Chiều nay 12/6, các thí sinh dự thi vào các lớp chuyên Vật lý thuộc các trường THPT chuyên, trường có lớp chuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội trải qua bài thi môn Vật lý trong vòng 150 phút.
Mọi việc sẽ không có gì đáng nói, cho đến khi nhìn vào biểu điểm của từng câu. Cụ thể, đề thi gồm 5 câu. Theo cơ cấu được chia câu 1 là 1,5 điểm; câu 2 là 2 điểm; câu 3 là 2,5 điểm; câu 4 là 2,5 điểm và câu 5 là 1 điểm.
Như vậy với cơ cấu điểm này, trong trường hợp thí sinh làm đúng hết đề cũng không thể đạt điểm 10, bởi tối đa tổng chỉ đến 9,5 điểm.
Chia sẻ với VietNamNet, một thầy giáo ở Hà Nội cho hay cũng rất bất ngờ và khó lý giải khi học sinh nhắn tin hỏi.
“Các em hơi ngạc nhiên, dù việc này không ảnh hưởng gì đến kết quả bài làm. Các học sinh cũng hiểu đây là sơ suất của ban ra đề, nhưng đúng là việc này khá hy hữu. Mong là Sở GD-ĐT Hà Nội có phương án hợp lý để học sinh đều thấy hài hòa”, thầy giáo này nói.
Câu chuyện này tiếp tục liên quan đến vấn đề tổ chức chuẩn bị đề thi của Sở GD-ĐT Hà Nội năm nay, dù không liên quan đến chất lượng đề.
Bởi sau khi kết thúc buổi thi môn Toán vào lớp 10 công lập không chuyên của Hà Nội năm 2023, nhiều phụ huynh và học sinh cũng phản ánh đề thi mắc lỗi in ấn ở câu giải hệ phương trình, khiến học sinh hiểu nhầm và làm sai.
Cụ thể, ở đề thi môn Toán, tại ý 1 câu III, đề bài yêu cầu thí sinh giải hệ phương trình.
Tuy nhiên, ở một số đề thi, do mực in không rõ nên dấu gạch ngang bị đứt quãng, không liền mạch, khiến nhiều học sinh lầm tưởng là có dấu (-) ở phía trước. Theo đó, thay vì 2/(x-3), nhiều học sinh đã nhìn nhầm thành -2/(x-3), từ đó giải ra kết quả sai.
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phải họp để thống nhất phương án giải quyết sự cố một số đề thi lớp 10 môn Toán bị in mờ, khiến thí sinh hiểu nhầm dẫn đến ra kết quả sai.
Theo đó, đại diện Sở GD-ĐT thừa nhận đề thi không sai sót về nội dung nhưng trong quá trình in sao, một số đề thi bị mờ, đứt quãng, không liền mạch ở dấu gạch ngang phân số khiến học sinh hiểu nhầm là dấu (-).
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Sở GD-ĐT có bổ sung thêm đáp án với trường hợp thí sinh bị nhầm có dấu (-) phía trước. Như vậy, thí sinh hiểu nhầm đề vẫn được chấp nhận đáp án nếu giải ra đáp số đúng.
Do đó, với tình huống này, trong quá trình chấm thi, Sở GD-ĐT sẽ công nhận 2 đáp án cho ý 1 câu 3 về hệ phương trình.
Đáp án thứ nhất dành cho các thí sinh làm bài thi bình thường. Đáp án thứ hai dành cho các thí sinh coi vệt mờ đứt đoạn trên đề thi là dấu trừ. Như vậy, nếu thí sinh làm đúng 1 trong 2 trường hợp này, đều sẽ được tính điểm.
Bình luận