Ngày 7/6 vừa qua, Iran tiết lộ những hình ảnh đầu tiên về một loại tên lửa được tích hợp phương tiện bay siêu thanh. Đây được xem là bước phát triển mang tính cách mạng đối với khả năng tấn công của nước này nhằm vào các mục tiêu trên khắp Trung Đông và có thể xa hơn nữa.
Tên lửa Fattah đã được công bố tại một buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Ibrahim Raisi và các sĩ quan cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng - lực lượng chịu trách nhiệm về kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran, cũng như phần lớn các hoạt động quân sự ở nước ngoài.
Amirali Hajizadeh, người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ của Iran đã phát biểu đầy tự hào: "Tên lửa siêu thanh Fattah có tầm bắn 1.400 km và nó có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ". Các phương tiện truyền thông nhà nước Iran cũng đã tuyên truyền rộng rãi về sự kiện trên.
Sự thành công của Iran đã gây ra bất ngờ lớn, bởi Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đã gặp nhiều thất bại trong quá trình phát triển vũ khí này, ngay cả Mỹ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Gần đây nhất Quốc hội Mỹ phải hủy bỏ chương trình tên lửa siêu thanh AGM-183A sau những thất bại dai dẳng trong quá trình thử nghiệm.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng phát triển vũ khí siêu thanh của Iran với lý do nền công nghiệp quốc phòng của quốc gia Trung Đông này vẫn chưa đủ năng lực.
Nguồn gốc công nghệ tên lửa Iran
Trung Quốc là quốc gia triển khai tên lửa siêu thanh sớm nhất với sự ra mắt của tên lửa DF-17 vào năm 2019. Nga cũng đã giới thiệu những vũ khí tương tự của mình vào tháng 12 cùng năm, với tên lửa hành trình Zicron và phương tiện bay Avangard gắn trên tên lửa liên lục địa.
Tháng 9/2021, Triều Tiên cũng tiến hành cuộc thử nghiệm lần đầu với một tên lửa đạn đạo mang phương tiện bay siêu thanh - tên lửa Hwasong-8 ước tính có tầm bắn khoảng 1.800 km.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù ngành công nghiệp tên lửa của Iran được đánh giá thuộc top đầu thế giới, nhưng vẫn bị đánh giá là thua xa so với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Iran là một trong những khách hàng quen thuộc của Triều Tiên về công nghệ tên lửa trong suốt bốn thập kỉ qua. Vì vậy có nhiều suy đoán cho rằng tên lửa Fattah của Iran cũng có thể được hưởng lợi rất nhiều từ các công nghệ của Triều Tiên.
Triều Tiên bắt đầu xuất khẩu tên lửa đạn đạo sang Iran vào đầu những năm 1980. Loại tên lửa đắt hàng nhất mà Triều Tiên xuất khẩu là Hwasong-5 và Hwasong-6. Hai loại tên lửa này đều từng được Triều Tiên xuất khẩu ra cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Ai Cập và Iran.
Iran đã chế tạo nhiều mẫu tên lửa nội địa theo theo giấy phép, trong đó bao gồm tên lửa Hwasong-5 được Iran sản xuất với cái tên nội địa là Shahab-1, Hwasong-6 bản nội địa là Shahab-2. Iran còn nhận chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Rodong-1 để tạo ra tên lửa Shahab-3.
Tiếp theo đó là tên lửa Hwasong-10 với tầm bắn rất xa 4.000 km, được sản xuất tại Iran theo giấy phép với tên gọi Khorramshahr, như vậy có thể thấy rằng các tên lửa của Iran đã được hưởng lợi đáng kể từ việc chuyển giao công nghệ và sự hỗ trợ về mặt chuyên môn cũng như thiết bị của Triều Tiên.
Những hỗ trợ của Triều Tiên được coi là lý do hợp lý để giải thích cho sự thành công của tên lửa Fattah và rất phù hợp với những cố gắng trên lĩnh vực tên lửa của Iran trong 40 năm qua.
Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng không những được hưởng lợi từ doanh thu đáng kể của việc xuất khẩu vũ khí và chuyển giao công nghệ cho Iran, mà còn khiến Mỹ và phương Tây phải phân tán lực lượng đối phó thông qua việc hỗ trợ các đối thủ của Mỹ ở những nơi khác trên thế giới.
Sự nguy hiểm của vũ khí siêu thanh
Các phương tiện lượn siêu thanh được đánh giá nguy hiểm nhờ tốc độ rất cao được duy trì trong suốt quá trình bay, cũng như khả năng cơ động linh hoạt và cao độ, khiến cho các lực lượng phòng không rất khó phát hiện và đánh chặn chúng.
Tốc độ cực cao của tên lửa siêu thanh cho phép chúng tấn công các mục tiêu trên khắp các lục địa chỉ trong vòng vài phút, đồng thời giảm đáng kể thời gian cảnh báo của đối thủ.
Công nghệ vũ khí siêu thanh sẽ là bổ sung quan trọng cho kho vũ khí của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, cho phép các tên lửa có tầm bắn xa hơn và có khả năng tấn công lãnh thổ NATO, là cơ sở để phát triển các loại tên lửa chống tàu là mối đe dọa đáng kể mà các nhóm tàu sân bay Mỹ phải đối mặt trong khu vực.
Đây được xem là vũ khí răn đe trong tương lai của Iran, bởi lực lượng thông thường của Iran bị đáng giá là tương đối khiêm tốn, chủ yếu hình thành từ các đơn vị thiết giáp và những đơn vị không quân lạc hậu.
Sự xuất hiện của tên lửa siêu thanh Fattah sẽ khiến Mỹ và phương Tây cũng như những đối thủ của Iran trong khu vực phải dè chừng trong các hành động của mình, tuy nhiên khả năng thực sự của tên lửa này còn cần phải có thời gian để chứng minh.
Bình luận