Tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có chủ đề “Tác động của đại dịch COVID-19 với nhân quyền”, phái đoàn Indonesia tại Liên Hợp Quốc đã đưa ra vụ việc các ngư dân Indonesia bị ngược đãi trên tàu cá Trung Quốc dẫn đến thiệt mạng.
Phái đoàn Indonesia yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chú ý đến vấn đề vi phạm nhân quyền đối với nhóm người dễ bị tổn thương và thường bị lãng quên, cụ thể là vi phạm nhân quyền trong ngành đánh bắt cá đã xảy ra với Indonesia kể từ năm 2016.
Phía Indonesia đề cập đến lỗ hổng mà các ngư dân nước này đang phải đối mặt như bị đối xử vô nhân đạo trong công việc, bị ngược đãi như nô lệ thậm chí đến mức tử vong.
Trưởng đại diện Phái đoàn Indonesia tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Hasan Kleib nhấn mạnh, việc bảo vệ nhân quyền là chiến lược trong ngành thuỷ sản vì đây là ngành công nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, đặc biệt trong tình hình đại dịch hiện nay.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 10/5, Ngoại trưởng Indonesia cho biết, có ít nhất 4 ngư dân của Indonesia trong số 46 ngư dân bị ngược đãi trên 4 tàu cá Trung Quốc đã thiệt mạng. Trong đó, thi thể của 3 ngư dân bị ném xuống biển.
Theo các ngư dân, họ phải làm việc 18 giờ một ngày, không được trả công hoặc nhận tiền công không như hợp đồng đã ký kết và phải làm việc trong điều kiện sinh hoạt tồi tệ.
Cơ quan bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia đã thành lập một nhóm điều tra nội bộ và phối hợp với cảnh sát về các bước pháp lý để bảo vệ quyền lợi các ngư dân Indonesia. Đồng thời, phía Indonesia yêu cầu Trung Quốc phối hợp điều tra vụ việc.
Cũng trong ngày 12/5, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, khẳng định Trung Quốc sẽ nghiêm túc xem xét vụ việc theo báo cáo của phía Indonesia.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng, các cáo buộc do truyền thông đưa ra không dựa trên sự thật và phía Trung Quốc sẽ xử lý vấn đề dựa trên sự thật và luật pháp.
Phía Trung Quốc cũng cho rằng việc “chôn cất thi thể các ngư dân trên biển” để bảo vệ sức khoẻ cho các thuyền viên khác là phù hợp với thông lệ hàng hải quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế.
Bình luận