• Zalo

Isarel trồng rau trên sa mạc từ 70 năm trước, Việt Nam học được gì?

Kinh tếThứ Sáu, 01/04/2016 07:30:00 +07:00Google News

Isarel đã có thể phát triển mạnh nông nghiệp trên diện tích đất tới 95% là sa mạc, và cách làm của họ có thể là bài học cho Việt Nam

(VTC News) - Từ những năm 1948, Isarel đã phát triển mạnh nông nghiệp trên diện tích đất tới 95% là sa mạc, và đã đến lúc Việt Nam cần phải học hỏi và thay đổi để làm chủ được tình hình xâm nhập mặn khủng khiếp như hiện nay.

Câu chuyện Đồng bằng Sông Cửu Long đang gặp khó khăn do tình trạng xâm nhập mặn một cách khủng khiếp đã trở thành đề tài "nóng" trong suốt nhiều ngày qua.


Lý do là bởi người dân đang hết sức e ngại tình trạng này có thể tác động trực tiếp đến khu vực nông, lâm, ngư nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nước nhà nói chung. Thậm chí ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nguy cơ có thể sẽ kiệt quệ chỉ trong vòng ba năm nữa.
Tình trạng ngập mặn ở mức báo động tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Tình trạng ngập mặn ở mức báo động tại Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh: Internet
Mới đây, theo ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lại cho biết, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế của Việt Nam trong quý I năm 2016 bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

Tuy nhiên, khi nhìn sang những đất nước khác - với điều kiện về tài nguyên và khí hậu vốn thua kém rất nhiều so với nước ta, họ đã và vẫn đang phát triển được ngành nông nghiệp của mình một cách mạnh mẽ, thậm chí còn mạnh hơn cả một đất nước mà nông nghiệp chiếm tới 47% lao động như Việt Nam.

Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến, đó là một đất nước nhỏ bé nằm ở khu vực Trung Đông, nơi quanh năm chịu đựng khí hậu vô cùng khắc nghiệt, sa mạc trải dài mênh mông và xung đột thường xuyên xảy ra - đó chính là Isarel.

Theo đánh giá trong các tài liệu nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, điều kiện tự nhiên của Isarel vô cùng khắc nghiệt, diện tích lãnh thổ tới 70% là sa mạc bao phủ, phần còn lại cũng chỉ là đồi núi, đá trọc cằn cỗi. Chưa kể khí hậu nơi đây quanh năm khô hạn và cực kỳ khắc nghiệt.

Nhìn chung, Isarel là một đất nước hoàn toàn không có "rừng vàng, biển bạc", mọi điều kiện để phát triển về nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt dường như chỉ là một con số 0 tròn trĩnh.

Thế nhưng, Isarel lại đang là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển mạnh nhất trên thế giới, đặc biệt là sự tiến bộ và phát triển trong nền nông nghiệp của họ đang phải khiến cho hàng nhiều quốc gia khác "ngả mũ" bái phục.

Nhận thức về nông nghiệp của những người Do Thái

Isarel được hình thành vào năm 1948, bởi hàng vạn người Do Thái sống lưu vong trên khắp thế giới tập hợp lại.

Dù vốn bị coi là kẻ thù của nhiều nước Ả rập khác do những bất đồng về chính trị và những thù oán từ xa xưa, đến nơi đâu cũng bị hắt hủi, tước đoạt, thậm chí bị tàn sát dã man, nhưng người Do Thái vẫn luôn đoàn kết, và nhất là họ biết vận dụng trí tuệ siêu phàm của dân tộc mình để biến những thứ không thể thành có thể.

Ngay từ những ngày đầu thành lập đất nước nhỏ bé này, những người Do Thái đã nhận thức được sự quan trọng của nông nghiệp và những điều kiện hết sức thiếu thốn để phát triển, do đó, cả Chính phủ cũng như người dân đã chủ động tăng cường khai hoang, làm ruộng bậc thang, tháo nước vùng đầm lầy, tái trồng rừng và bảo vệ đất, chống lại sự xói mòn, xâm nhập mặn.
Một nông trại tại sa mạc Avara, Isarel
Một nông trại tại sa mạc Avara, Isarel 
Theo thống kê của Chính phủ Isarel, chỉ có khoảng 20% diện tích đất là đủ điều kiện để làm nông nghiệp, và cũng chỉ có 3,7% tổng lực lượng lao động tham gia vào ngành này.

Thế nhưng, điều vi diệu là họ vẫn đảm bảo cung cấp được tới 95% nhu cầu lương thực trong nước, cả ngành nông nghiệp vẫn chiếm 2,5% GDP và thậm chí còn xuất khẩu đạt kim ngạch là 3,6%.

Tình từ thời điểm thành lập đất nước đến nay, sản lượng nông nghiệp của Isarel đã tăng trưởng gấp 15 lần, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng dân số. Số đất làm nông nghiệp cũng tăng trưởng mạnh từ 30.000 ha (năm 1948) lên 190.000 ha (thời điểm hiện tại).

Sự phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp của Isarel trong quãng thời gian đó được xem như một kỳ tích, khi nơi đây vốn đã nghèo nàn về đất canh tác, mà lượng mưa lại còn rất thấp.

Chưa kể theo những báo cáo nông nghiệp của Isarel, sản lượng nông nghiệp tăng 26% từ năm 1999 tới năm 2009, trong khi số lượng nông dân giảm từ 23.500 xuống 17.000 người, lượng nước tưới tiêu cũng giảm khoảng 12%.

Vậy bằng cách nào mà quốc gia nhỏ bé, non trẻ và thiếu thốn đủ mọi đường này lại có thể phát triển một cách mạnh mẽ và đáng nể đến như vậy?

Mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp thành công nhất thế giới

Trước hết, Isarel đã thành công trong việc xây dựng ngành nông nghiệp theo 2 mô hình là hợp tác xã (kibbutz) và làng nông nghiệp (moshav).

Kibbutz là một cộng đồng nông thôn, một hệ thống kinh tế xã hội dựa trên nguyên tắc sở hữu chung tài sản, bình đẳng và hợp tác trong mọi mặt của đời sống, thực hiện lý tưởng một xã hội công bằng.

Có thể hiểu một cách ngắn gọn rằng Kibbutz là một mô hình nông trang gần giống với hợp tác xã. Tại nông trang không có cảnh sát và tòa án. Trẻ em không sống tại nhà mà ở các nhà trẻ, được cả nông trang nuôi dưỡng, một ngày chỉ gặp cha mẹ vài tiếng.

Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, nhưng những nông trang như Kibbutz sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước. Kibbutz là mô hình kinh doanh hợp tác xã có sở hữu chung về phương tiện sản xuất cũng như sản phẩm, trong khi đó, mô hình làng nông nghiệp Moshav hoạt động sản xuất riêng từng hộ nhưng lại hợp tác chung về thương hiệu và các hoạt động thu mua nguyên liệu.

Nhờ vào thành công của những mô hình nông trang này, Israel đã trở thành quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, dù phần lớn diện tích đất là sa mạc hay khô cằn, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể lên đến 10-20 độ.

Video: Xâm nhập mặn khủng khiếp đe dọa cuộc sống ở Cà Mau


Chính sách khắc nghiệt để bảo vệ "vàng trắng"

Người Israel luôn bày tỏ sự tự hào khi nói về đất nước mình rằng: Tuy có khí hậu và địa lý vô cùng khắc nghiệt, nhưng chúng tôi vẫn có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới.

Trong một lần phỏng vấn và được đặt câu hỏi rằng: "Điều gì đã giúp cho Isarel làm nên được những kỳ tích như vậy?", ông Ali Yhia - một quan chức của Bộ Ngoại giao Israel đã trả lời rằng: “Bí quyết để Israel phát triển là trí tuệ cộng với sự đoàn kết. Israel thật sự coi trọng đầu tư phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ”.

Việc coi trọng sự cải thiện và phát triển ngành nông nghiệp một cách mạnh mẽ nhất của Isarel cho thấy ngay ở trong những chính sách đồng bộ, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với triển khai ứng dụng trong thực tế.

Từ cấp lãnh đạo đến doanh nghiệp đều có tầm nhìn và tư duy chiến lược toàn cầu về nông nghiệp, và ngay cả các chủ trang trại - những người nông dân cũng chính là những nhà khoa học số một.

Tất cả cùng bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ ngay trên thực tế, dựa trên những chính sách hỗ trợ nông nghiệp hết sức thiết thực từ phía Chính phủ.

Chưa hết, với một đất nước có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, quanh năm khô hạn nên với họ, nước ngọt được xem như "vàng trắng" - một thứ vật chất quý giá và hiếm hoi đến mức độ Chính phủ Isarel còn phải xây dựng riêng một bộ luật để đo lường mức tiêu thụ nước, kiểm soát việc khai thác nước ngầm, ngăn chặn ô nhiễm nước.

Có thể nói, không một nơi nào trên thế giới quản lý nguồn nước một cách chặt chẽ như Isarel, dù ở những thành phố lớn hay những vùng nông thôn, hoang mạc, hệ thống tưới nước hoàn hảo đến mức gần như không để lãng phí bất kỳ một giọt nước nào.
Công nghệ tưới nước nhỏ giọt của người Isarel
Công nghệ tưới nước nhỏ giọt của người Isarel 
Tất cả các loại cây trồng trong nông nghiệp cho tới các vườn hoa, thảm cỏ tại Isarel cũng hoàn toàn được tưới nước theo công nghệ nhỏ giọt.

Theo đó, một hệ thống đường ống nước sẽ được kiểm soát để tưới nhỏ giọt cho từng gốc cây trồng với liều lượng nhất định. Hệ thống này chắc chắn không chỉ tiết kiệm nước hơn so với việc phun nước tưới thông thường, mà còn đảm bảo lượng nước cần thiết cung cấp cho tất cả các loại cây trồng.

Cùng với chính sách khắt khe trong việc tiết kiệm nguồn nước ngọt, công nghệ xử lý tái chế nước thải của Isarel cũng thuộc tầm cỡ hiện đại hàng đầu thế giới.

Trẻ em Israel còn được dạy tiết kiệm nước từ bé, dù 75% nước thải sinh hoạt hàng ngày vẫn được tái tạo sử dụng lại, và nước qua hệ thống lọc là có thể thành nước tinh khiết uống được ngay.

Nhìn lại Việt Nam và sự bối rối trước xâm nhập mặn

Có thể nói, mô hình nông nghiệp và những chính sách của Chính phủ chỉ là hai yếu tố rất nhỏ để có thể tạo dựng nên một nền nông nghiệp "khủng" như của Isarel hiện nay, bởi theo rất nhiều các nghiên cứu cũng như thực tế đã chứng minh, 95% sự thành công trong việc biến những thứ "không thể" thành "có thể" của quốc gia này chỉ là hai từ duy nhất, đó là "công nghệ".

Ngoài việc nghiên cứu và áp dụng thành công hệ thống tưới nước nhỏ giọt, Isarel còn sử dụng kỹ thuật có chi phí khá thấp là xây các hộp nhựa được thiết kế bao quanh gốc cây, qua đó hấp thụ những giọt sương ban đêm, lấy nước từ trong không khí và làm giảm 50% nhu cầu nước của cây trồng.
Người dân Isarel và công nghệ tưới nước nhỏ giọt nổi tiếng
Người dân Isarel và công nghệ tưới nước nhỏ giọt nổi tiếng 
Người nông dân Isarel còn biết trồng cây xen kẽ với cây lương thực, giúp các rễ cây giữ được nước cho các hạt giống và những lá cây sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng cho hạt giống cây lương thực.

Do điều kiện nước là vô cùng thiếu thốn, người dân Isarel còn phải tự nghiên cứu cho ra những giống cây trồng chỉ cần ít nước và có thể trồng tại những vùng đất khắc nghiệt dưới ánh mặt trời, mà thành công nhất có thể kể tới giống cây cà chua, khoai tây có thể chịu được thời tiết nóng và khô hạn.

Bên cạnh việc phát triển những giống cây trồng mới, Israel cũng nghiên cứu các công nghệ thích hợp để tăng năng suất cho cây trồng, như đảm bảo điều kiện ánh sáng, thời điểm thụ phấn... Ngoài ra họ luôn bảo quản các giống cây của mình ở điều kiện tốt nhất, tránh xa không khí bẩn và ẩm mốc.

Hệ thống cây trồng xen kẽ với cây lương thực
Hệ thống cây trồng xen kẽ với cây lương thực 
Với những công nghệ tiên tiến nhất được áp dụng vào nông nghiệp mà "người tiên phong" Isarel đã nghiên cứu và thực hiện, mỗi năm đất nước này xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 3,5 tỷ USD với giá trị gia tăng rất lớn, theo số liệu của Chính phủ Isarel năm 2014.

Còn theo số liệu cùng năm 2014 của Việt Nam, theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 30,8 tỷ USD. Tuy nhiên, diện tích đất của Việt Nam là 330.000 km2, trong khi diện tích đất của Israel chỉ có 20.770 km2.

Như vậy, diện tích đất của Việt Nam rộng hơn của Israel 16 lần, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản chỉ cao hơn Israel 8,8 lần.

Trong khi đó, Israel - một quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên, phần lớn là đất sa mạc, nhiệt độ quanh năm vô cùng nóng bức khoảng 50 độ C. Còn Việt Nam, vốn vẫn tự hào là có "rừng vàng, biển bạc", với nguồn tài nguyên phong phú và hội tụ đầy đủ các yếu tố về thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai tốt nhất để phát triển về nông nghiệp.

Nhưng về công nghệ, nhìn lại, ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn luôn bị đánh giá là nền công nghiệp lúa nước lạc hậu, năng suất lao động thấp, giá trị hàng nông sản xuất khẩu không cao vì chủ yếu là xuất thô, thậm chí còn thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) từng đưa ra ý kiến tại một sự kiện: “Ở các nước phát triển, nông nghiệp chỉ chiếm từ 3-5 % lao động. Tại Việt Nam, nông nghiệp chiếm tới 47% lao động nhưng chỉ tạo ra sản lượng GDP 14%”.

Như gạo Việt Nam, giá bán luôn thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan từ 3-5%, chè đứng thứ 5 về sản lượng nhưng xếp thứ 10 về giá bán, sản lượng cá tra Việt Nam chiếm đến 90% thị phần trên thế giới nhưng giá bán lại thấp hơn 20-30% so với các sản phẩm tương tự của quốc gia khác.

Chưa kể hàng năm đến hẹn lại lên, nông sản của bà con nông dân không có đầu ra, nơi ế thừa thối rữa ở cửa khẩu, nơi bị thương lái ép giá mua với giá vô cùng rẻ mạt, thậm chí có nơi bán rẻ như cho mà không ai mua, còn phải đổ ra đường làm thức ăn cho trâu, cho bò.

Đến nay, đồng bằng sông Cửu Long còn đang phải đối mặt với hiện tượng xâm nhập mặn, hạn hán một cách khủng khiếp.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị kiệt quệ trong vòng ba năm tới với tốc độ xâm nhập mặn hiện nay. Đất nông nghiệp, lương thực sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Mới đây, người dân đã nhận được sự giúp đỡ của các quốc gia láng giềng xả nước để phần nào cải thiện được tình hình, trong đó có Lào và Trung Quốc. Tuy nhiên cũng không mấy ai xem việc nhờ "người ngoài" xả nước, hỗ trợ Việt Nam chống hạn là điều đáng “phấn khởi.”

Phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Biến Ðổi Khí Hậu thuộc Ðại Học Cần Thơ, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác, khi đối diện với hạn hán nghiêm trọng, người ta chấp nhận thiệt hại, không tìm mọi cách để chuyển nước từ nơi khác đến để cứu hạn vì điều đó vô nghĩa do tốn kém quá mức, hiệu quả kinh tế rất thấp. Bên cạnh đó, các quốc gia này đều tích lũy nguồn lực để hỗ trợ thích đáng những người bị thiệt hại do hạn hán nói riêng và thiên tai nói chung.

Ông Tuấn cho rằng, đợt hạn hán và nước mặn xâm nhập lần này cũng là dịp để Chính phủ Việt Nam xem lại tính hiệu quả của hàng loạt chính sách nông nghiệp đã thực hiện trong quá khứ, bất chấp các khuyến cáo từ giới chuyên gia như ngọt hóa vùng ven biển, thoát lũ ra biển Tây, xây dựng hệ thống đê bao, phá bỏ hai hồ chứa nước tự nhiên lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là Ðồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên để tăng diện tích trồng lúa.

Chưa kể, cũng là một lần nữa người Việt Nam phải học lại cách tiết kiệm nguồn nước ngọt, đầu tư công nghệ tái chế nước thải và biết quy hoạch, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm.
Tình hình xâm nhập mặn khủng khiếp hiện nay ở ĐBSCL là bài học trong việc sử dụng nguồn nước ngọt cho người Việt Nam
Tình hình xâm nhập mặn khủng khiếp hiện nay ở ĐBSCL là bài học trong việc sử dụng nguồn nước ngọt cho người Việt Nam 
Theo tiến sĩ Bùi Trọng Vĩnh, Khoa địa chất và Dầu khí, Đại học Bách khoa TPHCM, hiện nay mức độ khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố là quá lớn. Việc khai thác thiếu khoa học như hiện nay đang khiến nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố bị cạn kiệt nghiêm trọng.

Trong khi đó chính quyền địa phương cũng như Trung ương cũng chưa có chương trình nào đầu tư hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tận dụng, khai thác tốt nguồn nước mưa hợp lý, hay những chính sách phù hợp cho các vùng khó khăn về nước sạch để làm giảm việc khai thác tầng nước ngầm đang có nguy cơ nhiễm bẩn và hiện đã đang ở mức gần như cạn kiệt.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng đang nỗ lực lên tiếng cảnh báo và đưa ra những cách khai thác nông nghiệp mới trong điều kiện đất bị ngập mặn như phát triển hệ thống luân canh lúa - tôm. Với cách làm này, người dân hoàn toàn có thể đảo ngược tình thế, "đãi" được ra vàng từ trong đất mặn.

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là cách mà người dân áp dụng nếu theo kiểu tự phát sẽ không mang lại được hiệu quả, thậm chí có thể sẽ mang đến những thiệt hại khôn lường cho người dân.

Lúc này, lại một lần nữa rất cần đến sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng người dân "gỡ rối" để thay vì trong tình thế bị động, loay hoay tìm cách khắc phục thì sẽ bắt tay vào việc đối mặt với khó khăn, tìm cách thích nghi và làm chủ tình thế để biến những điều "không thể" thành "có thể" như cách mà Chính phủ và người dân Isarel đã làm. 

Tiệp Tiệp
Bình luận
vtcnews.vn