• Zalo

Huấn 'Hoa Hồng' sẽ phải cai nghiện trong bao lâu?

Pháp luậtThứ Hai, 09/09/2019 17:33:00 +07:00Google News

Bị cai nghiện bắt buộc, giang hồ mạng Huấn "Hoa Hồng" sẽ phải ở trong trại 1-2 năm, tuy nhiên thời gian chính xác phụ thuộc khá nhiều yếu tố.

Sáng 9/9, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) xác nhận Bùi Xuân Huấn (35 tuổi, quê ở Yên Bái, còn gọi là Huấn "Hoa Hồng") đã được đưa đi cai nghiện bắt buộc sau khi bị cơ quan chức năng phường 22, quận Bình Thạnh, tạm giữ tại một tụ điểm ăn chơi gần đây và phát hiện dương tính với ma túy.

Vậy trường hợp nào một người sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc như Huấn "Hoa Hồng"?

Khi nào người nghiện bị buộc đi cai?

Luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Nghị định 136/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó có 3 trường hợp bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

huan

 Huấn "Hoa Hồng" được biết đến qua các clip khoe tiền, vàng và mối quan hệ với giới giang hồ mạng.

Thứ nhất, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn một năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện.

Trường hợp thứ hai là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy.

Và trường hợp thứ ba là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.

Trong trường hợp người nghiện ma túy chưa đủ 18 tuổi thì có thể đối chiếu theo quy định tại Điều 29 Luật Phòng chống ma túy ngày 23/7/2013.

Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc được gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc riêng.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng chống ma túy còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, gây khó khăn cho các địa phương khi xử lý”, luật sư Việt nêu quan điểm.

Kha

 Huấn có mối quan hệ thân thiết và thường xuyên xuất hiện chung trên các livestream với các giang hồ mạng
như Khá "Bảnh", Quang "Rambo".

Cai nghiện trong bao lâu?

Về thời gian áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai ma túy bắt buộc, tại khoản 2 Điều 28 Luật Phòng chống ma túy 2013 quy định: Việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 1-2 năm.

Thời hạn này có thể được giảm hoặc tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”, luật sư Nguyễn Ngọc Việt nói.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 112 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người đang chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc đã chấp hành một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công, thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Trong trường hợp người đang cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng, được đưa về gia đình điều trị thì tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.

Sau khi sức khoẻ phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 3 tháng trở lên, người đó phải tiếp tục chấp hành; nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Riêng với người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai, được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Nếu có đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc, TAND cấp huyện sẽ quyết định việc giảm thời hạn tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn