Tháng trước, sự kiện 8 phụ nữ Indonesia trốn sang Syria để tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của tổ chức này với phụ nữ, đặc biệt là ở châu Á.
Phá vỡ định kiến giới tính
South China Morning Post cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên. Vào ngày 10/12/2016, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ Dian Yulia Novi, một trong 7 nghi phạm âm mưu đánh bom Dinh tổng thống Indonesia. Sau đó vài ngày, một cô gái khác tên Ika Puspitasari cũng bị bắt tại đảo Bali. Hai cô được xem là những phụ nữ đánh bom liều chết đầu tiên tại Indonesia và đều là người ủng hộ IS.
Tại Singapore, một phụ nữ đã bị giam giữ vì có kế hoạch đến Syria chiến đấu cùng tổ chức Hồi giáo cực đoan này.
Theo nhà nghiên cứu về vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới Lies Marcoes, sự xuất hiện của phụ nữ trong các tổ chức tôn giáo không phải là điều mới mẻ. Tuy vậy, bà nhận thấy sự thay đổi về vai trò và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong hoạt động của các tổ chức cực đoan rất đáng quan ngại.
Xét theo truyền thống, vai trò người phụ nữ Hồi giáo trong tổ chức cực đoan chỉ giới hạn trong việc sinh đẻ và chăm sóc con, đặc biệt là con trai để chúng trở thành những chiến binh khi trưởng thành.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây nhất do tổ chức Rumah Kita Bersama thực hiện và phỏng vấn trên 20 phụ nữ đã hoặc đang tham gia các nhóm tôn giáo cực đoan, kết quả cho thấy thế hệ phụ nữ mới đang tham gia "thánh chiến" đều có tính cách độc lập, mạnh mẽ và có nền tảng giáo dục tốt.
Chính vì được giáo dục tốt, những phụ nữ này ý thức cao về nữ quyền và muốn phá vỡ các định kiến giới tính trong xã hội người Hồi giáo nói chung cũng như các tổ chức cực đoan nói riêng.
Theo bà Marcoes, để thực hiện quyền bình đẳng của mình, những phụ nữ trên thể hiện sự dũng cảm giống y như đàn ông qua những hành động cướp ngân hàng, chế tạo bom hay khủng bố bằng bom.
Video: Lính bắn tỉa IS trúng tên lửa
Lời mời hấp dẫn từ mạng xã hội
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách về Xung đột (IPAC, trụ sở tại Indonesia), mạng xã hội đã giúp gia tăng số lượng cũng như tầm ảnh hưởng của người phụ nữ trong tổ chức cực đoan. Nghiên cứu của IPAC chỉ ra rằng truyền thông xã hội và các ứng dụng trò chuyện trên mạng ngày càng thu hút những phụ nữ có trình độ hay phụ nữ Indonesia đang làm giúp việc tại nước ngoài gia nhập IS.
Dian Yulia, người suýt trở thành phụ nữ Indonesia đánh bom tự sát đầu tiên thực chất làm nghề giúp việc tại Đài Loan. Thông qua Facebook, cô kết nối và trở nên thân thiết hơn với người đứng đầu việc tuyển thành viên cho IS tại Indonesia, Bahrun Naim.
Tương tự, cô gái 22 tuổi Syaikhah Izzah Al Ansari là người Singapore đầu tiên bị bắt giam do những tuyên bố cực đoan về tôn giáo của cô trên mạng xã hội. Không chỉ thể hiện triết lý sống và niềm tin cực đoan, Izzah còn bày tỏ nguyện vọng được kết hôn với một chiến binh IS.
Viễn tưởng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc chính là "cần câu" mà IS dùng để thu hút những cô gái trẻ đến với tổ chức thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, hình ảnh cuộc sống tốt đẹp trên hoàn toàn không có thật.
Theo Leefa và Nur, 2 trong 8 phụ nữ Indonesia trở về nước sau khi gia nhập IS, cho biết họ đã được người đại diện của tổ chức này hứa hẹn qua Internet về việc hoàn tiền di chuyển, chăm sóc sức khỏe miễn phí và đảm bảo công việc. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược và đây cũng là lí do họ rất thất vọng, muốn nhanh chóng quay về quê nhà.
Là một người đấu tranh nữ quyền, Marcoes cho biết bà vô cùng lo lắng trước tình hình hiện nay khi các chính phủ không có biện pháp gì để đối phó với việc ngày càng nhiều phụ nữ gia nhập IS. Theo bà, những người có trách nhiệm vẫn chưa nhìn nhận đúng vai trò của phụ nữ trong chuyện này.
Nhà phân tích chủ nghĩa khủng bố Sidney Jones cũng đồng quan điểm.
“Bahrun Naim (người tuyển dụng của IS tại Indonesia) muốn tập trung vào phụ nữ vì hắn nhận thấy phụ nữ mang túi lớn sau lưng sẽ không khả nghi bằng nam giới. Trong khi đó, phụ nữ đánh bom cũng để lại hậu quả khủng khiếp như nam giới, như các vụ việc tại Palestine, Iraq và Chechnya", South China Morning Post dẫn lời bà Jones.
Những vụ tấn công lớn đang được các tổ chức Hồi giáo cực đoan giao cho phụ nữ thực hiện. Vì vậy, việc xem nhẹ vai trò của phụ nữ trong các tổ chức sẽ để lại hậu quả vô cùng thảm khốc.
Bình luận