• Zalo

Huyền thoại về một nữ biệt động Sài Gòn

Thời sựThứ Sáu, 26/07/2013 03:34:00 +07:00Google News

Tự cắt cánh tay bị thương rồi tiếp tục chiến đấu cho đến khi kiệt sức, tinh thần quả cảm ấy của bà đã trở thành một huyền thoại.

Tự cắt cánh tay bị thương rồi tiếp tục chiến đấu cho đến khi kiệt sức, tinh thần quả cảm ấy của bà đã trở thành một huyền thoại.

Bà là Lê Thị Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Người con gái kiên cường của đất Tây Đô


Bà Quân tên thật là Đào Thị Huyền Nga, quê ở Phú Thứ, huyện Châu Thành, Cần Thơ, một địa danh gắn liền với những chiến công oanh liệt thời chống Mỹ. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cả bố mẹ và 4 người anh em trai đều tham gia chiến đấu nên từ nhỏ, Huyền Nga đã sớm được giáo dục về lòng yêu nước. Mới lên 8 tuổi, bà đã cùng mẹ xuôi ngược đó đây vận chuyển hàng hóa, thuốc men, lương thực cho quân giải phóng.

Sau đó, hai mẹ con bà làm công tác giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật tại tiểu ban đấu tranh chính trị phân quận Ngã Năm - Cần Thơ. Gan dạ, mưu trí, năm 13 tuổi, Huyền Nga được tổ chức điều động làm Tổ trưởng trinh sát với nhiệm vụ lựa chọn, giác ngộ thanh thiếu niên vùng ven thị xã Cần Thơ tham gia hoạt động cách mạng và chịu trách nhiệm mua, vận chuyển thuốc nổ về công trường chế tạo vũ khí để chuẩn bị cho đồng khởi.


huyền thoại, nữ biệt động sài gòn, Lê Thị Riêng, lê thị quân
Bà Quân giữa đời thường Ảnh: Đ.Tú 

Sau khi chính quyền của Ngô Đình Diệm sụp đổ, năm 1962, Mỹ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam. Cần Thơ lúc bấy giờ là một trong những trung tâm đầu não về quân sự của địch, nên địch tăng cường đánh phá vùng ven thị xã. Khi quê hương đứng trước thử thách lớn, Huyền Nga được Chi bộ Đảng xã Phú Thứ tín nhiệm giao giữ chức Xã đội trưởng. Nhờ thông thạo địa bàn, nắm rõ đường đi nước bước của địch, lại xây dựng được một số cơ sở ở hai bên bờ sông Hậu nên nhóm của Huyền Nga vận chuyển thành công được nhiều chuyến hàng quan trọng.

Cũng trong năm 1962, Huyền Nga được xét đặc cách vào Đảng, mặc dù lúc đó bà mới 15 tuổi. Trong buổi lễ kết nạp, các Đảng viên có mặt đã thống nhất đặt tên mới cho Huyền Nga là Lê Hồng Quân. Đầu năm 1966, Hồng Quân nhận được quyết định của T3 đi tăng cường cho chiến trường Sài Gòn - Gia Định (T4). Kể từ đây, bà bí mật ra đi, chia tay những đồng đội thân yêu từng vào sinh ra tử, chia tay mảnh đất Tây Đô đã một thời gắn bó.

Sài Gòn là nơi tập trung hàng vạn lính Mỹ, hàng trăm ngàn quân Ngụy và cảnh sát. Đồng thời, đây cũng là tụ điểm của những băng đảng giang hồ khét tiếng hoạt động. Mới 19 tuổi, lại là cô gái miệt vườn lên thành phố, giữa mạng lưới bủa giăng của Mỹ Ngụy, với trùng trùng cạm bẫy, cám dỗ, quả là một thử thách lớn lao đối với Hồng Quân.

Để tránh tai mắt địch, bà phải làm đủ thứ nghề, nào gánh nước mướn, làm phụ hồ, rồi đi bán hàng rong. Khi bám trụ được Sài Gòn, có địa chỉ, chỗ ở ổn định, T3 (tức Khu ủy khu 9) bàn giao Hồng Quân cho T4. T4 giao cho Quân nhiệm vụ xây dựng lực lượng, xây dựng lõm căn cứ, chuẩn bị cơ sở và những điều kiện cần thiết để thành lập đơn vị nữ biệt động nội thành Sài Gòn - Gia Định, tiền thân của Tiểu đoàn Lê Thị Riêng.


Năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đợt một Mậu Thân do quân giải phóng Việt Nam tiến hành gây một tiếng vang lớn, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Đế quốc Mỹ buộc phải đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam về việc chấm dứt chiến tranh.

Từ tháng 3/1968, nỗ lực cứu vãn tình thế đang xuống dốc về tinh thần và nhuệ khí sau khi vừa bị quân giải phóng tấn công bất ngờ, Mỹ chuyển sang chiến lược “quét - giữ” nhằm đẩy quân Cộng sản ra xa vùng đô thị, đặc biệt là Sài Gòn. Đồng thời, chúng cũng tăng cường phòng thủ xung quanh Sài Gòn với số quân đông đảo và chiến thuật chặt chẽ, tinh vi hơn. Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam chủ trương mở đợt tiến công thứ 2.

huyền thoại, nữ biệt động sài gòn, Lê Thị Riêng, lê thị quân
Bà Lê Hồng Quân (thứ 2, từ trái qua phải), một huyền thoại của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng 

Lực lượng võ trang nội thành được tổ chức lại. Một bộ phận biệt động của cánh Phụ vận Thành ủy khoảng trên dưới 30 đồng chí được lệnh thành lập đơn vị, lấy tên là Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng do đồng chí Lê Hồng Quân làm Tiểu đoàn trưởng.

Lúc đó, quân số của Tiểu đoàn nằm rải rác các nơi được gom về tập trung ở khu vực quận Nhì - trung tâm Sài Gòn khi đó, một địa bàn có nhiều cơ sở quan trọng của Mỹ Ngụy như: Dinh Độc Lập, Thượng Nghị viện, hậu cần Mỹ, chợ Bến Thành v.v… Nhiệm vụ của Tiểu đoàn khi ấy là phải xông vào các xóm, phường, trường, trại rầm rộ tuyên truyền phát động, chuẩn bị cho quần chúng khí thế để tổng công kích, tổng khởi nghĩa.


Ký ức về một thời binh lửa          

Người nữ chỉ huy Tiểu đoàn Lê Thị Riêng năm ấy mới 21 tuổi mà đã có 6 năm tuổi Đảng. Trong vóc dáng nhỏ nhắn, linh hoạt, Lê Hồng Quân vào vai một cô gái bán hàng hoa quả, tạp hóa đắt khách ở một cửa tiệm nằm trên khu vực chợ Cầu Muối, đối diện ngay với cổng Ty Cảnh sát đặc biệt quận Nhì Sài Gòn. Xung quanh khu vực quầy hàng tập trung nhiều cơ sở trọng yếu của Mỹ Ngụy.

Bọn lính hàng ngày tuần tra, canh gác chắc hẳn không thể không thuộc mặt người con gái có duyên bán hàng ấy. Nhưng chúng đâu ngờ những lúc cô đon đả chào mời khách, cũng là lúc cô thoăn thoắt cùng các đồng đội chuyển đi những thùng hàng ngụy trang chứa vũ khí, truyền đơn và nhiều phương tiện khác chuẩn bị cho đợt hai tổng tiến công sắp nổ ra.


Đợt hai Mậu Thân mở màn vào đêm 4/5/1968 bằng các loạt hỏa tiễn bắn vào các căn cứ lớn của địch. Đơn vị Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng ém quân ở những khu vực chiến sự xảy ra nóng bỏng nhất: Khu vực chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà thờ Nguyễn Cư Trinh, đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, hẻm 83 Đề Thám, cư xá Kiến Thiết giữa hai đường Cô Bắc - Cô Giang.

Vào 0 giờ ngày 5/5/1968, ngày thứ hai của đợt tiến công, các mũi quân của Tiểu đoàn đã chiếm lĩnh được các khu vực, bắt gom nhiều cảnh sát, nhân viên Ngụy quyền, dùng loa phóng thanh trấn áp địch và vận động nhân dân làm công sự chiến đấu, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Địch liên tục tăng quân hình thành thế bao vây, cuộc chiến đấu càng lúc càng ác liệt...


Ký ức của bà Lê Hồng Quân không bao giờ phai mờ về trận đánh cuối cùng của Tiểu đoàn Lê Thị Riêng diễn ra trong con hẻm 83 Đề Thám, trận đánh đã đi vào lịch sử. Đây là một con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, lắt léo, dễ vào, khó ra. Những ngôi nhà từng được đục thông tường, kết nối với nhau thành một khối chặt chẽ, là cơ sở hoàn hảo để quân biệt động biến hóa.

Ngày ấy, khu xóm này được gọi là xóm Việt Cộng. Bao nhiêu năm qua, người ta vẫn truyền tai nhau về những tấm lòng trung kiên, son sắt của các gia đình cơ sở mà lực lượng biệt động chọn làm nơi ém quân. Có gia đình lấy cả trang thờ làm nơi giấu vũ khí, lại có bà mẹ cho quân giải phóng mượn đứa con bé bỏng để ngụy trang.


Cuộc giằng co nóng bỏng trong con hẻm rộng chưa đầy một mét đã trở thành cuộc tử chiến khốc liệt khi địch liên tục tăng quân áp đảo. Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân quyết định lệnh cho anh em vượt vòng vây giặc rút khỏi địa bàn để bảo toàn lực lượng. Chỉ còn ba người tình nguyện ở lại để hút hỏa lực, đánh lạc hướng địch, trong đó có Lê Hồng Quân - người nữ chỉ huy của Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng.

Lúc ấy, bà Quân bị thương nát một cánh tay. Vì ngay từ lúc quyết tâm ở lại hút hỏa lực, bà đã xác định mình sẽ hy sinh. Để không còn bị vướng bận, bà tự mình cắt lìa cánh tay bị thương, băng bó qua loa rồi tiếp tục chiến đấu. Chỉ đến khi hết đạn và đuối sức vì mất máu, bà Quân mới chịu rơi vào tay giặc.

Để moi thông tin về lực lượng của ta, bọn địch đã tra tấn bà hết sức dã man, tàn khốc. Thế nhưng, người nữ chỉ huy ngoan cường ấy sẵn sàng đối diện với cái chết chứ nhất định không khai lấy nửa lời trong ròng rã suốt 7 năm trời…


Sau ngày giải phóng, Lê Hồng Quân may mắn sống sót trở về. Khi niềm vui hòa bình thống nhất chưa kịp lắng xuống thì bà lại tiếp tục với cuộc chiến đấu mới với chính bản thân mình, cuộc chiến đấu với những vết thương trên cơ thể từ những trận đòn thù. Không những thế, kể từ khi hòa bình lập lại, trong lòng người nữ chỉ huy Tiểu đoàn Biệt động năm xưa vẫn còn nhiều trăn trở, bà thấy mình như còn mắc nợ với quá khứ.

Thế cho nên, từ bao năm nay, bà Quân vẫn thường xuyên đi khắp mọi nơi để thăm hỏi, chăm lo cho gia đình đồng đội thời hậu chiến. Riêng bản thân mình, là thương binh ¼ nhưng bà vẫn tự lo nơi ở, tự lao động để kiếm sống và chăm sóc mẹ già - cũng chính là người đồng đội năm xưa. Hai mẹ con, hai người đồng chí, nay ở tuổi xế chiều, vẫn lại sát cánh bên nhau.






Theo Công lý
Bình luận
vtcnews.vn