Ngày 8/12, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh vừa phê duyệt chủ trương xây dựng trường Mầm non Hương Sơ (giai đoạn 1) ở phường Hương Sơ (TP Huế). Dự án này nhằm đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ học tập, sinh hoạt cho con em các hộ dân tái định cư thuộc diện di dời đợt 1 tại khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Tổng mức đầu tư được duyệt là 21,123 tỷ đồng. Công trình sẽ được thực hiện trong 2 năm.
Công trình trường mầm non Hương Sơ được xây dựng trên diện tích đất quy hoạch 8.466 m2; các hạng mục thuộc giai đoạn 1 của dự án gồm: San nền khu đất quy hoạch; xây dựng mới khối nhà học tập cao 2 tầng, bố trí 4 phòng học, vệ sinh khép kín, không gian sinh hoạt chung trong nhà, khu đón tiếp;
Xây dựng mới khối nhà hành chính quản trị, phòng học chức năng, kết hợp khu nhà bếp ăn; mua sắm các thiết bị đồ dùng, đồ chơi phục vụ sinh hoạt, học tập cho các cháu theo tiêu chuẩn và các hạng mục khác như; sân vườn, cây xanh, nhà cầu nối theo tiêu chuẩn...
Dự án giải phóng mặt bằng và di dời dân cư khu vực I di tích Kinh thành Huế là dự án trọng điểm, được Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước quan tâm và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đặc biệt là người dân đang sinh sống tại khu vực I di tích Kinh thành Huế.
Việc quan tâm, giải quyết điều kiện học tập cho con em các hộ khi di dời đến định cư tại nơi ở mới là giải pháp vừa bức thiết vừa chiến lược lâu dài, đồng bộ cùng các giải pháp tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống mới, học sinh học tập thuận lợi.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP.Huế.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở…
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong giai đoạn 1 của đề án, kinh phí chi trả cho dân là 1.880 tỷ đồng, chi phí xây dựng tái định cư và xây dựng thiết chế xã hội khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng 1.000 tỷ đồng tỉnh chịu trách nhiệm vay, nhưng tiền chi trả cho dân thì tỉnh không kham nổi, vì quá lớn so với khả năng ngân sách địa phương. Trong khi đó, hiện Chính phủ mới bố trí từ nguồn ngân sách Trung ương 100/1.880 tỷ đồng trong 3 năm.
Bình luận