• Zalo

Nên loại bỏ ngay tư duy huy động vàng trong dân thông qua ‘vàng giấy’

Kinh tếThứ Hai, 24/07/2017 07:49:00 +07:00Google News

Tín tệ, hay còn gọi là giấy chứng nhận gửi vàng trong ngân hàng, trước đây người ta dùng để đảm bảo cho lưu thông tiền tệ dễ dàng, nay nó lại có thể sắp quay trở lại nhưng cùng với đó là nỗi lo về sự ‘lợi bất cập hại’ của loại hình này.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hà, giảng viên Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp Việt – Hung đã gửi cho VTC News bài viết, trong đó phân tích những bất cập có thể gặp phải khi ý tưởng sử dụng hình thức tín tệ (hay còn gọi là giấy chứng nhận vàng) nhằm huy động nguồn lực vàng trong dân đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây:

Video: Tiến sĩ Lưu Bích Hồ nói về bất cập trong chính sách huy động vàng thông qua "vàng giấy"

Trước đây, có một thời gian dài nền kinh tế các quốc gia phải sử dụng vàng để làm tiền trong lưu thông, điều này có nghĩa rằng đi đâu ai đó cũng phải dắt trong mình một ít vàng để chi tiêu.

Tuy nhiên, hạn chế của vàng là khó có thể chia nhỏ để mua những thứ rẻ tiền như mớ rau, bó đũa và số lượng vàng cũng rất hạn chế trên trái đất. Vì vậy, vàng đã phải nhường chỗ cho tín tệ để làm tiền lưu thông trong các nền kinh tế.

Tín tệ là giấy chứng nhận gửi vàng trong ngân hàng, vì vậy bản chất của nó vẫn là vàng. Người dân có quyền mua đi bán lại tín tệ hoặc đổi ra vàng khi không muốn cầm tín tệ.

huydongvang

Việc sử dụng loại hình tín tệ để huy động vàng có thể khó khả thi.

Có đề xuất cho rằng nên huy động vàng trong dân qua vàng giấy. Khi đó, người dân sẽ thay vì giữ vàng trong nhà thì sẽ giữ chứng chỉ vàng hay còn gọi là giấy chứng nhận mình có một lượng vàng. Điều này có nên không khi vàng giấy cũng không khác gì một loại tín tệ như đã nói ở trên?

Vàng giấy khi được đưa vào lưu thông thì nó cũng được mua đi, bán lại như vàng, như vậy vẫn tạo ra hiện tượng vàng hóa.

Phát hành vàng giấy thì giải pháp cho nó kèm theo là gì? Người cầm vàng giấy có được lãi không? Và nhận lại vàng khi muốn thì với giá bao nhiêu? Nếu không có lãi và khó nhận lại vàng khi muốn thì điều này là không khả thi.

Một vấn đề nữa là khi phát hành vàng giấy thì liệu người dân họ có muốn đổi ra vàng giấy không? Điều này cũng không dễ dàng gì cả khi những người nắm giữ nhiều vàng thì họ lại thường là những người đầu cơ, thành phần có địa vị, tiền bạc, họ cũng muốn cầm vàng để đầu cơ hoặc giữ giá trị.

Những người gọi là nhân dân thực sự thì họ lại có rất ít vàng và họ rất muốn cầm vàng vì họ không thực sự tin tưởng vào đồng nội tệ VND.

Vàng một khi được huy động về sẽ làm tăng dự trữ quốc gia, thông qua đó giúp nhà nước nâng cao khả năng bình ổn tỷ giá, giúp làm đảm bảo cho các khoản nợ của nhà nước và thanh toán nợ đối với quốc gia khác.

Nếu vàng dùng làm vật đảm bảo cho các khoản nợ mới để làm tăng nguồn vốn để phát triển kinh tế thì chúng ta còn phải xem là việc vay nợ mới sử dụng hiệu quả đến đâu. Thực tế, nhiều nguồn ngân sách hình thành từ vay nợ chưa đạt hiệu quả cao hoặc gây thất thoát, lãng phí. Nếu điều này xảy ra, áp lực trả nợ càng cao, nguy cơ dẫn tới khủng hoảng nợ công khi nợ công của Việt Nam đang ở mức khá cao.

Chưa kể đến việc phát hành vàng giấy gây tốn kém nguồn ngân sách nhà nước, nguy cơ dẫn đến hiện tượng vàng giấy giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách trên.

Giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là làm thế nào để ổn định được giá trị đồng nội tệ, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nhà nước cần có các giải pháp tuyên truyền nhằm thay đổi tâm lý găm giữ vàng của người dân. Khi đó thì người dân sẽ dần tự bỏ vàng để nắm giữ tài sản khác có giá trị gia tăng về kinh tế hơn.

Vì vậy, hãy loại bỏ tư duy huy động vàng ra khỏi đầu và thay vào đó, chúng ta nên nghĩ ra các chính sách kinh tế tốt để ổn định kinh tế vĩ mô và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ khi có chính sách tốt thì kinh tế mới mạnh được.

Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hà
Bình luận
vtcnews.vn