Ngày 31/10, bệnh viện đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận một bệnh nhân cao tuổi là cụ bà Nguyễn Thị Khải (100 tuổi, trú tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa Thanh Oai (Hà Nội) trong tình trạng được chẩn đoán là gãy liên mấu chuyển xương đùi ngày thứ 3.
Trao đổi với VTC News, bác sĩ Trần Quang Toản, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn trong khoa và liên khoa và đưa ra quyết định chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bán phần với đường mổ nhỏ cho bà cụ.
“Khi cụ nhập viện, tại vết thương đã xuất tình trạng loét tại vùng tì đè và cụ bị bí tiểu. Khi bệnh nhân vào, chúng tôi cũng làm tất cả các xét nghiệm đặt xương tiểu và cố định cẳng chân gãy mấu chuyển.
Sau khi hội chẩn các khoa liên quan, cả nhà mổ và hồi sức, chúng tôi tiến hành phẫu thuật cho cụ. Đối với trường hợp này, chúng tôi tiến hành thay khớp bán phần luôn. Đây là bệnh nhân cao tuổi nên tất cả ê kíp thực hiện công việc phẫu thuật cho bệnh nhân đều thận trọng”, bác sĩ Toản cho biết.
Cũng theo bác sĩ Toản, bên cạnh quy trình phẫu thuật được tính toán cẩn thận, sự chuẩn bị trước mổ chu đáo, cùng với kỹ thuật gây tê tủy sống và giảm đau sau mổ đã giảm bớt nguy cơ trong và sau mổ giúp cho ca phẫu thuật thành công.
Cho đến nay, sau 8 ngày thực hiên ca phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cụ Khải đã ổn địch, cụ đã ngồi dậy được nhưng vẫn đang được theo dõi chi tiết. Dự kiến, cụ sẽ được xuất viện trong một vài tới đây.
Theo một số chuyên gia y tế, gãy cổ xương đùi là một tai nạn rất hay gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân thường gặp là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất, mật độ xương thấp và giòn do tuổi cao nên dẫn tới nguy cơ này.
Khi bị tai nạn này, bệnh nhân già yếu sẽ rất đau đớn khi di chuyển và có nhiều biến chứng. Nếu không được theo dõi và phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo, đối với gãy xương vùng cổ xương đùi trên bệnh nhân cao tuổi không nên điều trị bằng bó lá hay bó bột chống xoay mà cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để khám, tư vấn và điều trị.
Bình luận