Ngày 22/5, TAND huyện M’Đrắk tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án “hủy hoại rừng” với 13 bị cáo xảy ra tại xã Cư San, huyện M’Đrắk ra xét xử.
Vụ án này gây sự chú ý của dư luận bởi các bị cáo dù đã được khởi tố từ năm 2014, qua một lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, hai lần ra tòa nhưng hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn chưa thể tuyên án.
Ở phiên xét xử sáng 22/5, khi HĐXX bước vào phần thẩm vấn lý lịch các bị cáo thì xuất hiện tình tiết mới làm HĐXX “dở khóc dở cười”, vì có đến 11 bị cáo, hầu hết là đồng bào di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc, khai trước tòa không biết chữ và cũng không rành tiếng Việt.
Nhận thấy việc các bị cáo hạn chế về việc nghe - hiểu tiếng Việt có thể ảnh hưởng đến toàn bộ diễn biến phiên tòa, HĐXX đã cho trưng dụng khẩn cấp ba cán bộ ở huyện M’Đrắk là người dân tộc Dao, Mông, Tày để phiên dịch cho các bị cáo.
Video: Hàng ngàn người tham dự phiên tòa thủ quỹ tham ô 1 tỉ đồng
Nhưng ngay cả khi ba cán bộ này được triệu tập đến phiên tòa, trong quá trình trao đổi, nói chuyện hai bên cũng... không hiểu hết tiếng của nhau.
“Cùng là Dao, Mông, Tày nhưng mỗi vùng lại có một tiếng nói khác, không nơi nào giống nơi nào. Thậm chí cùng tộc người Dao nhưng lại phân ra nhiều nhánh: Dao Đen, Dao Đỏ... Mỗi nhánh Dao lại nói tiếng khác nhau, vì vậy hội đồng phiên dịch cũng không thể hiểu hết và làm trọn trách nhiệm trong vụ việc này” - một trong các cán bộ phiên dịch nói tại phiên tòa.
Tình thế bất ngờ này buộc HĐXX phải quyết định hoãn phiên tòa và dự kiến mở lại vào ngày 5/6.
Bình luận