Liên quan đến vụ án nổ mìn khiến hai bà cháu thương vong ở Thái Nguyên, ngày 16/11, trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Với những dấu hiệu ban đầu cho thấy đây là vụ nổ có chủ ý, được lên kế hoạch trước. Đối tượng đã nắm rõ quy luật hoạt động của gia đình và chọn thời điểm sáng sớm ít người qua lại để thực hiện hành vi phạm tội, tránh sự phát hiện của người dân".
Luật sư Thơm đặt nghi vấn đối tượng có thể đã sử là thuốc nổ công nghiệp cùng các phụ kiện nổ như kíp nổ, dây cháy chậm… để tạo thành một vật liệu nổ gây ra phản ứng hóa học nhanh tạo ra tiếng nổ. Vụ nổ đã làm chết người và thiệt hại về tài sản trong gia đình.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, nguyên nhân xảy ra những vụ án này thường là do mâu thuẫn cá nhân hoặc thù oán liên quan đến lợi ích. Như vậy, giữa đối tượng phạm tội và thành viên trong gia đình phải có quan hệ với nhau từ trước đó.
Đối tượng chủ mưu thuê (hoặc nhờ) người biết rõ sử dụng vật liệu nổ để dằn mặt thành viên trong gia đình bằng phương thức đặt vật liệu nổ trước cửa nhà vào lúc sáng sớm.
Thời điểm đó, bà Dần dạy sớm cùng cháu Q.C đang ở phía trong nhà ngay gần cửa ra vào bị tác động sức công phá của vật liệu nổ gây tử vong tại chỗ. Cháu Q.C đứng phía sau may mắn chỉ bị thương tích.
“Đối tượng biết rõ gia đình có nhiều thành viên trong nhà tại thời điểm đó đã sử dụng vật liệu nổ là loại vật liệu khi gây nổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người và nhà nước nghiêm cấm sử dụng. Chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống mà đối tượng đã đang tâm đặt vật liệu nổ trước cửa nhà nhằm mục đích giải quyết mâu thuẫn. Vụ nổ khiến 2 người thương vong.
Như vậy, đối tượng phải Tội giết người theo Điều 93 BLHS với tình tiết định khung là giết nhiều người và có tính chất côn đồ.
Nếu có căn cứ xác định đối tượng chủ mưu đã thuê đối tượng đặt vật liệu nổ thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự thêm về tình tiết định khung thuê giết người hoặc giết người thuê.
Để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng đã chế tạo, sử dụng vật liệu nổ trái phép nên cấu thành Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ được quy định tại Điều 230 BLHS 1999.
Đặc biệt, khi đối tượng sử dụng vật liệu nổ đặt trước cửa nhà kích nổ gây tử vong cho bà Dần và cháu Q.C còn làm thiệt hại đến tài sản của gia đình. Nếu định giá tài sản thiệt hại của gia đình từ 2 triệu đồng trở lên thì đối tượng gây án còn phải chịu trách nhiệm về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 143 BLHS” – ông Thơm phân tích.
Luật sư Thơm kết luận, đây là vụ án sử dụng vật liệu nổ giết người, hủy hoại tài sản với nhiều tình tiết định khung tăng nặng.
Ông Thơm cho rằng đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 232. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Bình luận