• Zalo

IS ít có khả năng tấn công Mỹ

Thế giới Thứ Hai, 22/12/2014 07:10:00 +07:00Google News

Trong khi phần lớn người dân Mỹ đều cho rằng việc này có thể diễn ra thì một số chuyên gia lại nhận định rằng khả năng này khó có thể xảy ra.

Trong khi phần lớn người dân Mỹ đều cho rằng việc này có thể diễn ra thì một số chuyên gia lại nhận định rằng khả năng này khó có thể xảy ra.

Theo THX, ngày 15/12, mọi sự chú ý đều hướng về Australia sau khi xảy ra vụ bắt giữ con tin tại một quán cafe ở Sydney, đồng thời làm dấy lên câu hỏi rằng liệu các phần tử Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có thể tiến hành những vụ tấn công tương tự như vậy ở nước Mỹ hay không. 
Vụ không kích nhằm vào mục tiêu của IS trên đồi Tilsehir, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở làng Yumurtalik, tỉnh Sanliurfa, ngày 23/10.  
Phần lớn người dân Mỹ đều cho rằng việc này có thể diễn ra trong khi một số chuyên gia lại nhận định rằng khả năng này khó có thể xảy ra.
Phiến quân IS trong những tháng qua đã càn quét và gieo rắc nỗi sợ hãi trên khắp Trung Đông. Các tay súng của tổ chức khủng bố này tràn qua nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq nhằm hiện thực hóa tham vọng xây dựng một Vương quốc Hồi giáo và luôn đe dọa sẽ "để lá cờ Hồi giáo tung bay trên nóc Nhà Trắng."
Một cuộc tấn công như những gì diễn ra vào ngày 11/9/2001 vào New York và Lầu Năm Góc thực sự là ác mộng kinh hoàng nhất đối với Washington. Để ngăn chặn những sự việc này tái diễn, Mỹ đã phát động một chiến dịch ném bom nhằm vào các căn cứ của IS tại Iraq và Syria.
Vào ngày 15/12, một người đàn ông có vũ trang được cho là phần tử Hồi giáo cấp tiến đã bắt giữ các con tin tại một quán cafe ở Sydney, buộc một số con tin cầm lá cờ mang biểu tượng của một tổ chức Hồi giáo cực đoan, song hiện vẫn chưa rõ liệu thủ phạm có liên hệ với một tổ chức nào đó hay đơn giản chỉ hành động cá nhân. 
Trước đó, chính phủ Australia đã có cảnh báo cao độ về các công dân Australia có tư tưởng cấp tiến, trở về nước sau khi tham chiến tại Trung Đông dưới lá cờ của các tổ chức như IS.
Theo kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến mà hãng Fox News công bố hồi tuần trước, có hơn 80% số người Mỹ được hỏi tin rằng IS sẽ tiến hành tấn công nước Mỹ trong tương lai gần, và có tới 48% số người tham gia cuộc khảo sát nói rằng việc này nhiều khả năng sẽ diễn ra. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nỗi sợ hãi này có thể đã bị thổi phồng.
Trao đổi với hãng tin THX, Phó Giáo sư Chính trị học Colin P. Clarke nói: "'Có thể' và 'nhiều khả năng' là hai từ hoàn toàn khác nhau. Tôi cho rằng nguy cơ IS tấn công Mỹ là có, xong nếu nói điều này 'nhiều khả năng sẽ xảy ra' thì thực sự hơi quá."
Ông cho rằng kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là những nhóm tách khỏi al-Qaeda như Jabhat al-Nusra hoặc Khorasan sẽ tìm cách tấn công Mỹ bởi những nhóm này đều từng công khai tuyên bố tấn công Mỹ. 
Tuy nhiên, IS có thể sẽ thay đổi những tính toán của mình nếu chiến dịch mà Mỹ dẫn đầu - gồm các cuộc không kích và kế hoạch huấn luyện quân đội Iraq - có những tiến triển đáng chú ý trong tương lai.
Hiện IS đang tập trung vào các nỗ lực nhằm xây dựng Vương quốc Hồi giáo của mình, trong khi vẫn phải tham chiến trên nhiều mặt trận chống lại quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA), các tay súng người Kurd, lực lượng an ninh Iraq cùng nhiều lực lượng khác. 
Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự lại nằm ở khả năng lẩn trốn và duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ của tổ chức khủng bố này. Ông Clarke cho rằng khi một nhóm khủng bố hoặc nổi dậy có thể kiểm soát hiệu quả một vùng lãnh thổ, thì chúng sẽ dễ dàng tiến hành đào tạo lực lượng, lên kế hoạch và tổ chức các cuộc tấn công.
Trên thực tế, vụ tấn công kinh hoàng ngày 11/9/2001 vào Mỹ đã được lên kế hoạch tại Afghanistan khi Taliban chứa chấp các thành viên al-Qaeda và cho phép các phần tử cực đoan lập nên những khu trại huấn luyện bọn khủng bố.
Tuy nhiên, nếu có xảy ra, thì một cuộc tấn công của IS khó có thể đạt tới quy mô như vụ tấn công ngày 11/9 bởi bộ máy tình báo Mỹ hiện đang trong tình trạng cảnh giác cao hơn rất nhiều so với một thập kỷ trước đây khi vụ tấn công ngày 11/9 diễn ra, cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. 
Hơn thế nữa, rõ ràng sự hợp tác liên chính phủ ngày càng được củng cố và Mỹ cũng đã không ngừng cải thiện khả năng thu thập cũng như xử lý, phân tích thông tin tình báo một cách chính xác.
Theo ông Clarke, vụ việc gây chấn động tại giải chạy marathon Boston năm 2013 khiến người ta không thể phủ nhận rằng những cá nhân hay các phần tử cực đoan hoạt động đơn lẻ, như Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev - thủ phạm của vụ khủng bố ở Boston - hoàn toàn có thể dễ dàng tiến hành các vụ tấn công vũ trang quy mô nhỏ hoặc thực hiện những vụ nổ bom với các thiết bị tự chế.
Không chỉ phải đối phó với tham vọng của IS trong việc xây dựng một Vương quốc Hồi giáo, hồi đầu tuần trước, các lực lượng an ninh Mỹ trên khắp thế giới đã phải nâng cao cảnh giác nhằm bảo vệ các công dân và tài sản của Mỹ tại nước ngoài, những mục tiêu có nhiều khả năng bị tấn công sau khi xuất hiện báo cáo về những hình thức tra tấn gây chấn động của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đối với các đối tượng bị tình nghi là khủng bố.
Ông Wayne White - Cựu Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - nói: "Nhiều khả năng thông tin này sẽ khiến người Mỹ tại nước ngoài phải đối mặt nhiều hơn với các mối đe dọa từ các phần tử cực đoan cũng như những người tức giận sau khi thông tin về sự ngược đãi này được công bố… 
Bản báo cáo này không chỉ phô bày các hoạt động đáng bị lên án (của CIA), mà còn khiến người ta nhớ lại vụ bê bối tại nhà tù Abu Ghraib trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Iraq. Câu hỏi duy nhất hiện giờ chỉ là những hồi ức ấy sẽ tác động sâu sắc thế nào tới dư luận."
Quan chức này nói thêm rằng ông thấy "ghê tởm" khi biết được những thông tin về chương trình thẩm vấn đầy tranh cãi của CIA trong giai đoạn ông vẫn làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Clarke cho rằng những tổ chức có ý định tấn công Mỹ từ trước, có thể sẽ lợi dụng báo cáo này để tuyên truyền và phục vụ cho các mục đích của mình, như chiêu mộ tân binh. Tuy nhiên, theo ông, các tân binh của IS là kết quả của chiến dịch không kích mà Mỹ dẫn đầu hơn là hệ quả từ bản báo cáo vừa qua của Quốc hội Mỹ.

TheoVietnam+
Bình luận
vtcnews.vn