Sau khi một chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỉ USD, là tiềm năng lớn, mà chưa được huy động hết, thì vấn đề huy động vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế được “xới” lại.
Đây không phải là lần đầu tiên việc huy động tiền vàng trong dân được đặt ra mà vẫn “rập rình” nhiều năm nay, song chưa thấy có giải pháp khả thi.
Chắc chắn đây là vấn đề không dễ. Lướt qua ý kiến người dân trên mạng xã hội, báo chí, có thể thấy ngay chủ trương này chưa có một ý kiến nào đồng thuận. Bởi bất kỳ ai cũng đều thấm sâu câu nói “đồng tiền liền khúc ruột” nên không dễ gì trao cho người khác mà không có những đảm bảo. Những bài học từ quá khứ trong lĩnh vực này vẫn là những “cành cây cong” cho những “con chim gãy cánh”.
Đó là câu chuyện về những người cho vay cả khối tài sản trị giá hàng chục cây vàng, nhưng khi lấy về không mua nổi bát phở. Là những lá phiếu công trái mua lúc lương 200.000-300.000đ/tháng, sau mất giá trầm trọng, khiến tờ công trái thành tiền lẻ, chả ai thèm mất công ra ngân hàng đổi nữa, nên có lúc, nhiều người đi mua lại tờ công trái rao khắp nơi như mua lông gà lông vịt.
Điều đó cho thấy, muốn huy động được vốn trong dân, trước hết phải mang đến cho người dân niềm tin chắc chắn. Khi trao đi những tài sản quý giá, người ta được lợi gì và cho dù hy sinh đến mấy, dù không đòi lãi suất lợi nhuận, thì chí ít, cũng phải còn nguyên gốc.
Nhưng những gì đã xảy ra khiến người dân thật khó an tâm khi chủ trương, chính sách không nhất quán, giá cả không ổn định, nhất là người thực thi chính sách còn hạn chế cả về tầm nhìn, chuyên môn lẫn cái tâm nên khi chính sách có thay đổi, chỉ người dân là thiệt. Vì thế, liệu có ai dũng cảm mang tiền vàng thật để rồi không biết có lấy được về nguyên vẹn hay không, thậm chí nhận về “tiền, vàng giấy”?
Khi trao đi những tài sản quý giá, người ta được lợi gì và cho dù hy sinh đến mấy, dù không đòi lãi suất lợi nhuận, thì chí ít, cũng phải còn nguyên gốc.
Bên cạnh chính sách thiếu nhất quán theo chiều hướng thiệt thòi luôn “dành” cho “khổ chủ”, thì vấn đề nợ công, tham nhũng cũng khiến người dân khó có thể yên tâm để cho Nhà nước huy động.
Khi huy động vốn trong dân, liệu các cán bộ Nhà nước có gương mẫu đi trước hay lại chỉ là “hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm”? Việc họ tham gia vào việc huy động vốn của Chính phủ sẽ vừa chứng tỏ họ gương mẫu, tiền của họ làm ra minh bạch, vừa cho người dân thấy niềm tin của họ vào chính sách.
Bởi các vị là những người cầm nắm chính sách nên sẽ biết được các chính sách đó có ổn định hay “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”? Chỉ khi nào những người cầm nắm chính sách cũng thật sự tin vào chính sách thì người dân mới đủ niềm tin.
Lại nữa, các cán bộ cũng biết rõ thực lực của các doanh nghiệp được thụ hưởng nguồn tiền mà Nhà nước huy động, rằng đó là những người giỏi quản lý, hay chỉ là sân sau của “ai đó”? Mà các doanh nghiệp “sân sau” rất dễ “chết” vì họ thường dùng chiêu bài “cáo mượn oai hùm” để giẫm đạp lên pháp luật và họ có thể bị “sờ gáy” bất cứ lúc nào.
Những doanh nghiệp “sân sau” đã và đang “chết” đều là những bài học nhãn tiền. Tiền của mồ hôi nước mắt, tài sản gia đình mà trao vào những doanh nghiệp này thì khác gì “gửi trứng cho ác”? Vì thế, nếu cán bộ cũng góp tiền nhàn rỗi, sẽ chứng minh họ tin tưởng vào những đơn vị được lựa chọn để phát triển kinh tế đất nước.
Người dân từng rất nhiệt tình với phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” trong chiến tranh, bởi họ có niềm tin những gì họ bỏ ra được sử dụng đúng mục đích. Còn giờ đây, sau những vụ án kinh tế hàng nghìn tỉ đồng, thì ai cũng rõ, con đường đi của đồng tiền – nhất là khi đã trở thành của công – thì quanh co, khó đoán định quá!
Do vậy, muốn huy động được vốn trong dân, đòi hỏi Nhà nước phải có các chính sách quản lý tiền vàng, tài sản cá nhân minh bạch, rõ ràng và ổn định. Phải bảo toàn được vốn cho người dân, đồng thời, mang lại cho họ mức lợi nhuận xứng đáng.
Khi có những bất hợp lý trong chính sách cần nhanh chóng sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân. Bởi nói là tiền “nhàn rỗi”, nhưng thực ra, chẳng có tiền nào nhàn rỗi cả mà có thể nằm đó để sẵn sàng “đổi” sang một tài sản phù hợp và có giá trị ổn định.
Đặc biệt, nếu Nhà nước có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế phù hợp, thì người dân sẽ tự bỏ vốn ra đầu tư các dự án kinh tế thì đó cũng chính là cách huy động vốn thiết thực mà cả Nhà nước và người dân đều cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn là huy động vốn.
Bình luận