• Zalo

'Huyền thoại Thị Nở' tiết lộ mối tình đầu dang dở

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 05/07/2014 07:08:00 +07:00Google News

'Huyền thoại Thị Nở' - 'NSƯT Đức Lưu từng bị mối tình đầu tát 'nổ đom đóm mắt' làm vỡ nát cả rổ trứng trên tay...

NSƯT Đức Lưu từng bị mối tình đầu tát “nổ đom đóm mắt” làm vỡ nát cả rổ trứng trên tay...

Những ai từng xem bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (năm 1982) hẳn không thể quên cô Thị Nở vừa xấu, vừa ương ương, dở dở nhưng lại rất mộc mạc, chân thành trong tình yêu.

Vai diễn thành công ấy đã làm cho người đóng - NSƯT Đức Lưu “một bước thành sao” nhưng cũng vô tình đẩy sự nghiệp của bà vào “ngõ cụt” khi “cái bóng” của Thị Nở quá lớn.


Thậm chí, trong cuộc sống riêng, vai diễn này dường như cũng trở thành “cái duyên tiền định” của bà; 20 năm trước khi đóng vai “người phụ nữ xấu nhất màn ảnh” với cảnh quay bị Chí Phèo quát nạt làm rơi rổ cà chua, NSƯT Đức Lưu từng bị mối tình đầu tát “nổ đom đóm mắt” làm vỡ nát cả rổ trứng trên tay...

Tình đầu dang dở vì cái tát “nổ đom đóm mắt”

thị nở
Thị Nở trên phim và ngoài đời thực 
Khi tiếp nhận thông tin được gặp NSƯT Đức Lưu, tôi dự đoán cho mình những suy nghĩ mông lung. Bởi, Thị Nở ngoài đời khác với Thị Nở trên màn ảnh như thế nào mà sau khi vai diễn “nổi như cồn” ấy cũng là lúc sự nghiệp nghệ thuật của NSƯT Đức Lưu “chợt tắt”.

Đem thắc mắc hỏi chính nhân vật và có thời gian tiếp chuyện bà, tôi mới thực sự hiểu rằng, cái “duyên” với nghệ thuật của bà tuy khép lại nhưng dòng chảy nghệ sĩ trong lòng một người yêu nghệ thuật vẫn vẹn nguyên.


Sau vai diễn Thị Nở, bà phải từ bỏ nghiệp diễn, về Thành ủy Hà Nội làm ở ban Đối ngoại, giữ chức thư ký thường trực của Ủy ban Đoàn kết với các nước. Bà đã dằn vặt về điều đó, nhưng hơn ai hết bà hiểu, “cái bóng” của Thị Nở quá lớn.

Đã có lần bà ngỏ ý với đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn đóng vai mẹ của Đặng Thùy Trâm nhưng đạo diễn sợ khi bà “ló mặt” ra màn ảnh người ta lại bảo: “Ô Thị Nở” thì hỏng hết phim... Vai diễn Thị Nở tự nhiên khép lại con đường nghệ thuật của bà như thế.


“Thị Nở” trong phim “Làng vũ đại ngày ấy” đã được khai thác rất nhiều; NSƯT Đức Lưu cũng được người ta biết đến qua những bài báo viết về bà sau thành công của “vai diễn để đời”.

Thế nhưng, “Thị Nở” ngoài đời vẫn có nhiều điều chưa kể, đặc biệt là mối tình đầu đầy say mê nhưng cũng nhiều cay đắng với tác giả của bài thơ Đồng chí – nhà thơ Chính Hữu.


NSƯT Đức Lưu tên thật là Nguyễn Thị Đức Lưu (SN 1939) quê ở Tây Đằng, Quảng Oai (Ba Vì - Hà Tây cũ). Người con gái xứ Đoài mây trắng có làn da trắng nõn nà, đôi mắt lúng liếng, miệng cười duyên dáng ấy đã làm trái tim bao chàng trai loạn nhịp khi chỉ mới tuổi trăng tròn.

Sau một năm công tác ở Trung đoàn 151, bà được chuyển sang Đoàn ca múa II thuộc Tổng cục chính trị. Tại đây, bà gặp Đoàn trưởng, nhà thơ Chính Hữu; chính ông dìu dắt cô gái Đức Lưu trưởng thành và thấm nhuần lý tưởng cách mạng.

Và giữa họ nảy nở một tình yêu đẹp, trong sáng. Đôi “trai tài, gái sắc” say đắm nhau trong lửa đạn chiến tranh, cùng hứa hẹn về một mái ấm hạnh phúc.


Năm 1955, hai người hẹn nhau cùng về thủ đô Hà Nội chuẩn bị lễ thành hôn. NSƯT Đức Lưu đã chuẩn bị nửa chỉ vàng cho nhà thơ Chính Hữu làm quà tặng, mẹ bà cũng chuẩn bị thêu đôi gối cho hôn lễ mùa thu tới. Nhưng cuộc đời khó ai đoán định chữ “ngờ”, mà chính những người trong cuộc không thể lường trước.

Năm 1959, NSƯT Đức Lưu trúng tuyển vào trường Điện ảnh Việt Nam, lớp diễn xuất khóa I cùng các nghệ sĩ: NSND Trà Giang, Thụy Vân, Thế Anh,…

Trong đợt thực tập, bà cùng các diễn viên đi thực tế ở nông trường Rạng Đông (Nam Định). Là trưởng lớp diễn xuất khóa I nên ngày thứ bảy, chủ nhật bà phải ở lại đợi đến ngày thứ hai, cùng với ông Trung Tín (phát thanh viên của Đài phát thanh Việt Nam khi đó, học lớp diễn viên cùng khóa) ở lại xin giấy nhận xét của địa phương nên không về kịp gặp người yêu.


Chờ đợi sau thời gian xa nhau, những tưởng nỗi nhớ sẽ làm tác giả “Đồng chí” cuồng si hơn… nào ngờ, chiều thứ hai lên phòng Văn nghệ đưa đồ, tay đang ôm rổ trứng, rổ quà của địa phương gửi tặng thì bà bị một cái tát trái nổ “đom đóm mắt” từ chính người đàn ông mà mình đang nhớ nhung, mong ngóng.

Do bất ngờ, khiến rổ trứng và rổ quà rơi vung vãi, nghẹn ngào không biết chuyện gì xảy ra, bà vội lúi húi nhặt hết đồ vào rổ rồi chạy ra ngoài khóc tức tưởi. Đôi mắt lưng tròng, bà đi bộ hết đường Lý Nam Đế để về ký túc xá Cao Bá Quát, lòng không thôi uất hận và xấu hổ.

Sau đó một tuần, nhà văn Hữu Mai (lúc đó là Trưởng ban Văn nghệ) đã đứng lên thay mặt Chính Hữu bày tỏ lời xin lỗi và hàn gắn tình cảm. Nhà văn Hữu Mai đã xóa bỏ sự nghi ngờ của anh chàng cả ghen Chính Hữu. Hóa ra, hành động bộc phát của Chính Hữu khi đó là do… ghen, do nghi ngờ Đức Lưu và Trung Tín có quan hệ tình cảm.


Sau đó, tuy hiểu lầm được xóa bỏ nhưng cái tát “vô cớ” trở thành rạn nứt khó hàn gắn giữa hai người. Khi sự việc vỡ lở, bố NSƯT Đức Lưu lúc đó là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nam định bảo cô con gái: “Bây giờ Chính Hữu chưa lấy con, đã tát, đã ghen như vậy, lấy con về rồi con sẽ phải bỏ nghề. Con hãy xác định cho kỹ, một là lấy Chính Hữu, hai là bỏ nghề”.

Cuối cùng, bà chọn bỏ Chính Hữu để theo đuổi nghệ thuật. Mối tình đẹp khép lại, trong niềm tiếc nuối của bao người. Mấy năm sau, bà và Chính Hữu đều có con gửi ở một trường mầm non. Đó là lần duy nhất sau khi chia tay, bà gặp lại Chính Hữu. Do trời tối, lúc đó vào 6 -7 giờ tối nên bà đã đứng khuất bên cạnh bức tường để tránh cho ông nhìn thấy…


Hạnh phúc vững bền với nhà khoa học

thị nở
“Thị Nở” của thì hiện tại
Sau khi tình yêu đầu đổ vỡ, NSƯT Đức Lưu đã có một thời gian đau khổ tận cùng, nhưng rồi bà cũng lấy lại cân bằng. Bà vùi đầu vào công việc, tối đến tranh thủ học tiếng Anh tại Trường ĐH Tổng Hợp.

Chính những buổi tối học thêm đó, bà quen và đón nhận tình yêu của nhà khoa học, GS.TS Trần Hạ Phương – sau này là chồng của bà. Nhắc đến người chồng, bà tủm tỉm cười: “Ông ấy là cán bộ giảng dạy Trường ĐH Tổng hợp, ở tại Khu ký túc xá phố Lò Đúc.


Một lần, giữa sân trường, ông ấy mạnh dạn hỏi tôi: “Xin phép được đưa chị về nhà!”. Thời điểm đó, ông ấy mới ở Đức về, đi xe đạp. Vậy là hai người vừa trò chuyện, vừa đi dạo hết qua ĐH Tổng hợp rồi qua Ký túc xá Cao Bá Quát nơi tôi ở.

Buổi tối thứ 7, mà 4 lần dạo quanh Lò Đúc đến Cao Bá Quát rồi ngược lại, cứ người đưa về, người tiễn ngập ngừng giây phút chẳng muốn rời xa…”. NSƯT Đức Lưu cho biết, GS.TS Trần Hạ Phương là người hiền lành, ít nói nhưng trân trọng nghệ thuật, đặc biệt là những người nghệ sĩ – chiến sĩ như bà.


Kết thúc mối tình đầu dang dở với nhà thơ Chính Hữu, GS.TS Trần Hạ Phương là mối tình trọn vẹn nhất cuộc đời NSƯT Đức Lưu.

Hạnh phúc khi có người đàn ông luôn lắng nghe, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, bà đã vơi đi những tháng năm đau khổ, dằn vặt về mối tình đầu.

Đám cưới đặc biệt của bà diễn ra đúng ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11/1962 tại 57 Mã Mây. Bạn bè đến chung vui, mỗi người góp một câu chuyện vui vẻ, đám cưới diễn ra suốt 3 ngày liền.


Sống với nhau trọn vẹn 50 năm, tình cảm vợ chồng chẳng bao giờ có cãi vã, ông luôn bên cạnh động viên bà. Nâng niu tấm ảnh của người chồng chụp kỷ niệm buổi Họp mặt những người Việt Nam ra nước ngoài đầu tiên ở Liên Xô và Đức năm 1953, giọt nước mắt cảm động lăn dài trên má: “Chúng tôi chuẩn bị làm đám cưới vàng thì ông ấy đổ bệnh mất tại nhà năm 2012”.

Không chỉ là người đàn ông quan trọng trong cuộc đời NSƯT Đức Lưu, GS.TS Trần Hạ Phương còn là đức lang quân lãng mạn luôn cố vấn, giúp vợ thành công trong những vai diễn.

Vai cô Mận trong phim “Cô gái công trường”, vai vở kịch truyền hình “Đêm tháng bảy” và đặc biệt là vai Thị Nở của trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa.

Đáp lại ân tình của người chồng quá cố, bà vừa hoàn thành xong 2 tập bộ phim tài liệu về vùng quê Duy Xuyên (Quảng Nam) theo tâm nguyện trước khi mất của GS.TS Trần Hạ Phương.

Theo Gia đình và xã hội

Bình luận