Theo tin từ Reuters, dự báo u ám trên được IMF đưa ra trước thềm chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ.
"Sau hai năm tăng trưởng vững vàng, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng ngày càng chậm hơn so với dự kiến và các rủi ro đang tăng lên", Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói với các nhà báo.
"Liệu điều đó có nghĩa là suy thoái toàn cầu sắp xảy ra? Câu trả lời là không, nhưng nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh chắc chắn đã gia tăng", bà Lagarde nói, đồng thời hối thúc cac nhà hoạch định chính sách chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt sự sụt giảm mạnh trong tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày thứ Hai của WEF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,5% trong năm 2019 và 3,6% trong 2020, giảm tương ứng 0,2 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10.
Động thái hạ dự báo tăng trưởng này chủ yếu phản ánh những dấu hiệu yếu đi của các nền kinh tế khu vực châu Âu. Cường quốc xuất khẩu số 1 của châu Âu là Đức đang đối mặt thách thức do tiêu chuẩn khí thải mới, còn thị trường tài chính Italy chịu sức ép do cuộc đối đầu về ngân sách với Liên minh châu Âu (EU).
IMF cũng nhấn mạnh sự giảm tốc sâu hơn dự báo của kinh tế Trung Quốc, và nguy cơ Brexit không thỏa thuận, cho rằng những yếu tố này có thể khiến thị trường biến động mạnh hơn.Thống kê công bố hôm thứ Hai cho thấy nền kinh tế nước này 2018 tăng trưởng chậm nhất gần 3 thập kỷ.
Nỗi lo suy giảm tăng trưởng kinh tế đã khiến thị trường tài chính toàn cầu trải qua những phiên giao dịch sóng gió thời gian gần đây, đồng thời buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất.
Một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy Nhật Bản đang đứng trước khả năng gia tăng rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế, gây sức ép buộc Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) phải duy trì chính sách kích cầu quy mô lớn.
IMF hạ dự báo tăng trưởng đối với khu vực Eurozone và các nền kinh tế đang phát triển trong 2019, nhưng giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 2,5% đối với kinh tế Mỹ.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được IMF giữ ở mức 6,2% cho cả 2019 và 2020, nhưng định chế này nói rằng các hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể không đạt dự báo nếu căng thẳng thương mại vẫn duy trì, cho dù Bắc Kinh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tăng chi tiêu tài khóa và mở rộng tín dụng.
Về kinh tế Anh, IMF cho rằng nếu Brexit có thỏa thuận, thì nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay.
Bình luận