Ngay sau khi Iran xác nhận bắt giữ con tàu thứ 2, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt lên tiếng cảnh báo quốc gia Tây Á về hành động làm gia tăng căng thẳng mới nhất của Tehran trên Vùng Vịnh.
"London sẽ có phản ứng mạnh mẽ nhưng không phải là quân sự", ông nói, hy vọng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ được giải quyết thông qua ngoại giao mà không động tới các lựa chọn quân sự.
Trước đó, dữ liệu theo dõi cho thấy tàu Stena Impero của Anh đang trên đường tới Ả-rập Xê-út bất ngờ tách khỏi tuyến đường biển quốc tế và đi về phía Bắc, hướng tới đảo Qeshm của Iran.
Các nguồn tin quân sự của Iran khẳng định trước khi bị bắt giữ, con tàu tắt thiết bị theo dõi và phớt lờ cảnh báo.
"Lý do đằng sau việc bắt giữ tàu Anh là vì nó không tuân thủ các tuyến đường biển ở eo biển Hormuz, tắt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), gây nhiễu vùng biển quốc tế và không chú ý tới các cảnh báo của Iran", nguồn tin cho biết.
Stena Impero, có trọng tải 30 tấn thuộc sở hữu của công ty Stena Bulk, đang trên hải trình tới cảng Al Jubail của Ả-rập Xê-út.
Đại diện của Stena cho biết con tàu bị nhóm tàu nhỏ không xác định và máy bay trực thăng tiếp cận trong quá trình di chuyển qua eo biển Hormuz trong khi đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.
Tàu chở dầu khác mang tên Mesdar, gắn cờ Liberia cũng đột ngột phải thay đổi hướng đi và tiến về phía lục địa Iran vào tối 19/7. Con tàu thuộc sở hữu của công ty Norbulk Shipping UK của Anh và đang trên đường tới cảng Ras Tanura Ả-rập Xê-út.
Hãng tin Fars của Iran đưa tin con tàu bị Iran giữ lại trong một thời gian ngắn ở eo biển Hormuz để cảnh báo về việc tuân thủ các quy định của môi trường trước khi cho phép nó tiếp tục hải trình.
Thông tin về các vụ bắt giữ được đưa ra hơn 2 tuần sau vụ bắt giữ tàu chở dầu của Iran ở Gibraltar với cáo buộc buôn lậu dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Ngoại trưởng Anh cho biết ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và mong muốn được nói chuyện với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Lên án hành động bắt giữ tàu là hành vi không thể chấp nhận được, ông Hunt khẳng định Tehran sẽ là bên thiệt hại lớn nhất nếu quyền tự do hàng hải bị hạn chế.
Vị quan chức ngoại giao cấp cao Anh xác nhận không có công dân Anh nào trong số thủy thủ đoàn bị bắt giữ của cả 2 con tàu. Ông nói thêm rằng Đại sứ Anh tại Tehran đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Iran trong nỗ lực giải quyết tình hình.
Video: Iran bắt giữ tàu chở dầu buôn lậu 1 triệu tấn dầu
Liên quan tới vụ bắt giữ mới nhất trên eo biển Hormuz, Tổng thống Trump khẳng định ông sẽ trao đổi lại thông tin liên quan với Anh, nói thêm rằng vụ việc chứng tỏ ông đã đúng khi nói Iran không mang lại gì ngoài rắc rối.
"Iran đang gặp rắc rối lớn vì kinh tế nước này bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt kinh tế. Vấn đề có thể dễ dàng giải quyết hoặc trở nên tồi tệ hơn", ông nói.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết sẽ tăng cường tuần tra trên không ở khu vực eo biển Hormuz để đáp trả vụ bắt giữ tàu Anh mới đây.
"Một số lượng nhỏ các máy bay tuần tra được bổ sung trong không phận quốc tế để theo dõi tình hình. Lực lượng hải quân của Bộ Tư lệnh Trung tâm đã liên lạc với các tàu Mỹ hoạt động trong khu vực để đảm bảo an toàn", Trung tá Earl Brown, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung ương cho hay.
Căng thẳng giữa Tehran và London được châm ngòi khi London hôm 4/7 bắt giữ tàu chở dầu Iran Grace 1, hành động mà Iran lên án là không khác gì cướp biển và cảnh báo sẽ trả đũa.
6 ngày sau, Hải quân hoàng gia Anh cho biết khu trục hạm HMS Montrose của họ đã ngăn 5 xuồng cao tốc Iran bắt giữ tàu chở dầu gắn cờ Anh ở Vịnh Ba Tư.
Cách đây 2 ngày, Iran thông báo bắt giữ tàu chở dầu Riah gắn cờ Panama với cáo buộc buôn lậu một triệu lít dầu.
Hôm 19/7, tàu chiến Mỹ tiến về vịnh Ba tư thông báo bắn hạ một máy bay không người lái của Iran. Tuy nhiên Tehran khẳng định họ không mất bất cứ chiếc UAV nào.
Washington đang tìm cách thiết lập liên minh với các đồng minh trong khu vực để đảm bảo quyền tự do hàng hải trên eo biển Hormuz, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới về lưu thông dầu mỏ.
Bình luận