Liên quan đến vụ huynh đề tương tàn ở Vân Đồn (Quảng Ninh), ngày 20/11, thông tin với PV VTC News, luật sư Hoàng Việt Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho biết, căn cứ vào hồ sơ vụ án có thể thấy, ngoài tội danh cưỡng đoạt tài sản đã được Viện KSND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) truy tố, các bị cáo còn có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ Luật hình sự 2015.
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cùng con trai là Nguyễn Đức Bình (trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội) đánh đập vợ chồng ông Nguyễn Mạnh Hồng (tại thôn 6, xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh), viết giấy nhận nợ để vợ chồng ông Hồng ký, với nội dung nếu vợ chồng ông Hồng muốn sử dụng nhà từ đường thì phải trả cho Tuấn 3,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình điều tra không thu giữ được giấy nhận nợ nên chưa đủ cơ sở kết luận Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Đức Bình có hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo Luật sư Hoàng Việt Hùng, trong các vụ án xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi hoặc đòi nợ thuê, đối với hành vi ép viết giấy nhận nợ, nếu số nợ là có thật, chủ nợ ép con nợ viết giấy nhận nợ bằng đúng số tiền nợ thật thì không xem xét vào tội cưỡng đoạt tài sản.
Còn nếu ép buộc con nợ viết giấy nhận nợ quá số tiền nợ thật hoặc không có nợ nhưng vẫn ép viết giấy nhận nợ thì hoàn toàn có thể truy cứu về tội cưỡng đoạt tài sản.
Trong vụ án này, việc các bị cáo đánh đập và ép buộc hai vợ chồng bị hại ký giấy nhận nợ đã được chính bị cáo Tuấn thừa nhận. Việc cáo trạng khẳng định do “không thu giữ được tờ giấy nhận nợ, nên chưa đủ cơ sở kết luận có hành vi cưỡng đoạt tài sản” là thiếu khách quan, toàn diện.
"Bị hại Hoan (vợ ông Hồng) khai rằng đã thấy bị cáo Tuấn đút giấy nhận nợ vào túi áo khoác, giấy nhận nợ là do bị cáo Tuấn giữ, việc bị cáo Tuấn có giao nộp cho Cơ quan điều tra hay không là việc khác.
Nếu người phạm tội cứ vứt bỏ hoặc hủy chứng cứ là không đủ căn cứ kết tội thì bất kỳ người phạm tội nào cũng sẵn sàng hủy bỏ chứng cứ buộc tội mình. Bản thân những lời khai của bị cáo Tuấn và lời khai của bị hại về giấy nhận nợ cũng là những chứng cứ quan trọng", luật sư Hùng nói.
Điều tiếp theo, Viện KSND huyện Vân Đồn đề nghị xem xét cho bị cáo Tuấn hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Bị cáo Tuấn khai đã để lại giấy nhận nợ và không mang đi là không phù hợp với thực tế vì sau đó không ai nhìn thấy giấy nhận nợ đó ở đâu, khám nghiệm hiện trường cũng không thu thập được tờ giấy nhận nợ đó.
Ngoài ra, lời khai về hợp đồng xây dựng nhà từ đường là 3,5 tỷ đồng để hợp lý số tiền 3,6 tỷ đồng trong giấy nhận nợ cũng không phù hợp với thực tế.
“Bản thân tôi đã mang bản thiết kế nhà từ đường yêu cầu một số đơn vị thiết kế, xây dựng làm dự toán, báo giá họ đều khẳng định giá xây dựng theo hình thức chìa khóa trao tay chỉ từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch hơn 2 tỷ đồng thể hiện rõ động cơ và mục đích của bị cáo Tuấn đánh đập và ép buộc bị hại viết giấy nhận nợ”, luật sư Hoàng Việt Hùng chia sẻ.
Luật sư Hùng cũng cho rằng, ngoài các điểm nêu trên, lời khai của bị cáo Tuấn về 2 người thanh niên đi cùng cũng không thể hiện sự “thành khẩn” trong việc phối hợp với Cơ quan điều tra xác định danh tính 2 người này.
“Hy vọng trong phiên tòa sắp tới, nhiều góc khuất của vụ án sẽ được làm sáng tỏ. Hội đồng xét xử sẽ đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, khách quan và đầy đủ để đưa ra phán quyết công bằng”, luật sư Hùng chia sẻ.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin vụ án này!
Bình luận