Tại các đại hội thể thao, trong đó có cả Olympic, huy chương vàng là tiêu chí chính để xếp hạng thứ tự các quốc gia. Dù sở hữu rất nhiều huy chương bạc hay đồng nhưng lại thiếu vắng vàng, quốc gia đó vẫn đứng sau 1 nước khác “khát” huy chương bạc, đồng nhưng đã có huy chương vàng.
Chính vì vậy, huy chương vàng có giá trị vượt trội so với bạc hay đồng. Trên thực tế, giá thành một tấm huy chương vàng chỉ đạt hơn 569 USD nhưng khi được cộng thêm vinh quang của vận động viên, giá huy chương vàng đã tăng vọt lên hàng triệu USD.
Huy chương vàng chỉ 569 USD
Olympic Rio 2016 đã khởi tranh và mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Người Việt Nam cũng đã vỡ òa cảm xúc trước chiến thắng ngoạn mục để giành huy chương vàng Olympic đầu tiên cho Việt Nam của vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh.
Có thể thấy, giá trị của một tấm huy chương vàng là rất lớn. Nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra chính là giá trị thực của một tấm huy chương là bao nhiêu. Chắc chắn nó sẽ không quá lớn vì vàng thật chiếm tỷ trọng rất ít trong đó.
Tại Thế vận hội Olympic 2016, Brazilian Mint là đơn vị chế tác huy chương. Theo Victor Hugo Criado Berbert, giám đốc sản xuất huy chương Olympic tiết lộ vàng chỉ chiếm tỷ lệ 1,2% trọng lượng một tấm huy chương vàng.
Tiết lộ với Kitco News hồi tháng 7, Victor Hugo Criado Berbert cho biết một tấm huy chương vàng được làm từ 494g bạc và chỉ có 6g vàng. Tuy nhiên, tấm huy chương này trông vẫn bóng láng và sáng chói nhờ lớp mạ vàng được bổ sung vào cuối quy trình đúc.
Trong khi đó, huy chương bạc có tới 92,5% bạc nguyên chất. Huy chương đồng gồm 475g đồng nguyên chất, 25g kẽm nguyên chất. Berbert cho biết một tấm huy chương tại Olympic Rio 201 nặng 500g, nặng hơn một tấm huy chương tại Olympic London 2012 khoảng 100g.
Với mức giá hiện tại (giá vàng khoảng 43,04 USD/g, giá bạc khoảng 0,63 USD/g), một tấm huy chương vàng có giá thành 569,46 USD, tấm huy chương bạc có giá 315 USD.
Để làm ra 5.130 tấm huy chương cho mùa Thế vận hội này, một nhóm gần 100 người bao gồm cả các nhà điêu khắc và các công nhân đã làm việc ngày đêm bên trong nhà máy đúc tiền của Brazil tại thành phố Casa da Moeda do Brazil.
Tổng cộng, họ đã sử dụng 172 ounce vàng để sản xuất 812 huy chương vàng; hơn 1,6 tấn bạc để sản xuất huy chương vàng và 812 huy chương bạc. Tổng trị giá vàng là 230.000 USD và bạc là 1 triệu USD.
Giá tăng vọt lên triệu USD
Một tấm huy chương vàng được trao không chỉ có giá trị vật chất mà còn chứa đựng giá trị tinh thần, nơi bao mồ hôi, nước mắt và hoài bão của vận động viên được chứng minh. Một vận động viên càng nổi tiếng, giá trị thị trường của tấm huy chương càng cao.
Mới đây, một tấm huy chương vàng Olympic 1904 của bộ môn golf được rao bán với giá 40.000 USD. Vào năm 2004, vận động viên người Ba Lan Otylia Jedrzejczak đã đấu giá tấm huy chương vàng mà mình giành được trong Olympic Athens với giá 82.599 USD. Số tiền này gửi tới một quỹ từ thiện cho trẻ em mắc bệnh bạch cầu Ba Lan.
Tháng 7 năm nay, Jim Craig gây xôn xao khi quyết định đấu giá tấm huy chương vàng mà ông đạt được trong năm 1980 ở vị trí thủ môn của đội “Phép màu”. Trong phiên đấu giá, có lúc kỷ niệm này được chào mua với mức giá 611.000 USD nhưng cuối cùng phiên đấu giá thành công ở mức 137.849,16 USD.
Huy chương của Jim Craig là tấm thứ 3 trong đội “Phép màu” được bán đấu giá. Trong năm 2010, tấm huy chương của Mark Wells được bán cho nhà sưu tập cá nhân với giá 262.900 USD trong năm 2014.
Có rất nhiều tấm huy chương vàng Olympic được mang đi đấu giá, thu về số tiền khổng lồ nhưng chưa tấm nào vượt qua được kỷ lục 1,46 triệu USD của tấm huy chương vàng do vận động viên Jesse Owens đạt được tại Thế vận hội Berlin 1936.
Chiếc huy chương đội khúc côn cầu Mỹ năm 1980 dự kiến bán được từ 1,5 đến 2 triệu USD nhưng đã không thành công. Vì vậy, 1,46 triệu USD là mức giá cao nhất cho một tấm huy chương vàng Olympic tính tới thời điểm này.
Video: Tiền thưởng huy chương vàng Olympic của Singapore gấp 100 lần Việt Nam
Bình luận