"Tôi đến từ một miền quê nhỏ tại Việt Nam. Đại học Stanford là ước mơ quá lớn của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể đạt được điều đó. Lần đầu nộp hồ sơ, trường đã từ chối tôi. Vì vậy, tôi quyết định viết sách để có kinh phí đi du lịch. Tôi đi du lịch trong 3 năm và viết về những câu chuyện, những con người tôi đã gặp. Cuối cùng tôi đã được Stanford đồng ý trong lần nộp hồ sơ thứ 2".
Đó là những dòng tâm sự Huyền Chip - tác giả cuốn Xách ba lô lên và đi được fanpage ĐH Kỹ thuật Stanford, Mỹ chia sẻ lại.
Theo đó, Huyền Chip kể lại những khó khăn cô bạn gặp phải trước và khi đã "chạm tay vào ước mơ Stanford".
Huyền tâm sự, cô sợ nói chuyện trước đám đông bởi chưa từng học một lớp tiếng Anh bài bản nào mà chỉ sử dụng vốn từ bản thân có được từ những chuyến đi.
"Lớp 'Thuyết trình trước công chúng' ENGR103 đã giúp tôi giảm bớt nỗi sợ này. Giảng viên và các trợ giảng rất tâm lý khi tạo ra bầu không khí khiến mọi người cảm thấy việc mắc lỗi là bình thường.
Tôi nhận ra mình không phải là người duy nhất lo lắng khi nói trước đám đông và có nhiều cách để cải thiện điều đó. Những buổi thực hành trong lớp thuyết trình này giúp tôi cảm thấy tự tin khi nói chuyện trước mặt mọi người trong lớp và trong nhiều tình huống khác ngoài cuộc sống", Huyền Chip viết.
Những dòng tâm sự của cô bạn sinh viên Việt Nam nhanh chóng gây chú ý và được nhiều người đồng cảm, trong đó có cả những sinh viên quốc tế. Nickname Rich Pekar bình luận: "Tôi tự hào vì bạn. Stanford là một ngôi trường tuyệt vời. Chúc bạn may mắn với nghề mình đã chọn".
"Bạn là một trong những người tuyệt nhất mà tôi biết", Laurence Moroney bày tỏ trước những dòng tâm sự của Huyền Chip.
Một thành viên có tên Arijit Das còn mong muốn được nghe nhiều tâm sự của những sinh viên quốc tế khác để có thể thấu hiểu nhiều hơn những khó khăn và cảm nhận của những sinh viên tại Stanford.
Khi đọc những dòng chia sẻ của Huyền, một số sinh viên khác cho hay, họ cũng từng gặp vấn đề tương tự mà cô bạn gặp phải. Tahid Ahmed nói: "Được học tập tại ngôi trường này là ước mơ từ nhỏ của tôi. Tôi học tập chăm chỉ và đang chuẩn bị rất kỹ cho mình những kĩ năng để vượt qua thử thách. Cảm ơn bạn vì những chia sẻ này".
Chia sẻ với iOne khi đọc được câu chuyện trên, anh Phạm Thành Thái, tiến sĩ tốt nghiệp tại ĐH Stanford cho biết, những khó khăn Huyền Chip kể không chỉ có sinh viên Việt Nam mà những bạn sinh viên ở nhiều nước khác cũng phải đối mặt khi học tập tại đây. "Huyền đề cập tới vấn đề mà nhiều du học sinh gặp phải khi học tập tại Stanford nên những dòng tâm sự này theo tôi mang một hiệu ứng tích cực với nhiều du học sinh, không chỉ tại Việt Nam", tiến sĩ Thành Thái chia sẻ.
Cũng theo vị tiến sĩ trẻ tuổi được Forbes Việt Nam vinh danh (30 under 30) năm 2017, chia sẻ của nữ du học sinh Việt gây được hiệu ứng tốt bởi tạo được sự đồng cảm và động viên mọi người gặp phải tình huống tương tự. Những du học sinh khác sẽ lấy đó làm động lực để có thể vượt qua được như những gì Huyền đã làm.
Trong khi những post khác tại fanpage này chỉ thu hút vài trăm lượt like, chia sẻ của Huyền Chip khiến hơn 3,2 nghìn người ấn nút like và có 681 người chia sẻ cùng hàng trăm sinh viên quốc tế bình luận.
Huyền Chip (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, 28 tuổi). Cô là đại diện của trào lưu người trẻ Việt Nam muốn khám phá thế giới với những chuyến đi. Huyền là tác giả của 2 cuốn sách kể về hành trình du ký của mình mang tên Châu Á là nhà. Đừng khóc và Đừng chết ở Châu Phi.
Huyền Chip cũng chính là cái tên được nhiều người nhắc đến khi tranh luận về tính xác thực của những thông tin trong sách cô viết. Sau những ồn ào về việc này, cuối tháng 3/2014, cô gái 9x nhận tin trúng tuyển ĐH Stanford và lên đường đi du học.
Video: Du học sinh tiết lộ những góc khuất khi du học ở Mỹ
Bình luận