Từ đêm 10/8 bão số 2 sẽ gây mưa to gió lớn cho ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình
Sáng 10/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để lên phương án ứng phó với bão số 2 (bão Mulan). Cuộc do ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT chủ trì.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, theo số liệu từ hệ thống quan trắc, nhận định cường độ bão số 2 mạnh nhất trong sáng 10/8 có thể lên tới đầu cấp 9.
Ông Khiêm nhận định: "Bão số 2 sau khi đi lên phía Bắc sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ, trực tiếp ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc của Việt Nam trong đêm nay và sáng mai. Cường độ của bão mạnh nhất có thể ở cuối cấp 8, đầu cấp 9 và duy trì trong khoảng 6-12h tới. Sau khi bão vào Vịnh Bắc Bộ vào chiều tối nay, bão vẫn ở cường độ cấp 8, khi vào khu vực phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ cường độ bão bắt đầu suy giảm. Khi bão cập bờ sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới".
Theo ông Khiêm, bão số 2 sẽ gây ảnh hưởng cho khu vực Bắc Biển Đông với gió mạnh cấp 6-7, vùng tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng cao từ 4-6m. Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ khả năng chiều tối và đêm nay gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, sóng biển từ 2-4m, biển động mạnh.
"Nhận định ban đầu bão số 2 sẽ đi vào khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Hải Phòng. Nhưng khu vực ven biển Thái Bình - Nam Định, thậm chí khu vực ven biển Ninh Bình cũng có thể chịu ảnh hưởng của gió giật của bão. Do ảnh hưởng của bão, đêm nay đến sáng mai (11/8), ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, Thái Bình - Ninh Bình, nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.Với khả năng gió như vậy, ông Khiêm lưu ý các khu vực nuôi trồng thủy sản lớn, khu du lịch ở Quảng Ninh cần có biện pháp phòng, tránh để hạn chế thiệt hại. Chúng tôi đề nghị Ban Chỉ đạo quan tâm đến hoạt động của 2 sân bay Cát Bi và Vân Đồn. Với dự báo như hiện nay, từ đêm nay và sáng mai, sân bay Vân Đồn sẽ chịu ảnh hưởng của gió mạnh, gió giật và mưa; sân bay Cát Bi chịu ảnh hưởng gió giật mạnh và mưa", ông Khiêm nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa sẽ xuất hiện từ hôm nay đến ngày 12/8, nhưng tập trung nhiều từ đêm nay cho hết ngày 11/8. Theo dự báo, tổng lượng mưa đợt này phổ biến trên 100-200mm, cục bộ tại một số nơi do tương tác địa hình mưa có thể lên tới trên 250mm. Sau ngày 12/8, bão đi vào đất liền vùng mưa sẽ dịch chuyển sang phía Tây, do đó, khu vực các tỉnh Tây Bắc sẽ có mưa, mưa to.
"Các địa phương cũng cần lưu ý tới các sông, suối nhỏ ở Thanh Hóa, lũ có thể lên mức báo động 1; các tỉnh phía Bắc cần lưu ý khu vực sườn dốc có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét", ông Khiêm lưu ý.
Huy động 400.000 người, hơn 2.300 phương tiện, 15 máy bay ứng phó với bão số 2
Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ độ Biên phòng cho biết, tính đến 6h30 sáng 10/8, hầu hết các tàu thuyền đều ra khỏi vùng nguy hiểm của bão số 2 (đã hướng dẫn 52.249 tàu/228.960 người chủ động di chuyển phòng tránh bão. Ngày 9/8 các lực lượng cứu nạn đã tiếp cận, lai dắt 3 tàu bị nạn về nơi an toàn: HT 20408 TS/05LĐ, QB 98215 TS/05LĐ, QB 98196 TS/02LĐ (tàu QB 98196 TS hiện đang trên đường lai dắt về Quy Nhơn, Bình Định). Cứu được 9 ngư dân của 2 tàu bị chìm: QB 93206 TS/08LĐ và QB 98084 TS/01LĐ).
Từ đêm 10/8 đơn vị này sẽ yêu cầu các đơn vị từ Quảng Ninh đến Ninh Bình bắn pháo hiệu cảnh báo cho các phương tiện hoạt động ven bờ, ngư dân nuôi trồng thủy sản ven bờ biết với cơn bão số 2.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết, để ứng phó với báo, số lượng người ứng trực là hơn 400.000 người, trong đó, bộ đội là hơn 50.000 người, dân quân tự vệ là hơn 362.000 người.
"Ngoài ra chúng tôi đã huy động hơn 2.300 phương tiện các loại, trong đó 127 xe đặc chủng, 8 máy bay của không quân, 7 máy bay của Binh đoàn 18, để sẵn sàng ứng phó với bão số 2", đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN cho hay.
Phát biểu tổng kết cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết, theo nhận định bão số 2 diễn biến phức tạp, gây mưa lớn ở nhiều khu vực. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Các địa phương triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển; tùy theo diễn biến thực tế của bão tại địa phương để chủ động tổ chức cấm biển./.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, mưa, lốc sét từ ngày 8/8 đã làm 2 người chết (1 người tại Ninh Bình do sét đánh và 1 người tại Bến Tre do điện giật); 2 nhà bị sập (Bến Tre), 8 nhà tốc mái, hư hỏng (Bình Thuận, Bến Tre); 2.396 ha lúa, hoa màu bị ngập và thiệt hại (Gia Lai, Bến Tre); 5 trụ điện bị gãy đổ, 1 điểm trường bị tốc mái.
Bình luận