Tối 9/12, huyện Mê Linh (Hà Nội) tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng công nhận “Huyện Mê Linh, TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công bố điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 của Thủ tướng cho cán bộ và nhân dân huyện Mê Linh. UBND TP Hà Nội cũng công bố quyết định công nhận Điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng, biểu dương những kết quả đạt được của huyện Mê Linh, đồng thời, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra phương hướng: Xây dựng nông thôn mới của thành phố theo hướng sản xuất nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là những định hướng quan trọng để Thủ đô Hà Nội nói chung, huyện Mê Linh nói riêng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Cũng theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, cùng với huyện Đông Anh và Sóc Sơn, huyện Mê Linh được định hướng theo hướng phát triển đô thị và trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Điều này sẽ mở ra cho huyện Mê Linh những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Để thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Mê Linh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, huyện cần khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ, công nghiệp và thương mại dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị huyện Mê Linh tập trung ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế; từng bước xây dựng “Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”. Tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn huyện; đầu tư và phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm nhất là Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng xứng tầm với điều kiện và lợi thế của huyện, từng bước tạo nguồn thu và tăng thu nhập cho người dân…
Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao; coi xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc nhằm hướng tới mục tiêu chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…
Báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mê Linh đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Năm 2010, huyện Mê Linh bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 1/19 tiêu chí (an ninh trật tự). Sau hơn 10 năm, huyện đã bố trí và huy động hơn 5.777 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một cách hiệu quả. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và diện mạo quê hương có nhiều thay đổi ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp. Sản xuất nông nghiệp được đặc biệt coi trọng theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Huyện đã hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả đến hết năm 2022, toàn huyện có 75 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao…
Về xây dựng nông thôn mới, đến nay 16/16 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí; huyện đạt 9/9 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến hết năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2010). Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 96,77%. Toàn huyện chỉ còn 20 hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố, chiếm tỷ lệ 0,03%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao…
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm khẳng định, sẽ sớm triển khai các chương trình, kế hoạch để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Mê Linh, qua đó hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị được Thành phố giao.
Bình luận