Theo đó, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác liên kết du lịch bền vững giữa các Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam dưới sự hỗ trợ của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội”, do Liên minh Châu Âu tài trợ, ngày 27/2, lãnh đạo cao cấp các địa phương đã có cuộc họp quan trọng nhằm phát triển Du lịch có Trách nhiệm ở Việt Nam dựa trên các nguyên tắc môi trường và xã hội đã và đang được các địa phương theo đuổi.
Các địa phương miền Trung hướng đến phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm với môi trường
Phát biểu khai mạc phiên họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Ba tỉnh duyên hải miền Trung được xác định là một khu vực trọng điểm phát triển du lịch của cả nước trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Mô hình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam được cụ thể hóa sẽ là một trong những ví dụ tốt về mô hình quản lý điểm đến liên tỉnh, hướng tới hiệu quả cao và đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững”.
Cuộc họp là cơ hội để các đơn vị trong ngành du lịch ngồi lại với nhau nhằm hình thành định hướng cho các mục tiêu có trách nhiệm mà không làm ảnh hưởng tới môi trường vốn có đặc thù riêng và dễ bị tổn thương, cũng như sự toàn vẹn của nền văn hóa.
Các hoạt động được hỗ trợ kỹ thuật của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, bà Berenice Muraille, Trưởng ban Hợp tác và Phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá: “Việt Nam đang cạnh tranh với nhiều điểm đến có sức hấp dẫn tương đương tại các nước láng giềng. Do đó, điều quan trọng là phải có những biện pháp mang tính quyết định để tăng cường tính cạnh tranh. Tổ chức quản lý điểm đến đã chứng tỏ tầm quan trọng trong việc hỗ trợ du lịch phát triển, đặc biệt tại các điểm đến đang phát triển nơi mà du lịch đóng vai trò động lực cho nền kinh tế như tại khu vực duyên hải miền Trung.
Liên minh Châu Âu tin rằng phương pháp tiếp cận vùng được cải thiện sẽ khuyến khích du khách ở lại lâu hơn và sẽ còn quay lại. Tuy nhiên, để đạt được điều này thì Tổ chức quản lý điểm đến cần có sự hợp tác thật sự và thực chất giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Cải thiện mối quan hệ hợp tác này là một thách thức và là điều chúng tôi hy vọng sẽ đạt được với sự hỗ trợ của Dự án EU”.
Được biết, trong năm 2014, Dự án EU sẽ ưu tiên trong việc thiết lập diễn đàn tư vấn cho việc quản lý điểm đến. Ngoài ra, một loạt các hoạt động khác cũng được Dự án triển khai hỗ trợ các tỉnh như khảo sát nhu cầu khách du lịch; nghiên cứu về sản phẩm du lịch vùng để từ đó phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm; nghiên cứu xây dựng thương hiệu du lịch và tiếp thị du lịch vùng; cải thiện và phát triển quan hệ đối thoại công - tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Mô hình hợp tác liên kết phát triển du lịch tại khu vực duyên hải miền Trung là mô hình thứ hai nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án sau khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Trong tháng 3 và tháng 4/2014, Dự án EU sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại khu vực Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh) và đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ).
Du khách sẽ được thụ hưởng môi trường du lịch an toàn và bền vững khi các hợp tác liên kết phát triển du lịch được thực thi
Kết thúc phiên họp, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch, tạo cơ sở để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch của từng địa phương và thúc đẩy tăng trưởng du lịch của khu vực một cách bền vững.
Bình luận