• Zalo

IPv6 ở Việt Nam còn rất hạn chế

Kinh tếThứ Năm, 10/10/2013 02:01:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Đánh giá về thực trạng triển khai IPv6 tại Việt Nam, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng, còn rất hạn chế.

(VTC News) - Đánh giá về thực trạng triển khai IPv6 tại Việt Nam, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng, còn rất hạn chế.

Triển khai sớm, hiệu quả thấp

Theo thông tin từ VNNIC, tính tới tháng 4/2011, số lượng địa chỉ IPv4 trên toàn thế giới đã cạn kiệt. Chính vì vậy, các quốc gia đang đẩy nhanh việc đưa vào triển khai IPv6 song song với IPv4.

Tại Việt Nam, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 vào năm 2011, qua đó ấn định tới năm 2019 sẽ hoàn tất việc chuyển đổi sang IPv6.

IPv6
Việt Nam đang đứng thứ 79/258 trong các quốc gia triển khai IPv6. 
Tại buổi Hội thảo, đại diện VNNIC cho biết tính tới ngày 6/5/2013, mạng IPv6 quốc gia đã chính thức được khai trương qua kết nối của VNNIC với 5 ISP, gồm Viettel, VNPT, Netnam, FPT Telecom, SPT, VTC. Mới đây đã có thêm SCTV, CMC Telecom và VTN tham gia kết nối cả IPv4 và IPv6.

Mặc dù vậy, việc triển khai IPv6 tại các doanh nghiệp phần mềm, phần cứng và nội dung số hiện đang rất hạn chế. Tới thời điểm này mới có 1 doanh nghiệp phần mềm, 20 chủ website, 35 website .vn triển khai IPv6 và 6 nhà sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của VNNIC, mới chỉ có 5/27 doanh nghiệp công nghệ thông tin có kế hoạch triển khai và thành lập bộ phận triển khai IPv6 cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam là quốc gia triển khai IPv6 khá sớm nhưng lưu lượng và sự hiện diện còn nhiều hạn chế. Cũng theo VNNIC, hiện Việt Nam đang đứng thứ 79/258 trong các quốc gia triển khai IPv6.

Chia sẻ về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết: "Trong quá trình triển khai IPv6 tại Việt Nam vừa qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6. Tuy nhiên đối với các nhà cung cấp phần cứng, phần mềm và nội dung còn gặp nhiều khó khăn".

"Chính vì vậy, Bộ TT&TT mong muốn các doanh nghiệp trao đổi cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn trên. Qua đó đạt được những bước tiến mới trong trong việc thực hiện Kế hoạch Hành động quốc gia về IPv6”, Thứ trưởng cho biết thêm.

Sớm có giải pháp trợ giúp

Lý giải nguyên nhân về sự hiện diện của IPv6 tại Việt Nam còn hạn chế, đại diện của VNNIC cho biết chủ yếu là do thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 còn chưa đa dạng, ứng dụng hỗ trợ IPv6 chưa nhiều, đồng thời sự hưởng ứng của các doanh nghiệp cũng chưa đồng đều.

Đặc biệt, các doanh nghiệp nội dung cũng chưa thực sự tham gia vào quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6.


Về phía các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, cung cấp nội dung cho rằng việc triển khai IPv6 sẽ khiến chi phí phát sinh tăng cao. Trong khi đó, việc xin các ưu đãi hỗ trợ để đưa IPv6 vào ứng dụng của doanh nghiệp hiện rất khó khăn.

Ngoài ra, phía doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 cũng cho biết hiện chưa có bộ tiêu chuẩn và quy định chung cho IPv6 tại Việt Nam. Vì lẽ đó, doanh nghiệp chưa thể đưa ra kế hoạch sản xuất thiết bị cụ thể được.

Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, hiện các chính sách của nhà nước từ đầu tư, thuế cho tới thị trường đều đã hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp triển khai IPv6.

Đồng thời Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia sẽ tiến hành làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài chính để tháo gỡ các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.


Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng yêu cầu Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ TT&TT nghiên cứu để sớm đưa ra quy chuẩn chung về IPv6 cho các thiết bị đầu cuối để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị. Đặt mục tiêu tới sau năm 2015, các thiết bị được sản xuất tại Việt Nam đều phải hỗ trợ IPv6.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn