Chính quyền 2 đời tổng thống gần đây nhất của Mỹ đang tập trung tìm cách cản trở sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tất cả các lĩnh vực then chốt khác. Những động thái này đã đưa cả Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc đối đầu khác bên cạnh cuộc chiến thương mại hiện nay.
Sự trở lại của Huawei
Nhiều năm qua, Washington đã đưa ra các lệnh hành pháp, ban hành luật pháp, thành lập ủy ban quốc hội đặc biệt, đề ra các quy định mới và thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ đặc biệt quan trọng, được coi là kim chỉ nam giúp nước này phát triển lĩnh vực công nghệ.
Cụ thể, Washington đã ban hành các luật cấm xuất khẩu chip, thiết bị bán dẫn và phần mềm cho các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Đáp trả lại động thái này, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chip Mỹ cấp thấp hơn. Chưa dừng lại ở đó, Mỹ tiếp tục cấm thêm chip đối với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc. Gần đây, Nhà Trắng công bố một lệnh hành pháp hạn chế dòng vốn của Mỹ đổ vào các lĩnh vực cụ thể trong ngành công nghệ Trung Quốc. Đặc biệt, Mỹ đã đưa tập đoàn viễn thông Huawei vào danh sách đen và thực hiện nhiều biện pháp để kìm hãm sự phát triển của công ty.
Sau nhiều năm trở thành mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ, Huawei mới đây đã ra mắt dòng điện thoại thông minh mới, sử dụng chất bán dẫn thế hệ mới được sản xuất tại Trung Quốc. Ngay sau khi sản phẩm mới của Huawei trình làng, công ty nghiên cứu TechInsights đã thực hiện phân tích và cho biết sản phẩm mới này sử dụng chip của SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc.
Sự kiện này được xem là đòn đánh mới, giáng vào những nỗ lực trước đây của Mỹ nhằm hạn chế năng lực sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc. Loại chip mới được Huawei sử dụng không chỉ là thách thức với các lệnh cấm trước đó từ Mỹ mà đây còn là loại chip tiên tiến hơn. Cụ thể, Mỹ đã thực hiện các biện pháp nhằm “giữ chân” Trung Quốc ở loại chip công nghệ có kích cỡ 14 nanomet, trong khi đó, loại chip nới của SMIC có kích cỡ 7 nanomet. Cần lưu ý, kích thước bóng bán dẫn càng nhỏ thì chip càng có thể chứa được nhiều bóng bán dẫn và mạnh hơn.
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi bước phát triển này của Huawei là chiến thắng địa chính trị và là bằng chứng cho thấy khả năng hồi phục trong lĩnh vực công nghệ của nước này.
Tờ Global Times nhận xét: “Sự hồi sinh của điện thoại thông minh Huawei sau 3 năm vắng bóng cho thấy nỗ lực kìm hãm của Mỹ đã thất bại. Đây cũng là mô hình thu nhỏ của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung, phản ánh toàn bộ quá trình và báo trước kết quả cuối cùng”.
Huawei ra mắt điện thoại thông minh mới, sử dụng chip tiên tiến sản xuất tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Mỹ tiếp tục mạnh tay?
Trước những thông tin về con chip mới của Trung Quốc, một số nhà hoạch định chính sách Mỹ đã kêu gọi chính phủ có các hành động mạnh mẽ hơn. Một nhóm các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Cathy McMorris Rodgers, và Ủy ban Hạ viện về vấn đề Trung Quốc Mike Gallagher, đã gửi thư tới Thứ trưởng Thương mại Mỹ Alan Estevez yêu cầu áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn với Huawei và SMIC.
Các nhà lập pháp viết: “Chúng tôi vô cùng lo lắng và bối rối về việc Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) không thể thực thi một cách hiệu quả các quy tắc kiểm soát xuất khẩu đối với một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Tình hình hiện nay cho thấy sự cấp thiết của việc gia tăng áp lực và kiểm soát xuất khẩu hiệu quả hơn đối với các đối thủ của Mỹ”.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang tìm kiếm thêm thông tin về “đặc tính và thành phần” của con chip mới, tương tự như những gì Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã nói trong tháng 9/2023. Ông Sullivan cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến lược kiểm soát công nghệ tiên tiến hiện tại thay vì tách rời kinh tế trên diện rộng, nhấn mạnh chiến lược “sân nhỏ, hàng rào cao” mà ông luôn ủng hộ.
Giới chuyên gia cho rằng các công ty Trung Quốc có thể đã dự trữ chip trước khi bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát của Mỹ hoặc đơn giản là mua qua bên trung gian thứ ba.
Christopher Miller, phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Fletcher của Đại học Tufts, cho biết: “Tôi cho rằng sẽ có các cuộc thảo luận về việc thắt chặt kiểm soát đối với Huawei và SMIC, bao gồm cả các giới hạn đối với các sản phẩm chưa bị hạn chế như hóa chất sản xuất chip”.
Reva Goujon, giám đốc của Rhodium Group, người nghiên cứu các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, cho biết việc Huawei quay lại cuộc đua công nghệ này có thể thúc đẩy Mỹ và đồng minh hành động nhiều hơn nữa.
Ông Goujon nói: “Đây cũng là điều kiện tiện lợi vì chúng ta đang nói đến Huawei, công ty công nghệ Trung Quốc bị trừng phạt nặng nề nhất trong các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Điều đó sẽ mang lại cho Mỹ đòn bẩy”.
Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn của mình. (Ảnh minh hoạ: The Public Discourse)
Tham vọng của Trung Quốc
Theo Foreign Policy, về sự trở lại của Huawei, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi liệu bước đột phá của Trung Quốc là sự thật hay chỉ là một chiêu trò tiếp thị. SMIC được cho là đã phát triển chip 7 nanomet lần đầu tiên vào năm 2022, ngay cả trước khi chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Theo sau sự trở lại của Huawei, Bắc Kinh đã có nhiều bước đi quan trọng khác bao gồm cấp phép cho các chatbot AI do các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bao gồm Baidu, SenseTime và ByteDance, công ty mẹ của TikTok, sản xuất. Các chatbot này sẽ được phát hành công khai sau nhiều tháng thử nghiệm và theo dõi chặt chẽ.
Trung Quốc từ lâu đã nuôi tham vọng trở thành cường quốc AI hàng đầu. Theo đo, thành công vang dội của ChatGPT, do OpenAI có trụ sở tại California (Mỹ) phát hành vào tháng 11 năm ngoái, đã gây ra một cuộc cạnh tranh lớn giữa các công ty Trung Quốc để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn tương đương.
Anarkalee Perera, giám đốc chiến lược và chính sách công nghệ tại Tập đoàn Albright Stonebridge, người trước đây từng làm việc tại ByteDance ở Bắc Kinh, cho biết: “Các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ luôn cố gắng hạn chế những rủi ro nếu có thể. Nếu điều đó phải trả giá bằng việc trì hoãn triển khai các ứng dụng AI về mặt thương mại, đó là cái giá mà chính phủ sẵn sàng trả”.
Thế giới được gì từ cuộc chiến công nghệ?
Trung Quốc và Mỹ là 2 nên kinh tế lớn nhất thế giới, tổng sản phẩm quốc nội của 2 nước này cao gấp 4 lần tổng sản phầm quốc nội của 2 quốc gia xếp vị trí thứ 3 và thứ 4 là Nhật Bản và Đức cộng lại.
Quy mô nền kinh tế này cho phép Trung Quốc và Mỹ duy trì nguồn đầu tư vượt trội vào các lĩnh vực quan trọng bao gồm nghiên cứu, giáo dục, đổi mới và thành lập doanh nghiệp mới. Theo đó, vị trí dẫn đầu của cả Mỹ và Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thay vì đóng khung cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung, thế giới có thể đạt được lợi ích từ cuộc chiến này thông qua các cơ cấu hợp tác bền vững. Tờ Fotune nhận định, hầu hết các mục tiêu giảm phát thải của phương Tây không thể đạt được nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, quốc gia nắm giữ nhiều bằng sáng chế và đầu vào cốt lõi cho năng lượng mặt trời, gió và pin điện. Các chương trình nghiên cứu chung, thử nghiệm lâm sàng và bộ dữ liệu rất quan trọng để giải quyết các vấn đề sức khỏe mãn tính toàn cầu như ung thư.
Do đó, dù cuộc cạnh tranh diễn ra tương đối căng thẳng nhưng Mỹ - Trung và thế giới vẫn cần phối hợp trong việc giám sát và quản lý sự phát triển của các công nghệ tiềm năng. Việc tách rời các hệ sinh thái công nghệ không chỉ cản trở sự tiến bộ mà còn tạo ra những rủi ro đặc hữu khác do sự phát triển song song và quy định đơn phương.
Và cần lưu ý, dù cuộc chiến công nghệ có căng thẳng đến đâu thì cả Mỹ, Trung Quốc và thế giới cũng đều được hưởng lợi từ hệ sinh thái công nghệ tích hợp toàn cầu.
Bình luận