn người Thụy Điển đến CPC trong thời điểm mà hầu như không có ai được vượt qua biên giới nước này. Đến một đất nước mà cỗ máy Chết chóc hoạt động không ngưng nghỉ, mỗi ngày cướp đi mạng sống của hơn một nghìn trẻ em, phụ nữ và đàn ông.

Nếu như lưu ý đến con số thống kê, thì vào thời điểm máy bay chở những người Thụy Điển hạ cánh xuống Phnompenh, chế độ diệt chủng Khmer đỏ đã hủy diệt 1 330 000 mạng sống".

Vậy đó, họ đã bị "lừa" như thế đó!

Nhà báo Phan Việt Hùng
Bình luận
vtcnews.vn