Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho biết rất ủng hộ việc huy động vàng trong nhân dân.
- Trong kỳ họp thứ 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trả lời chất vấn Quốc hội về vấn đề huy động vàng trong nhân dân nhưng dường như vẫn chưa hiệu quả. Tại sao lại khó huy động vàng trong nhân dân đến thế, thưa ông?
Bất kỳ một quốc gia nào cũng vậy, điều quan trọng là phải có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực của đất nước trong đó có nguồn lực công và ngoài nguồn lực công (nguồn lực trong nhân dân gồm tiền bạc, tài sản, thậm chí của để dành như vàng hay tài sản có giá trị khác) bởi đó là quy luật tất yếu của phát triển kinh tế.
Nếu nền kinh tế của chúng ta đang cần nhu cầu lớn về vốn để đầu tư và phát triển mà lại chỉ để dành trong đó thì không mang lại nhiều ý nghĩa, chỉ để dự phòng cho rủi ro, bất trắc.
Câu chuyện đặt ra bây giờ là phải có cơ chế chính sách để huy động được người dân yên tâm đầu tư. Theo tôi, có việc trực tiếp là cơ chế chính sách, nhưng lâu dài và bền vững thì người dân phải tin tưởng vào nền kinh tế ổn định. Người ta cảm thấy ít gặp rủi ro bất trắc, người dân cảm thấy một xã hội an toàn về pháp lý, an toàn trong cuộc sống hàng ngày thì người ta sẽ đầu tư.
- An toàn trong trường hợp này là gì, thưa ông?
An toàn ở đây còn có nghĩa là trong trường hợp người dân gặp rủi ro thì cũng có chính sách hỗ trợ. Người ta không cần và chưa cần dùng đến tiết kiệm dự phòng để tự lo cho mình. Điều đó rất đáng suy nghĩ theo hướng đó. Nếu chỉ nghĩ theo hướng tăng lãi suất thì chỉ có thể giải pháp trong thời gian ngắn hạn.
- Như ông nói thì người dân có tâm lý lo lắng vì những chính sách của chúng ta dẫn tới việc huy động vàng trong nhân dân chưa hiệu quả?
Rõ ràng là như vậy. Câu chuyện đơn giản là tại sao người ta cứ phải để dành. Người ta không để dành thì cái gì sẽ xảy ra. Nếu trả lời được hai câu hỏi này thì câu chuyện về huy động vàng hay huy động rất nhiều thứ khác trong nhân dân để phát triển đất nước thì không có gì khó khăn.
- Trước đây, câu chuyện là huy động người dân mua công trái chính phủ, sau một thời gian, người dân bán lại không còn mấy giá trị. Phải chăng đó cũng là điều khiến người dân khó đưa ra quyết định?
Chúng ta cần làm sao để người dân không còn tâm lý phòng thân nữa, người dân không cần để dành nữa
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình)
Đúng là như vậy, nhưng hiện nay chúng ta đã hoàn thiện chính sách pháp luật rồi. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ hay nguồn huy động khác thông qua tổ chức tín dụng thì đã làm rất tốt.
Chỉ còn câu chuyện mà chúng ta phải trả lời cho được là câu hỏi tại sao cứ phải để dành một ít trong gia đình để làm gì. Đề phòng thôi, phòng khi cơ nhỡ, phòng khi bất trắc. Người Việt Nam gọi đó là phòng thân.
Bây giờ, chúng ta cần làm sao để người dân không còn tâm lý phòng thân nữa, người dân không cần để dành nữa. Gặp trường hợp rủi ro, người ta đều có phương án để dễ dàng vượt qua.
Ví dụ như bảo hiểm, một người có bảo hiểm y tế rồi, có bảo hiểm xã hội rồi thì người ta cũng không lo ốm đau bị bỏ rơi, không lo hết tuổi lao động không có gì ăn mặc hàng ngày. Một ví dụ như vậy cho thấy tâm lý găm giữ để phòng thân thân đã được xã hội chia sẻ rồi.
- Ông vừa nhắc đến vấn đề bảo hiểm, phải chăng nếu người dân được huy động gửi vàng thì sẽ phải có bảo hiểm cho người dân?
Đó sẽ là chính sách ngắn hạn như lãi suất, bảo hiểm rủi ro trong quá trình gửi giữ và cũng rất cần thiết để người dân cảm thấy yên tâm khi gửi tài sản vào đó. Việc này hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, việc quan trọng phải là an toàn trong kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng nữa.
- Nếu chính sách huy động vàng, tiền trong nhân dân được đưa ra thì phải chăng quan chức Chính phủ, Quốc hội phải nêu gương làm trước để người dân thấy được kết quả và làm sau?
Điều này thuộc về phạm trù đạo đức. Tôi hoàn toàn có thể hoan nghênh chuyện này. Trước đây, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần có các cuộc vận động như vậy.
Cán bộ đảng viên, công chức, viên chức mua công trái, trái phiếu Chính phủ, bằng hình thức nào đó, không vì mục tiêu đầu tư mà vì mục tiêu thắt lưng buộc bụng để phát triển đất nước. Phạm trù này cũng có thể sẽ được áp dụng.
Tôi cho rằng quan chức Chính phủ, Quốc hội làm thì rất tốt, rất thuyết phục. Các lãnh đạo gắn việc này với việc thực hiện nghị quyết Trung ương về nêu gương thì thực sự hết sức ý nghĩa.
- Nếu có cuộc vận động huy động vàng trong nhân dân, là đại biểu quốc hội, ông có tham gia không?
Đương nhiên, nếu mình có khoản tiết kiệm như vậy thì tôi cũng không ngại ngần gì trong việc đóng góp, vừa ích nước vừa lợi nhà.
- Khi huy động vàng trong dân, mục tiêu chúng ta hướng tới không phải cụ thể chỉ về mục tiêu kinh tế mà còn nhiều hơn thế, thưa ông?
Đó là ý thức và trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng đất nước nhưng chỉ khi nào chính sách thuyết phục người dân rằng việc đó là tốt, cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận