• Zalo

Hủy quyết định xem xét kỷ luật 13 cán bộ sau 10 ngày: Bộ GD&ĐT cẩu thả, thiếu minh bạch

Giáo dụcThứ Tư, 11/09/2019 20:01:00 +07:00Google News

Theo chuyên gia, việc công bố và thu hồi thông báo xem xét kỷ luật 13 cán bộ của Bộ GD&ĐT thể hiện sự cẩu thả, gây ảnh hưởng uy tín cán bộ.

Bộ GD&ĐT ngày 9/9 hủy bỏ quyết định về việc thành lập Hội đồng kỷ luật công chức và Thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức đối với 13 công chức của Bộ GD&ĐT liên quan đến vụ gian lận thi cử 2018, để thực hiện quy trình xem xét trách nhiệm theo đúng yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Quyết định trên đưa ra chỉ sau 10 ngày Bộ này có văn bản về việc xem xét kỷ luật công chức có liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Các cán bộ của Bộ GD&ĐT đưa vào xem xét gồm nhiều vụ trưởng, cục trưởng, chánh thanh tra. Sự việc này đặt dấu hỏi lớn về công tác tổ chức và ra quyết định của Bộ.

Trao đổi với PV VTC News trước sự việc này, TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng: "Sự việc xảy ra là do bộ phận tổ chức không chuyên nghiệp, họ làm như vậy thì đương sự đương nhiên sẽ phản ứng".

Theo ông Khuyến, quy trình xem xét, xử lý kỷ luật được diễn ra như sau: Sau khi thông báo tới những người có liên quan tới vụ việc, cần phải thông báo tiếp tới đơn vị trực tiếp quản lý và tiến hành kiểm điểm xong có hai vòng: Một vòng đơn vị cơ sở là cấp vụ. Tại đây, các đương sự sẽ được kiểm điểm xem họ có liên quan hay không. Tiếp theo, vòng thứ hai liên quan đến Đảng (Chi bộ) xem xét kiểm điểm, tự phê bình.

Tiếp đến, những người có liên quan sẽ được đưa ra xem xét tại Hội đồng xem xét kỷ luật để cân nhắc xem ai là người có thiếu sót và ai không dựa vào bản tự kiểm điểm các đương sự đưa ra. Sau đó mới trình lên và có quyết định kỷ luật.

thong-bao-xem-xet-ky-luat-bo-giao-duc-va-dao-tao

Thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức.

"Làm như thế này, người ta cũng tự ái. Có những người không có liên quan gì, lại đưa họ vào danh sách, họ không biết mình có tội gì nên họ sẽ phản ứng lại. Rõ ràng, phải thu hồi văn bản này lại. Quy trình sai thì phải làm lại cho đúng.

Chắc chắn sẽ có người bị kiểm điểm, sẽ có người bị kỷ luật, nhưng phải làm sao để cuối cùng người ta tâm phục khẩu phục", ông Khuyến nhận định.

Còn theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc đưa ra và thu hồi lại văn bản chỉ trong 10 ngày thể hiện sự thiếu thận trọng, thiếu minh bạch, tự làm mất uy tín của Bộ GD&ĐT. Đứng về phương diện quản lý nhà nước, ông Nhĩ cho rằng, trước khi đưa ra bất cứ văn bản, quyết định nào cũng cần phải nghiên cứu cho chín chắn, thấu đáo, sau đó mới có quyết định.

"Bản thân người quản lý không nắm chắc vấn đề mới dẫn đến việc như vậy. Ngoài ra, việc này còn thể hiện sự cẩu thả, thiếu tính minh bạch. Bên cạnh đó, sự việc này cũng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí là bôi nhọ những người có tên liên quan khi chưa xem xét xong đã bị công khai danh tính", ông Nhĩ cho hay.

69885569_729505564155982_3707139298567389184_n

Bộ Giáo dục và Đào Tạo. 

Trong quyết định ngày 30/8 nêu rõ, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng, trung cấp các nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy đã xảy ra tiêu cực và gian lận thi cử trong việc tổ chức chấm thi ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Qua những sai phạm xảy ra ở 3 địa phương, Bộ nhận thấy còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Căn cứ quy định tại khoản 1, điều 3 và khoản 2, điều 6 nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thông báo xem xét kỷ luật đối với 13 người. Thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại điều 7, nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Theo Bộ GD&ĐT, thời điểm vi phạm là tháng 6/2018, thời điểm phát hiện vi phạm là 29/7/2019.

Theo thông tin của Người Lao Động, ngày 29/8, tập thể lãnh đạo thanh tra đã họp về việc xem xét, tập hợp các ý kiến của công chức cơ quan thanh tra về việc xem xét kỷ luật trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Tại cuộc họp này, có nhiều ý kiến như không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào của văn bản nào. Ngoài ra, thủ tục xem xét của Hội đồng kỷ luật đã không tổ chức, xác minh, đánh giá theo trình tự, thủ tục quy định về xem xét, kỷ luật tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

Về trách nhiệm chung, cơ quan Bộ có 13 công chức bị xem xét kỷ luật của 5 đơn vị thuộc Bộ, trong đó thanh tra có 6 người. Vậy có phải thanh tra là cơ quan có hành vi vi phạm chủ yếu hay không? Đồng thời đề nghị huỷ bỏ quyết định số 2450/QĐ-BGD-ĐT ngày 21/8/2019.

Tập thể thanh tra thống nhất ý kiến cho rằng việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng, song đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương.

Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm.

Tập thể lãnh đạo Thanh tra kết luận cho rằng việc ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21/8/2019 và các văn bản liên quan đến 6 công chức cơ quan Thanh tra là không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến cơ quan Thanh tra và cá nhân các công chức này.

Thanh tra giáo dục cũng đề nghị Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tổ chức rà soát kỹ đối với trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm (nếu có) đúng quy định.

Hạ Vũ
Bình luận
vtcnews.vn