IAEA bất đồng về kế hoạch để Nhật Bản xả nước thải phóng xạ ra biển

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 07/07/2023 16:10:40 +07:00
(VTC News) -

Ông Rafael Grossi tiết lộ, một số chuyên gia của cơ quan bất đồng trong việc bật đèn xanh cho Nhật Bản xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển.

Ngày 7/7, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters tại Tokyo, Nhật Bản, ông Rafael Grossi - người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tiết lộ thêm thông tin về việc cơ quan này chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản ra biển.

Trước câu hỏi liệu có sự bất đồng nào xảy ra giữa các chuyên gia đằng sau báo cáo bật đèn xanh cho Nhật Bản xả nước phóng xạ đã qua xử lý ra biển không, giám đốc IAEA đã gật đầu thừa nhận.

"Tôi có nghe nói như vậy. Nhưng một lần nữa, những gì chúng tôi đã công bố là hợp lý về mặt khoa học”, ông Rafael Grossi nói.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi công bố báo cáo gây tranh cãi, Giám đốc IAEA Rafael Grossi cũng cho biết không có chuyên gia nào trực tiếp bày tỏ quan ngại với ông.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi phát biểu trong cuộc phỏng vấn ở Tokyo, Nhật Bản ngày 7/7. (Ảnh: Reuters)

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi phát biểu trong cuộc phỏng vấn ở Tokyo, Nhật Bản ngày 7/7. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo của IAEA đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của 11 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc. Nhật Bản và IAEA vẫn đang cố thuyết phục các nước này và cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc sự giám sát từ quốc tế.

Trung Quốc là một trong những quốc gia chỉ trích gay gắt báo cáo của IAEA. Bất chấp sự đảm bảo từ Nhật Bản và IAEA rằng quyết định này sẽ không tác động xấu đến môi trường, Bắc Kinh vẫn khẳng định cơ quan này không nên tán thành một kế hoạch gây rủi ro cho sinh vật biển và sức khỏe con người.

Chính phủ Hàn Quốc trước đó từng bày tỏ quan ngại về việc xả nước thải phóng xạ, tuy nhiên một ngày sau khi báo cáo được công bố, Seoul cho biết họ tôn trọng đánh giá của IAEA.

Ngày 6/7, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin, ông Liu Senlin, chuyên gia người Trung Quốc thuộc nhóm công tác kỹ thuật của IAEA, đã bày tỏ sự thất vọng trước báo cáo "vội vàng" của cơ quan này. Ông Liu cũng cho biết thông tin đầu vào từ các chuyên gia còn hạn chế và chỉ được sử dụng để tham khảo.

Tuy nhiên, ông Grossi cho biết, báo cáo của IAEA không đồng nghĩa với việc tán thành kế hoạch của Nhật Bản, ông nói thêm tằng Tokyo vẫn là bên đưa ra quyết định cuối cùng về việc xả nước thải vào cuối mùa hè.

"Chúng tôi không tán thành kế hoạch hay khuyến nghị thực hiện điều này. Chúng tôi chỉ nói rằng kế hoạch này phù hợp với các tiêu chuẩn", ông Grossi nói.

"Chúng tôi không đứng về phía nào. Tôi không đứng về phía Nhật Bản, phía Trung Quốc hay phía Hàn Quốc. Các tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các bên như nhau", giám đốc IAEA nói thêm.

Một số quan chức Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất của họ, có thể ngừng mua các mặt hàng này sau khi Tokyo tiến hành xả nước thải.

Nhật Bản cho biết nước thải trước khi xả ra biển sẽ được lọc để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ ngoại trừ tritium - một đồng vị của hydro rất khó tách khỏi nước. Lượng nước đã qua xử lý sau đó sẽ được pha loãng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài sự chỉ trích đến từ cộng đồng quốc tế, kế hoạch này cũng vấp phải sự phản đối của chính người dân Nhật Bản, đặc biệt là cộng đồng ngư dân bởi lo ngại về nhu cầu sẽ giảm đối với sản phẩm của họ.

Theo kế hoạch được IAEA phê duyệt, Nhật Bản sẽ bắt đầu xả hơn một triệu tấn nước, đủ để lấp đầy 500 bể bơi Olympic, được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu của nhà máy sau khi nó bị sóng thần phá hủy. Việc xả nước sẽ được bắt đầu trong vài tuần tới và diễn ra trong 40 năm.

Phương Thảo(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn