Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3

Tin tứcThứ Sáu, 24/03/2023 14:00:00 +07:00
(VTC News) -

Ngày 24/3, Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình chống lao Quốc gia phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”.

Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các đối tác trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia cho biết, Ngày Thế giới phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội, đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao 2023 trên toàn cầu là “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO).

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 - 1

 Quang cảnh buổi Lễ Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3.

Trên cơ sở chủ đề của thế giới, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam 2023 là “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”, đây là một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao.

Theo ông Đinh Văn Lượng, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới. Cũng không nằm ngoài bối cảnh chung trên thế giới, 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 - 2

Ông Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.

Ông Đinh Văn Lượng nhấn mạnh, chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật kế hoạch chiến lược phòng chống lao Quốc gia và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Tại buổi lễ, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO tại Việt Nam) chia sẻ, trải qua nhiều thập kỷ, bệnh lao đã gây ra tác động to lớn đối với gia đình, cộng đồng và hệ thống y tế trên toàn thế giới.

Năm 2011 trên thế giới, ước tính có 1,1 triệu ca Lao mắc mới và khoảng 120,000 ca tử vong do lao, số mắc và tử vong này vượt xa đối với một căn bệnh mà chúng ta đã biết cách dự phòng và điều trị.

Trong khi cả thế giới đang đối mặt với thách thức, Việt Nam đã tạo nên những bước tiến vững chắc nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Theo bà Angela Pratt, Việt Nam thực hiện một loạt chính sách quan trọng để đạt được tiến bộ này, bao gồm: đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho điều trị, thông qua việc chuyển đổi thanh toán thuốc chống lao sang nguồn bảo hiểm y tế, để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc.

Đồng thời, phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 - 3

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO tại Việt Nam) phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Kết thúc bài phát biểu, bà Angela Pratt kêu gọi mọi người hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2023. Đây được coi là “năm của hy vọng” để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao, đồng thời cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn vào việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.

Đỗ Tươi
Bình luận
vtcnews.vn