• Zalo

Hướng dẫn cách làm sạch tai an toàn

Gia đìnhThứ Sáu, 13/09/2024 16:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc làm sạch tai tưởng rất đơn giản nhưng nếu không được thực hiện đúng cách, những vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng, tổn thương màng nhĩ... có thể xuất hiện.

Việc làm sạch tai là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cá nhân. Đôi tai cần được bảo vệ đúng cách để thính lực và sức khỏe được duy trì ở trạng thái tốt nhất. Nếu không biết cách làm sạch tai an toàn, bạn có thể gây nguy hiểm cho đôi tai chính mình và người thân trong gia đình.

Cách làm sạch tai an toàn

Cách an toàn nhất để loại bỏ ráy tai là đến gặp bác sỹ chuyên khoa. Trong trường hợp ráy tai quá cứng hoặc nằm quá sâu bên trong, nếu tự làm, chỉ cần không cẩn thận, bạn có thể làm trầy xước niêm mạc ống tai ngoài, gây chảy máu khi lấy ráy ra, hoặc đẩy ráy ngược vào bên trong.

Bạn có biết cách làm sạch tai an toàn? (Ảnh: Smartparents)

Bạn có biết cách làm sạch tai an toàn? (Ảnh: Smartparents)

Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp bình thường, bạn vẫn có thể tự lấy ráy tai ở nhà nhưng phải thật cẩn thận. Dưới đây là những cách làm sạch tai an toàn tại nhà được giới chuyên môn khuyến cáo và bạn có thể tham khảo.

Dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch làm sạch tai

Nước muối sinh lý hoặc các dung dịch làm sạch tai chuyên dụng giúp loại bỏ ráy tai một cách an toàn và hiệu quả để. Bạn có thể mua các sản phẩm này tại hiệu thuốc.

Bạn cần nghiêng đầu, để một bên tai hướng lên trên rồi nhỏ vài giọt dung dịch làm sạch vào tai, để yên trong vài phút, sau đó nghiêng đầu sang bên đối diện để dung dịch và ráy tai chảy ra ngoài. Lau sạch phần dung dịch chảy ra bằng khăn mềm.

Phương pháp này nhẹ nhàng, không gây đau và giúp làm mềm ráy tai để chúng tự chảy ra ngoài. Bạn cần lưu ý tuân theo đúng chỉ dẫn và liều dùng đối với từng loại dung dịch cụ thể. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng khó chịu thì nên đến gặp bác sỹ để kiểm tra.

Cách làm sạch tai an toàn sẽ giúp bạn lấy ráy tai ra ngoài mà không ảnh hưởng  đến thính lực. (Ảnh: Interhearing)

Cách làm sạch tai an toàn sẽ giúp bạn lấy ráy tai ra ngoài mà không ảnh hưởng  đến thính lực. (Ảnh: Interhearing)

Dùng khăn mềm và nước ấm

Dùng khăn mềm và nước ấm là cách đơn giản để làm sạch phần bên ngoài của tai. Bạn chỉ cần nhúng khăn vào nước ấm, vắt khô rồi nhẹ nhàng lau sạch vùng tai ngoài. Không nên đưa khăn hoặc bất kỳ vật dụng nào vào sâu trong ống tai.

Những điều cần tránh khi làm sạch tai

Việc làm sạch tai sai cách có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho đôi tai của bạn. Dưới đây là những điều bạn cần tránh khi làm sạch tai tại nhà

Sử dụng bông ngoáy tai

Mặc dù nhiều người thường xuyên sử dụng bông ngoáy tai để làm sạch, cách này không được các chuyên gia y tế khuyến khích. Bông ngoáy tai có thể đẩy ráy tai sâu hơn vào trong, gây tắc nghẽn hoặc làm tổn thương màng nhĩ. Nếu sử dụng lực quá mạnh, bạn còn có thể làm trầy xước hoặc chảy máu ống tai.

Dùng các vật sắc nhọn

Dùng các vật sắc nhọn như kẹp tóc, que diêm hoặc móng tay để lấy ráy tai là hành động nguy hiểm, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho ống tai và màng nhĩ, dẫn đến nhiễm trùng hoặc mất thính lực.

Tự rửa tai khi nhiễm trùng hoặc bất thường

Nếu bạn có các triệu chứng như đau tai, ngứa, chảy dịch hoặc nghe kém, hãy đến gặp bác sỹ tai mũi họng thay vì tự ý làm sạch tai. Việc tự rửa tai trong những trường hợp này có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặc dù trong phần lớn các trường hợp, ráy tai có thể tự thoát ra ngoài hoặc được làm sạch nhẹ nhàng tại nhà, nhưng có những lúc bạn cần đến sự can thiệp của bác sỹ. Nếu bạn cảm thấy tai bị tắc nghẽn, nghe không rõ, đau tai dữ dội, sốt, chảy mủ hoặc mất thính lực, hãy đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được bác sỹ hỗ trợ. 

NGUYỆT ÁNH(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn