• Zalo

Huyền thoại về phi công Việt Nam khiến phi công Mỹ khiếp sợ

VideoThứ Bảy, 02/05/2015 02:55:00 +07:00Google News

Các phi công Mỹ truyền tai nhau về “Đại tá Toon” - một phi công VN đạt đẳng cấp Ace như là nỗi khiếp sợ trong những phi phi vụ bay ra miền Bắc

Các phi công Mỹ truyền tai nhau về “Đại tá Toon” - một phi công VN đạt đẳng cấp Ace (chiến thắng 5 trận không chiến trở lên) như là nỗi khiếp sợ trong những phi vụ bay ra miền Bắc.

Trong những năm chiến tranh, các phi công Hoa Kỳ thường truyền tai nhau về một phi công bí ẩn của Quân đội Việt Nam.

Phi công này lái máy bay MiG-21 mang số hiệu 4326. 'Anh ta' đã bắn hạ 13 máy bay Mỹ trong các trận không chiến trên bầu trời miền Bắc từ năm 1967 đến năm 1972.
Chiếc MiG-21 số hiệu 4326 với 13 ngôi sao đỏ biểu trưng của 13 lần chiến thắng trong các trận không chiến 
Trong những lần bắt được tín hiệu liên lạc trao đổi giữa mặt đất hoặc giữa các phi công với nhau, phi công Mỹ thường xuyên nghe thấy từ "Toon" hoặc "Tomb" được lặp đi lặp lại.

Họ cho rằng đấy là tên của phi công điều khiển, từ đó huyền thoại về người phi công siêu cấp có biệt danh là "Toon" ra đời.

Sự ám ảnh của các phi công Mỹ đối với "Toon" kéo dài suốt 6 năm. Trong những cuộc trao đổi với nhau, họ liên tục thêm thắt vào cái tên huyền thoại này.

"Toon" được "phong" cấp bậc Đại tá, thậm chí gán cho họ "Nguyen" rất đặc thù Việt Nam. Một số tài liệu còn ghi rõ tên Việt của ông là "Nguyễn Tuân".
Chiếc MiG-21 số hiệu 4326 hiện được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Phòng không - Không quân 
Những lời đồn đại này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý của các phi công Mỹ, dẫn đến việc vội vã ném bom khi chưa đến mục tiêu, hoặc lảng tránh không chiến khi thấy MiG xuất hiện.

Trên thực tế, phía Việt Nam không đưa các phi công có cấp bậc Thiếu tá trở lên tham gia không chiến. Một số ý kiến cho rằng đây là phi công Đinh Tôn hoặc Phạm Tuân, những người có tên gọi gần âm với "Toon".

Tuy nhiên, đây lại là những phi công được huấn luyện chuyên để tập kích B-52 chứ không thiên về không chiến, do đó số máy bay bắn hạ được của họ cũng chưa đủ để xếp vào nhóm Ace.

Theo một số nhà nghiên cứu, "Toon" hoặc "Tomb" không hẳn là một cái tên Việt Nam, đấy có thể chỉ là một tín hiệu nhiễu vô tuyến thường xuyên xuất hiện, do được lặp đi lặp lại nhiều lần nên các phi công Mỹ đã bị nhầm lẫn là tên của người phi công.

Clip: Huyền thoại Đại tá Toon, phi công Việt khiến Mỹ khiếp sợ


Trong trao đổi liên lạc giữa mặt đất với máy bay, các phi công Việt Nam cũng không bao giờ dùng tên thật mà chỉ sử dụng các bí danh để chỉ phi đội hoặc các vị trí máy bay.


Hơn nữa, thông thường các phi công Mỹ chỉ điều khiển riêng một máy bay, trừ trường hợp phi cơ bị bắn hạ hoặc bị hỏng thì mới chuyển sang lái chiếc khác.

Trong khi đó, do số lượng máy bay rất ít, các phi công Việt Nam thường thay phiên nhau sử dụng chung một chiếc tiêm kích để chiến đấu. Vì vậy, hầu hết các máy bay có số lần bắn hạ đối phương cao đều là chiến công của nhiều phi công khác nhau điều khiển nó.

Sau khi Việt Nam mở cửa, một số cựu phi công Mỹ sang thăm Việt Nam để tìm hiểu và đã xác nhận "Đại tá Toon" chỉ là một nhân vật tưởng tượng của các phi công Mỹ và thường xuyên được họ đưa ra làm đề tài chuyện phiếm.

Như là một thiện ý của phía đối phương, "Đại tá Toon" là sự tổng hợp từ các phi công giỏi của Việt Nam, giống như những "nghệ sỹ solo" ném bom đơn độc ban đêm trong Thế chiến thứ hai được gọi là "máy giặt Charlie" vậy.

Nguồn: Tri Thức Trẻ
Bình luận
vtcnews.vn