Những con số biết nói
Trao đổi với PV VTC News, ông Bùi Hoàng Minh - Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay trên toàn tỉnh triển khai, lắp đặt và đưa vào hoạt động 642 camera, tích hợp tới 27 giải pháp về trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phục vụ nhiều mặt đời sống nhân dân, xã hội.
Các nhóm giải pháp trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong camera AI sẽ tập trung để giải quyết các vấn đề “nóng” như giao thông, trật tự đô thị, an ninh và môi trường.
Trong đó, nhóm giải pháp về giao thông, hệ thống camera AI sẽ tập trung xử lý vi phạm tín hiệu đèn giao thông, đi sai làn đường quy định, đi vào đường cấm, nhận diện biển số và truy vết lộ trình xe, cảnh báo kẹt xe, phát hiện nhận diện xe quá khổ quá tải, đồng thời cảnh báo xe truy nã, biển số “đen”, đo đếm lưu lượng xe, cảnh báo ùn tắc giao thông, kẹt xe...
Với nhóm giải pháp về trật tự đô thị, hệ thống camera AI cũng sẽ giúp cảnh báo đậu đỗ sai quy định; buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.
Riêng với nhóm giải pháp về an ninh, công nghệ mới sẽ giúp nhận diện khuôn mặt; phát hiện xâm nhập tại các cơ quan đơn vị, phát hiện đám đông và cảnh báo. Với nhóm môi trường, hệ thống camera AI tại các hồ đập sẽ giám sát mực nước và cảnh báo ngập lụt, tự động phát hiện và cảnh báo cháy rừng; cảnh báo hành vi xả rác…
Quá trình triển khai, hệ thống camera AI đã phát huy được sức mạnh của công nghệ, đem đến hiệu quả rõ rệt trong công tác quản lý, thực thi của chính quyền số.
Theo đó, hệ thống ghi nhận hơn 35.000 trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt trên 4 tỷ đồng, qua đó góp phần nâng cao ý thức người dân trong tham gia giao thông. Không chỉ vậy, hệ thống camera AI còn giúp thống kê lưu lượng giao thông hỗ trợ cho công tác quy hoạch giao thông, cảnh báo ùn tắc giao thông đến người dân, giúp cho việc lưu thông của người dân được dễ dàng hơn.
Về an ninh trật tự, hệ thống camera AI đã giúp công an truy vết hơn 400 vụ án có biểu hiện yếu tố hình sự trên địa bàn tỉnh. Thông qua hệ thống camera AI, đã đang hình thành nên công cụ hỗ trợ nghiệp vụ cho lực lượng công an trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với đó, thông qua việc quản lý, phát hiện từ hệ thống cũng giúp nhận diện danh sách “đen”, danh sách vi phạm, hỗ trợ phát hiện kịp thời các đối tượng gây án liên tỉnh và cảnh báo tới cơ quan chức năng khi các đối tượng xuất hiện trên địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian sớm nhất.
Trong công tác phòng chống thiên tai, hệ thống camera AI giúp các cơ quan chức năng phát hiện, ghi nhận gần 2.000 trường hợp nghi cháy, 122 vụ cháy rừng, 255 vụ đốt rơm rạ.
Các camera kết nối cũng được đầu tư lắp đặt tại các hồ đập trên địa bàn tỉnh với hơn 30 camera AI nhằm phục vụ công tác giám sát trong mùa mưa bão. Điều này sẽ đặc biệt thuận lợi cho cơ quan chức năng cập nhật thường xuyên hình ảnh, diễn biến các khu vực “nóng” gồm các con sông lớn, các tuyến đường vào mùa mưa bão và kịp thời thông báo, cảnh báo cho người dân các điểm ngập lụt.
Chuyển đổi số bài bản, dài hơi, hướng tới đô thị thông minh
Theo ông Bùi Hoàng Minh, mô hình camera AI sau khi hoạt động đã giúp các cơ quan, đơn vị của tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi công vụ và góp phần tinh giản biên chế một cách hiệu quả. Hệ thống cũng đáp ứng được những nhu cầu cần thiết của người dân và đang tiếp tục được phát triển, tích hợp thêm các công nghệ AI tiên tiến mới nhất trong thời gian tới.
Trước mắt, nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương vẫn tiếp tục đòi hỏi mở rộng nhiều hơn nữa hệ thống camera AI để phục vụ một số lĩnh vực đặc thù như công tác phòng chống thiên tai, ngập lụt, báo cháy và vột số vị trí công việc đột xuất đòi hỏi tính cơ động, sử dụng trong thời gian ngắn như phục vụ chỉ đạo điều hành, giám sát an ninh tại các khu vực điểm nóng như ổ dịch, khu gây mất trật tự, đểm tập kết rác.
Cơ quan quản lý cũng đang thiếu các camera cơ động lắp đặt trên các xe phục vụ công tác giám sát tại các điểm nóng vi phạm giao thông, ô nhiễm môi trường để phát hình ảnh trực tiếp tại hiện trường phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Về những hạn chế, khó khăn này, tỉnh sẽ từng bước khắc phục trong thời gian tới để đạt được hiệu quả tốt nhất, phục vụ cho chính quyền số và người dân được tối ưu.
Được biết, hiện tại, Thừa Thiên Huế đang tiếp tục hợp tác với đối tác để lắp đặt thêm các camera, mục tiêu là có 1500 trên phạm vi toàn tỉnh để phục vụ giám sát, phát hiện các vi phạm, giải quyết phản ánh của người dân tốt hơn.
Là tỉnh dẫn đầu trong chuyển đổi số của cả nước, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cũng như Chỉ số chuyển đổi số (DTI). Trong năm 2022, Thừa Thiên Huế xếp thứ 6 về chỉ số PCI, thứ 5 về chỉ số PAPI và hai năm liền xếp thứ 2 trong chỉ số DTI.
Để đạt được kết quả ấn tượng trên, Tỉnh ủy và các cấp chính quyền Thừa Thiên Huế thực hiện một chương trình bài bản, dài hơi - đầu tư mạnh mẽ cho chuyển đổi số, hướng tới việc trở thành một trong những đô thị thông minh đầu tiên trên cả nước.
Cùng với sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của chính quyền địa phương, hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số đã được triển khai, trong đó có những quyết sách liên quan đến triển khai hệ thống camera giám sát từ rất sớm.
Với hệ thống camera AI, dữ liệu sẽ được thu thập, lưu trữ và xử lý theo nguyên tắc: Xây dựng nguồn dữ liệu; lưu trữ chuẩn hóa; vận hành chia sẻ; kết nối thu thập; tạo ra giá trị.
Quá trình thực hiện, các nguyên tắc được tuân thủ đảm bảo các yêu cầu cơ bản: Người dân phải có quyền tiếp cận nguồn dữ liệu chính thống; được hưởng các tiện ích và có quyền tham gia vào quá trình tương tác công khai; có quyền được hỏi ý kiến về các quyết định liên quan; cơ chế giám sát phải được thực hiện công khai để đảm bảo tính minh bạch; dữ liệu thu thập từ hệ thống camera phải tạo ra giá trị thực.
Bên cạnh đó, các yếu tố đồng bộ cũng được đặc biệt quan tâm để đảm bảo sự hiệu quả và liên kết trong việc ứng dụng hệ thống camera AI phục vụ các mặt đời sống xã hội. Thực tế, ngay từ thời điểm 2019, với việc triển khai Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S), tỉnh cũng tạo ra một công cụ số không chỉ để quản lý các hoạt động hành chính, trật tự xã hội cho chính quyền mà còn là kênh kết nối đắc lực cho người dân tới các cơ quan quản lý.
Đây là ứng dụng dùng chung cho cả chính quyền tỉnh, công an và doanh nghiệp, cũng là nền tảng mà người dân có thể tương tác trực tiếp, phản ánh các vụ việc tại hiện trường. Thông qua ứng dụng Hue-S, cùng với dữ liệu thu thập từ hệ thống camera AI, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế (IOC) sẽ tiếp nhận thông tin sau đó chuyển thông tin đến các đơn vị, cơ quan liên quan để xử lý.
Theo lãnh đạo sở TT&TT Huế, hiệu quả lớn nhất của việc chuyển đổi số tại Thừa Thiên Huế nói chung và việc áp dụng hệ thống camera AI là thay đổi nhận thức về thông tin giữa các cơ quan tham gia, tạo ra một quy trình làm việc có thể khắc phục những hạn chế hành chính thông thường, giảm bớt áp lực nhân sự và kết nối người dân với chính quyền một cách thuận tiện, minh bạch.
Việc triển khai thành công hệ thống camera AI tại Thừa Thiên Huế cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc chuyển đổi số tại các địa phương. Không chỉ việc các cơ quan quản lý nhanh chóng tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình chuyển đổi số, người dân cũng đón nhận những chuyển biến này ngày một tốt hơn.
Các ứng dụng chuyển đổi số đang dần trở thành cầu nối đắc lực, giúp phản ánh được các yêu cầu, nguyện vọng của người dân tới cơ quan chức năng. Ngược lại, cơ quan quản lý cũng có thể truyền tải các chủ trương, chính sách tới người dân một cách tốt hơn. Việc phản ánh 2 chiều và các hiệu quả thực thi, ứng dụng trong đời sống thực tiễn chính là cách thuyết phục hiệu quả nhất để người dân cùng đồng lòng trong quá trình chuyển đổi số.
Camera AI - thiết bị trọng tâm của chuyển đổi số và đô thị thông minh
Thực tế hiện nay, không chỉ ở Huế, nhiều địa phương, nhiều bộ ngành và cả các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong cả nước cũng đã đang thành công tích hợp camera AI trong các ứng dụng, hệ thống số hóa phục vụ công tác điều hành, quản lý...
Camera AI đang được xem là thiết yếu của thành phố thông minh khi đáp ứng các nhu cầu về giám sát và quản lý tại các cửa hàng thương mại; cải thiện hiệu quả kinh doanh, gia tăng trải nghiệm khách hàng; giám sát, đảm bảo an ninh trên khắp các khu vực của đô thị…
Xác định được tầm quan trọng của công nghệ này với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trước đó, ngày 3/2/2021, Thủ tướng đã ký Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" với mục tiêu nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông, bảo đảm việc kết nối các hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành Công an; Hoàn thiện Trung tâm thông tin chỉ huy và điều hành giao thông của Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM…
Đề án phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông... Nâng cao năng lực giám sát, quản lý điều hành giao thông và an ninh trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân. Đặc biệt, cung cấp cho người dân, người tham gia giao thông các dịch vụ giao thông thông minh và các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Bình luận