• Zalo

Huyền thoại Nelson Mandela, chuyện bây giờ mới kể

Thế giớiThứ Sáu, 06/12/2013 08:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Từng bị kết tội phản quốc và ngồi tù khổ sai nhưng Nelson đã vượt qua tất cả, trở thành huyền thoại của Nam Phi và cả thế giới.

(VTC News) - Từng bị kết tội phản quốc và ngồi tù khổ sai nhưng Nelson đã vượt qua tất cả, trở thành huyền thoại của Nam Phi và cả thế giới.

Những năm tháng đầu đời

Mandela sinh năm 1918 trong bộ tộc Thembu nói tiếng Xhosa tại một làng nhỏ nằm ở miền Tây của tỉnh Cape, Nam Phi. Tại quê hương mình, Mandela thường được gọi với tên mà bộ tộc đặt cho anh, Madiba, còn Nelson là tên tiếng Anh mà khi đi học, cô giáo đã chọn cho ông.

Bố Mandela là thành viên hội đồng cơ mật của Hoàng gia Thembu, người có công đưa Jongintaba Dalindyebo lên ngôi quốc vương Thembu. Dalindyebo sau này đã trả ơn ông bằng cách nhận nuôi Mandela sau khi Mphakanyiswa qua đời vào năm Mandela mới 9 tuổi.

Theo phong tục của người Thembu, ông được thụ giáo lúc 16 tuổi, rồi đi học Học viện Clarkebury Boarding. Để chuẩn bị thừa kế vị trí thành viên Hội đồng Cơ mật của cha mình, năm 1937, Mandela chuyển đến trường Healdtown, ngôi trường tại Fort Beaufort, nơi hầu hết con cháu hoàng tộc Thembu đều đi học.

Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã qua đời ở tuổi 95 sau khoảng thời gian dài chiến đấu với bệnh viêm phổi 

Sau đó, ông đậu vào học bằng Cử nhân tại Trường Đại học Fort Hare. Cuối năm thứ nhất, Mandela tham gia vào vụ tẩy chay của Hội sinh viên nhằm chống lại quy định của trường đại học, và bị buộc phải rời trường Fort Hare.

Năm 1941, Mandela 23 tuổi, đã chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân bị sắp xếp. Ông đến Johannesburg, xin làm tập sự ở một công ty luật. Khi làm việc tại hãng Witkin, Sidelsky và Edelman, Mandela đã hoàn tất tấm bằng Cử nhân hàm thụ của Trường Đại học Nam Phi.

Hai năm sau, ông học luật tại Trường Đại học Witwatersrand, nơi được tiếp xúc với tự do, với những tư tưởng cấp tiến cũng như nuôi dưỡng đam mê hoạt động chính trị, chống lại phân biệt chủng tộc. Cũng trong năm đó, Mandela gia nhập Đảng Quốc đại (ANC).

Vụ bắt giữ bí ẩn và án tù chung thân

Ngày 5/8/1962, trên con đường dốc thoải dẫn ra khỏi thị trấn Howick, Nam Phi, một chiếc xe Ford V-8 với đầy đủ cảnh sát chặn đường và ra hiệu dừng lại với chiếc xe chở người da đen cao lớn mặc chiếc áo khoác trắng. Đây là điều bình thường trong thời kỳ Apartheid, tuy nhiên điều đáng nói là người da đen kia đang ở ở ghế hành khách chứ không phải lái xe.

Người đàn ông cao lớn đó chính là Nelson Mandela và đó cũng là ngày kết thúc giai đoạn ẩn náu kéo dài suốt 17 tháng của ông để hoạt động ngầm chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid của Nelson và Hội đồng quốc gia châu Phi ANC do ông lãnh đạo.

nelson
Đám đông vây quanh xe cảnh sát chở ông Nelson đến tòa án để luận tội 'phản quốc' năm 1956 

Denis Goldberg, một nhà hoạt động chính trị Nam Phi, đồng thời cũng là bị cáo bị kết án trong phiên tòa xét xử Nelson năm 1964 cho biết, ông tin rằng, các điệp viên CIA đã biết được tung tích của Nelson tại thành phố Durban và đưa ra lời "hướng dẫn" cho cảnh sát Nam Phi khi đó.

Theo Denis, cộng đồng tình báo khi đó rất thân thiết, ông nói: “Tất cả bọn họ đều biết và uống với nhau nhiều lần”.

Để có được những thông tin về nơi lẩn trốn của Nelson, nhiều người tin rằng CIA đã mua chuộc được người thân tín của ông và khiến người đó phản bội.

Nhiều năm sau đó, các phương tiện truyền thông đã rộ lên thông tin về một nhà ngoại giao ở lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Durban đã ba hoa về thành tích "chỉ điểm" cho cảnh sát bắt Nelson trong một bữa tiệc khi đã ngà ngà say.

nelson mandela
Năm 1964, sau 8 tháng xét xử, ông Nelson bị kết tội phá hoại đời sống nhân dân và nhận án tù chung thân 

Sau khi bị bắt, một thẩm phán đã kết tội Nelson 5 năm tù, 3 năm vì tội kích động đình công (trong những cuộc biểu tình hòa bình của ANC) và 2 năm vì tội xâm nhập Nam Phi trái phép (ông về nước mà không có hộ chiếu).

Sau đó, tới năm 1964, Nelson cùng 7 người khác lại bị đem ra xét xử 1 lần nữa với tội danh phá hoại đời sống và một số hành vi khác, khi đó ông phải nhận án chung thân.

Tiếp theo đó là quá trình 27 năm ngồi tù của Nelson như một tù nhân chính trị đầy tôn kính. Đây chính là khoảng thời gian thay đổi nhiều thứ, nhất là nhận thức của Nelson và những đồng chí của mình về việc làm cách mạng.

Huyền thoại chống phân biệt chủng tộc

Ngày ra tù, ông chậm rãi rời khỏi đám người cuồng nhiệt đang ngày một đông lên, Nelson Mandela di chuyển tới City Hall để có những lời phát biểu đầu tiên.

“Các đồng chí và đồng bào nhân dân Nam Phi, tôi chào đón tất cả các bạn nhân danh hòa bình, dân chủ và tự do. Tôi đứng đây trước các bạn không phải là một nhà tiên tri, mà như một người đầy tớ khiêm tốn của mọi người. Ngày nay, đa số người dân Nam Phi, đen và trắng, đều nhận ra rằng nạn phân biệt chủng tộc không thể có tương lai. Nó phải được kết thúc bằng những hành động quyết liệt. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu cho sự tự do này rồi”.

Nelson Mandela cùng vợ thứ hai, Winnie khi mới ra tù ngày 11/2/1990 

Sau khi nói chuyện chừng 30 phút, Mandela từ biệt mọi người. Dù ông rất muốn hưởng đêm tự do đầu tiên sau 27 năm giữa những người da đen, nhưng vì lý do an toàn, ông được chuyển tới nhà của tổng giám mục.

Cũng trong đêm hôm đó, sự quá khích của những người da đen tại Nam Phi đã dẫn tới rất nhiều cuộc đụng độ bạo lực giữa họ với cảnh sát.

Ngày đầu tiên sau khi ra tù của Nelson Mandela đã diễn ra như thế. Nó là điểm khởi đầu cho một chuỗi những cuộc đàm phán dai dẳng giữa Chính phủ của Tổng thống de Klerk và Hội đồng quốc gia châu Phi, ANC.

nelsonmandela
Nelson nhảy trên sân khấu khi công bố chiến thắng của ông và ANC ngày 2/5/1994 ở Johannesburg 

Mọi chuyện chỉ thực sự kết thúc khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên dành cho tất cả mọi người dân Nam Phi, cả da đen và da trắng diễn ra vào năm 1994.

Đúng như câu ông từng nói tại một phiên tòa xét xử: “Tôi đã ấp ủ những lý tưởng của một xã hội dân chủ và tự do, trong đó tất cả mọi người sống hòa thuận và bình đẳng. Đó là một lý tưởng mà tôi sống vì nó và sẵn sàng chết vì lý tưởng ấy”.

Mandela không chết vì lý tưởng ấy nhưng lời tuyên bố hùng hồn năm nào vẫn được cựu Tổng thống Nam Phi thực hiện cho đến tận cuối đời.

Tùng Đinh(Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn