Mỹ thường nhìn nhận Trung Quốc và Nga là quốc gia tụt hậu về công nghệ, chỉ giỏi sao chép và không thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc hiện nay cũng như việc Nga và Trung Quốc đang bắt tay thúc đẩy thế hệ công nghệ viễn thông thế hệ mới 5G đang khiến cho Mỹ có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Trọng tâm của sự phân chia này là tập đoàn Huawei của Trung Quốc, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và người đi tiên phong trong mạng 5G. Washington cấm Huawei tham gia xây dựng thế hệ mạng di động tiếp theo và mới đây liệt gã viễn thông khổng lồ của Trung Quốc vào danh sách đen, cấm công ty mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ.
Mỹ cũng đang kêu gọi các đồng minh hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị Huawei, không để tập đoàn này tham gia vào quá trình triển khai mạng 5G với lý do Bắc Kinh lợi dụng công ty này cho mục đích gián điệp. Huawei tất nhiên phủ nhận cáo buộc, nhiều lần khẳng định tất cả các sản phẩm của hãng đều không đe dọa tới an ninh quốc gia.
Có nên tin dùng Huawei nữa hay không giờ đang trở thành một thử nghiệm chính trí, theo CNN. Các nước không chọn tẩy chay Huawei cũng có nguy cơ bị bỏ lại phía sau phần còn lại của thế giới đang tiến tới giai đoạn tiếp theo của công nghệ truyền thông và Internet.
Hôm 5/6, Huawei ký thỏa thuận với nhà điều hành viễn thông lớn nhất ở Nga MTS để phát triển công nghệ 5G và ra mắt thế hệ mạng thứ 5 ở xứ bạch dương trong năm 2020.
Một ngày sau đó, Trung Quốc cấp giấy phép 5G thương mại cho 3 nhà khai thác mạng viễn thông và một công ty truyền hình cáp. Huawei gọi đó là sự kiện đánh dấu Trung Quốc chính thức bước vào kỷ nguyên 5G, tuyên bố sẽ tham gia sâu vào nỗ lực đó, bổ sung vào hơn 40 hợp đồng mà hãng này ký tại hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Công ty có trụ sở ở Thâm Quyến đang bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc tài chính của công ty đang bị quản thúc tại Canada, bản thân Huawei bị đá văng khỏi thị trường Mỹ và Washington cũng đang ngày càng gia tăng áp lực đòi các đồng minh chống lại tập đoàn Trung Quốc.
Thế giới dường như có sự phân cực rõ ràng về vấn đề liên quan tới Huawei. Các nước đứng về phía Trung Quốc không lấn cấn gì với công ty này trong khi Washington và một số đống minh thân cận nhất của họ cam kết sẽ không bắt tay với Huawei.
Tuy nhiên, mắc kẹt ở giữa là một loạt các quốc gia mà hầu hết trong đó “thân Mỹ” hơn là Trung Quốc nhưng có vẻ không mấy hưởng ứng lời kêu gọi chống Huawei của Washington.
Theo các nhà quan sát, nếu sự phân chia này càng sâu sắc, chính phủ các nước buộc phải chọn phe thay vì đứng ở vị trí trung hòa như hiện nay.
“Đối với nhiều nước, việc này có thể biến tướng quyết định kinh doanh và đầu tư thành chính trị”, nhà phân tích công nghệ Tim Culpan phân tích.
Bình luận