Thông tin những chiếc xe ô tô Nga về Việt Nam đã khiến thị trường nóng lên. Việc thương hiệu xe Nga UAZ xuất hiện trong Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam 2016 vừa qua với 3 dòng xe chủ lực của hãng cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Ông Victor Rudakov, Giám đốc phụ trách thị trường Châu Á của UAZ cho biết: “UAZ là thương hiệu xe Nga không xa lạ với người Việt và việc chúng tôi có mặt tại đây, kết hợp với Auto K trong vai trò là nhà phân phối chính hãng, sẽ giúp người Việt Nam có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu kỹ hơn về ngành công nghiệp ô tô Nga thời kỳ mới, thông qua những mẫu xe của UAZ đại diện cho từng dòng xe cụ thể”.
Mặc dù còn nhận được những ý kiến trái chiều, thậm chí là nghi ngờ rằng những mẫu xe "U oát huyền thoại" liệu có thể trở lại và đứng vững ở thị trường Việt khi không có nhiều đổi mới cả trong thiết kế và công nghệ. Nhưng không phủ nhận rằng những chiếc xe Nga đầu tiên như UAZ Pick up, UAZ Patrio và chiếc UAZ Hunter trở lại thị trường Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng đã giành được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.
Hiện vẫn chưa biết mức giá sẽ bán ra thị trường của những mẫu xe này bởi những chiếc xe mới chỉ được đưa về để thăm dò thị trường. Nhưng rất có thể những chiếc xe Nga (không chỉ UAZ) tại Việt Nam sẽ có giá bán thấp hơn khi đang có lợi thế bởi sự "hậu thuẫn" của Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam vừa được ký kết giữa chính phủ 2 nước. Và Bộ Công Thương cũng vừa soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Nghị định vừa được ký kết này.
Theo đó, nhiều dòng xe ô tô Nga như KAMAZ, GAZ, UAZ có thể được nhập khẩu về với mức thuế suất 0% để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường, đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo VN – EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%.
Dù Thông tư hướng dẫn này chưa được ban hành nhưng một số nhà nhập khẩu được các hãng xe Nga chỉ định tại Việt Nam đã nhanh chân đưa về thị trường trong nước một số mẫu xe. Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo các mẫu xe sẽ lắp ráp trong nước.
Ông Tô Đình Lâm, Giám đốc AutoK chia sẻ: UAZ sẽ không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước qua diện nhập khẩu mà còn tiến tới lắp ráp ngay tại chỗ. Auto K đã phối hợp với Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (VinaMotor) với nhà máy sẵn có để hình thành liên doanh với đối tác Nga. Hiện phía Nga đã chuyển giao công nghệ dần sang Việt Nam và đào tạo cán bộ, nhân viên ngay tại chỗ.
Như vậy, ngành công nghiệp ô tô trong nước thời gian tới có thể sẽ được hưởng lợi từ Nghị định hợp tác khi có nhiều thương hiệu cam kết lắp ráp tại Việt Nam. Theo Nghị định mới, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Ngoài thị trường trong nước, các liên doanh còn nhắm đến việc sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á do ô tô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.
Thêm đó, tiêu chí tỷ lệ nội địa hóa với Nga phải đạt được vào năm 2020 là 25% đối với ô tô chuyên dụng, 30% đối với ô tô tải và ô tô thể thao tiện ích và 35% đối với ô tô chở từ 10 người rồi tiếp đó đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với ô tô chuyên dụng và ô tô thể thao tiện ích, 45% đối với ô tô tải và 50% đối với ô tô chở từ 10 người. Nếu một liên doanh không đạt được mức nội địa hóa đã cam kết nêu trên sau 10 năm thì liên doanh đó sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.
"Cuối năm nay, Vinamotor và Tập đoàn UAZ sẽ phải làm việc tích cực hơn để tăng tỷ lệ nội địa hóa dần trong các năm tiếp theo để phù hợp cam kết thương mại giữa hai nước”, ông Tô Đình Lâm cho biết thêm.
Bình luận