Sau khi chịu thất bại trong cuộc Chiến tranh 6 ngày, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser quyết định chọn giải pháp đối đầu với Israel trong phạm vi an toàn – trong cuộc chiến tranh diễn ra từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970, các đơn vị pháo binh và đặc công của Ai Cập tấn công các vị trí của Israel dọc theo kênh đào Suez.
Không quân Israel trong thời kỳ này chiếm ưu thế tương đối lớn trên không, các cuộc oanh tạc chớp nhoáng giúp Israel giành chiến thắng trong Chiến tranh 6 ngày. Mặc dù Không quân Israel bắn hạ nhiều chiến cơ của Ai Cập, tuy nhiên các tổ hợp phòng không S-75 Dniva và S-125 Neva của Ai Cập cũng nhiều lần bắn hạ chiến cơ của Israel.
Các tổ hợp tên lửa phòng không của Ai Cập không phải là mối đe dọa lớn nhất đối với các chiến cơ của Không quân Israel mà tại khu vực này các phi đội tiêm kích MiG-21 của Liên Xô thường xuyên bay tuần tra trên không phận Ai Cập.
Dù các chiến cơ của Israel và Liên Xô cố gắng không đụng độ lẫn nhau, tuy nhiên ngày 25/7/1970, các tiêm kích MiG-21 của Liên Xô chặn đứng cuộc không kích do các cường kích A-4 Skyhawk của Israel thực hiện, 1 cường kích A-4 bị trúng tên lửa không-đối-không K-13 của Liên Xô. Khi đó, Israel quyết định coi không phận xung quanh kênh đào Suez là chiến trường.
Israel lên kế hoạch phục kích phi đội của Liên Xô, kế hoạch này được cẩn thận xây dựng. Các điện đài viên người israel có khả năng sử dụng tiếng Nga theo dõi chặt chẽ liên lạc của phía Liên Xô để hình dung cụ thể về đối thủ của mình.
Chiến dịch Rimon 20 về bản chất là cái bẫy trên không, “kế hoạch này hết sức đơn giản, 4 tiêm kích Mirage sẽ bay theo đội hình trinh sát ở độ cao lớn tại khu vực mà các tiêm kích MiG-21 của Liên Xô bay tuần tra. Mỗi cặp Mirage có vũ trang bay sát nhau để radar đối phương thấy đây là nhiệm vụ trinh sát thông thường được thực hiện bởi cặp tiêm kích Mirage không vũ trang”, nhà sử học Shlomo Aloni viết.
Trong khi đó, các tiêm kích Phantom và Mirage khác “rình rập” ở độ cao thấp ở khu vực bán đảo Sinai dưới quyền kiểm soát của Israel, ngoài tầm phát hiện của các đài radar do Ai Cập vận hành, nhằm “săn “ các tiêm kích của Liên Xô khi những chiến cơ này “cắn mồi” và bay vào gần lãnh thổ do Israel kiểm soát.
Không quân Israel lựa chọn các phi công dày dặn kinh nghiệm nhất cho chiến dịch này, 1 phi công kể lại rằng họ vừa háo hức lại vừa sợ hãi khi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ đối đầu với phi đội của Liên Xô. Chiều 30/7/1970, phi đội Liên Xô rơi vào cái bẫy mà phía Israel giăng sẵn, từ các sân bay tại Ai Cập, 24 tiêm kích MiG-21 cất cánh để đánh chặn chuyến bay trinh sát giả của Israel.
16 tiêm kích Phantom và Mirage III ngay lập tức tấn công phi đội tiêm kích của Liên Xô, cuộc tấn công bất ngờ khiến 5 tiêm kích của Liên Xô bị bắn hạ chỉ trong vòng 3 phút. Trong số này có 1 tiêm kích MiG-21 bị bắn hạ bởi tên lửa radar dẫn đường AIM-7 Sparrow ở độ cao cực thấp mà theo lý thuyết không thể thực hiện được.
Video: Đội bay biểu diễn với tiêm kích MiG-21
Phía Israel không chỉ giành thắng lợi nhờ vào khả năng của các phi công mà còn nhờ cả vào sự may mắn – 1 phi công Liên Xô phóng tên lửa K-13 nhằm vào tiêm kích Phantom của Israel, tuy nhiên tên lửa này không phát nổ.
Còn về phía Liên Xô, không quân nước này không chỉ thiệt hại 5 tiêm kích MiG-21 mà còn mất 4 phi công của mình, trong đó có chỉ huy phi đội Nikolai Yurchenko và phi công Yevgenniy A. Kamenev thiệt mạng trên không.
Năm 1972, các phi công và cố vấn Liên Xô rời khỏi Ai Cập sau yêu cầu của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat. Cuộc Chiến tranh tiêu hao kết thúc, Không quân Liên Xô không thể trả đũa lại vụ phục kích của Israel, tuy nhiên đến năm 1973, các tổ hợp tên lửa phòng không mà Liên Xô cung cấp cho Ai Cập và Syria bắn hạ nhiều chiến cơ của Không quân Israel, phần nào đó trả được mối thù cho Liên Xô.
Bình luận