>> Theo bạn, hôm nay, Mỹ có tấn công Iran?
Căng thẳng Mỹ-Iran những ngày qua đang được đẩy lên cao trào, đỉnh điểm là việc Tehran nã tên lửa tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq để trả đũa đòn không kích đoạt mạng Tướng Soleimani sáng 8/1.
Nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế cho rằng, vụ Mỹ giết Tướng Soleimani không khác nào một “cú tát mạnh” với người Iran. Họ cảm thấy đau đớn, thua thiệt và hơn hết là phẫn nộ khi nhân vật quan trọng thứ 2 của quốc gia bị Mỹ tiêu diệt.
"Iran sẽ còn trả thù. Đòn trả đũa mới đây chưa phải là cuối cùng", ông Phạm Phú Phúc nhận định.
Iran sẽ còn trả thù. Đòn trả đũa mới đây chưa phải là cuối cùng.
Chuyên gia Phạm Phú Phúc
Tuy nhiên, theo ông Phúc, Iran sẽ phản đòn ở một mức độ nào đó. Họ biết cầm chừng và không đẩy xung đột lên thành một cuộc chiến. Bản thân Iran cũng nhiều lần khẳng định họ không định châm ngòi nhưng sẵn sàng bước vào cuộc chiến.
Trên bảng xếp hạng về chỉ số sức mạnh quốc gia của Global Fire Power, Iran đứng vị trí thứ 14. Iran cực kỳ mạnh trong năng lực chiến tranh bất đối xứng cùng dàn tên lửa đáng gờm. Mặc dù vậy, năng lực quân sự của Tehran còn kém khá xa so với lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới của Mỹ.
Tuy nhiên, nếu cả 2 quốc gia cùng kéo nhau vào một cuộc chiến, Mỹ chắc chắn sẽ chịu những thiệt hại nặng nề trước một Iran bị đẩy vào chân tường. Kịch bản chiến tranh cũng sẽ khiến Washington khốn khổ hơn rất nhiều so với vũng lầy mà họ từng sa vào trong chiến tranh Iraq hơn 1 thập kỷ trước.
Bản thân Mỹ cũng cho thấy họ cần và sẽ đáp trả các vụ tấn công của Iran nhưng không định đẩy sự việc đi quá đà tới mức phải phát động chiến tranh.
Nhà báo Phạm Phú Phúc cho rằng Iran khác Iraq dưới thời chính quyền Saddam Hussein. Họ không dễ bị bắt nạt và sẵn sàng “chơi tất tay” với Mỹ.
Bằng chứng là việc khi Mỹ buông lời de dọa nắm trong tay 52 mục tiêu Iran, Tehran cũng sòng phẳng đáp trả đưa 35 mục tiêu Mỹ vào tầm ngắm.
Video: Tên lửa Fateh-110 tấn công căn cứ Ain al-Asad của Mỹ (chưa được xác minh)
"Các mục tiêu mà Iran nhắm vào Mỹ nếu tính tương quan thì Mỹ sẽ thiệt hại hơn rất nhiều bởi đó là các căn cứ quân sự đặc biệt lớn của Mỹ, đặc biệt là căn cứ ở Qatar. Nếu tính về con người, một lính Mỹ thiệt mạng sẽ gây rúng động cả đất nước, tác động tới nền chính trị của xứ cờ hoa, tới cuộc bầu cử hiện nay. Bây giờ nếu sòng phẳng dàn quân, tôi sợ thiệt hại của Mỹ sẽ nhiều hơn. Con số thương vong có thể tương đương nhưng cái đau thương, tầm ảnh hưởng mà Mỹ phải gánh chịu sẽ lớn hơn", ông Phúc phân tích.
Trong liên tiếp những ngày gần đây, Iran đưa ra các cảnh báo "đáp trả tàn khốc" Washington. Thậm chí cách đây ít giờ, Iran khiến không ít người quan ngại khi tuyên bố sẵn sàng tấn công vào bên trong nước Mỹ nếu Washington đáp trả vụ Tehran tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq.
Theo ông Phúc, với năng lực hiện tại, Iran hoàn toàn có thể gây ra sự cố nào đó ở Mỹ. Nhưng một khi đã tới bước này, căng thẳng sẽ lên đỉnh điểm, sợi dây hòa bình sẽ bị 2 bên kéo căng khi cả 2 bên trả đũa qua lại.
"Lấy oán trả oán, bạo lực trả bạo lực thì sẽ rất kinh khủng. Tuy nhiên, khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh lớn, sòng phẳng là rất khó xảy ra. Trong bối cảnh hiện nay, kịch bản này là không thích hợp. Iran đang gặp khó khăn, Mỹ chuẩn bị bầu cử và xu thế hiện nay cũng không cho phép 2 nước dắt nhau vào một cuộc chiến", ông Phúc cho hay.
Vị chuyên gia khẳng định thời điểm tới sẽ giành chỗ cho các cuộc trả đũa nhỏ, lẻ chứ không có chuyện Mỹ câu tên lửa vào giữa thủ đô Iran.
Mỹ cũng sẽ tìm cách lôi kéo các đồng minh ở Trung Đông vào cuộc xung đột hiện tại với Iran.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Iran đe dọa sẽ tấn công Haifa, Israel hay Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) nếu họ bị tấn công. Việc Iran đưa ra từng nấc trả thù như vậy sẽ tạo cái cớ để Israel, UAE nhảy vào cuộc xung đột.
Các quốc gia này đang đối đầu với Iran và trong trường hợp Tehran tấn công vào căn cứ của Mỹ trên đất của họ, Israel hay UAE hoàn toàn có thể viện dẫn đây như lý do để trả thù.
Thùng thuốc súng vốn chực chờ phát nổ ở Trung Đông giờ lại càng dễ cháy.
Tất nhiên, không ai muốn nó phát nổ vì những hậu họa khôn lường kéo theo. Người Iran không muốn, người Mỹ càng không.
Theo ông Phúc, khi Tổng thống Trump triển khai chiến dịch tiêu diệt Tướng Soleimani, hầu hết cử tri Mỹ - những người đã quá chán ghét chiến tranh đều không tán thành. Họ thất vọng khi nhà lãnh đạo Mỹ dường như cho thấy ông định nuốt lời, bỏ lại sau lưng lời hứa không phát động tấn công ở Trung Đông, đưa hết quân về nước. Hình ảnh của ông chủ Nhà Trắng từ đó bị xấu đi đáng kể.
Theo ông Phúc, ông Trump chắc chắn tiên liệu được điều này trước khi hạ lệnh. Nhưng phản ứng kịch liệt của nước Mỹ hay lời khẳng định giết Tướng Iran, người đang lên kế hoạch đoạt mạng hàng trăm người Mỹ để bảo vệ người dân xứ cờ hoa cho thấy vị Tổng thống Mỹ dường như cảm thấy bước đi mới đây có vẻ là quá đà.
Tại dòng tweet cách đây vài giờ, ông Trump khoe Mỹ có lực lượng quân đội hùng mạnh nhất thế giới như một cảnh báo gửi tới Tehran về các bước đi khó lường sắp tới của ông.
Nhưng chuyên gia Phạm Phú Phúc tin rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ không đi theo hướng đánh vỗ mặt, ông sẽ phản ứng nhưng sẽ không đẩy mọi chuyện đi quá xa.
Bình luận