Tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống kê trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, mỗi ngày vắng không dưới 30 đại biểu, có ngày vắng 100 người. Khi họp ở đoàn đại biểu Quốc hội, có đoàn vắng đến 50%, có 7 đại biểu thì vắng 4, 5 người thì vắng 3.
Ngày 17/7, trả lời phỏng vấn PV VTC News, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội) cho rằng nhiều đại biểu vắng mặt trong họp Quốc hội chứng tỏ ý thức trách nhiệm của đại biểu chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, trách nhiệm, bổn phận và kỳ vọng của nhân dân.
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày vắng trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%. Vì sao đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều tại các phiên họp, thưa ông?
Số liệu Chủ tịch Quốc hội đưa ra là chính xác. Bản thân tôi khi tham gia họp, tôi quan sát và thấy có đoàn nghỉ gần hết.
Thông thường, vắng mặt của đại biểu diễn ra vào đầu tuần, hoặc cuối tuần. Thứ nhất, vào đầu tuần có nhiều đại biểu ở xa, chưa đến kịp, phải giải quyết công việc của cơ quan, địa phương, có đại biểu thì do lỡ chuyến bay.
Thứ hai, vào cuối tuần thông thường các đại biểu cũng về do đã đặt trước vé máy bay cũng như giải quyết các công việc của địa phương đang còn tồn đọng. Đấy là hai thời điểm tôi thường thấy vắng đại biểu trên hội trường.
Còn những ngày khác thì đại biểu cũng có vắng, trong đó thường tập trung vào những ngày thảo luận các vấn đề mà đại biểu ít quan tâm (các phiên chất vấn và thảo luận về kinh tế xã hội thì đông đủ), khi mọi người không quan tâm thì họ không đến nữa. Đây là tình trạng đang diễn ra và cử tri cũng nói nhiều về việc này.
Theo tôi, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc đại biểu vắng mặt trong các kỳ họp Quốc hội: Đầu tiên phải nói đến ý thức trách nhiệm, việc thực hiện vai trò, bổn phận của đại biểu chưa cao.
Đại biểu khi tham gia vào Quốc hội thì phải luôn luôn nhớ rằng đây là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Nếu thấm nhuần được hai yếu tố này thì phải có trách nhiệm cao trong quá trình hoạt động, dự họp và không chỉ làm một việc là ngồi họp ở hội trường mà còn phải đọc, nghiên cứu tài liệu, suy nghĩ, tìm hiểu ý kiến cử tri và nhân dân để đóng góp thảo luận hoặc lĩnh hội, tham khảo ý kiến của người khác để thể hiện quan điểm của mình khi bấm nút thông qua các đạo luật, nghị quyết nhằm tránh việc hành động theo cảm tính hoặc phong trào.
Nhiều đại biểu Quốc hội có trách nhiệm họ cũng tâm sự với tôi và nhiều cử tri cũng nói ra vấn đề này, họ cho rằng đại biểu của chúng ta ý thức tinh thần trách nhiệm, bổn phận hành động chưa cao, chưa tương xứng với trị ví, trách nhiệm, vai trò mà Hiến pháp, luật Tổ chức Quốc hội đã ghi, cũng như kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Nguyên nhân thứ hai thuộc về công việc, nhiều đại biểu phải giải quyết nhiều công việc cùng lúc, kiêm nhiệm công việc của Đảng, của chính quyền, cơ quan, đơn vị, dự nhiều cuộc họp, đi nhiều nơi, một lúc, đại biểu không tập trung vào một việc cụ thể, mà một trong các việc chính của đại biểu là dự họp Quốc hội.
Trong khi đó, có đại biểu vì lý do này lý do khác lại lấy công việc khác làm ưu tiên, đặt việc họp Quốc hội là việc có thể tùy tiện để nghỉ. Như vậy là không nên.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề xuất phát từ việc Quốc hội không được cơ cấu một cách khoa học. Theo hiến pháp và luật, Quốc hội là cơ quan lập pháp - cơ quan quyền lực thì việc cơ cấu các thành viên Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan tư pháp vào Quốc hội… là không đúng với nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng phải có sự phân công, phối hợp và kiểm soát. Phân công phải rành mạch, rõ ràng, người làm hành pháp là hành pháp, người làm tư pháp là tư pháp và người làm lập pháp là lập pháp. Chúng ta không phải tam quyền phân lập nhưng phải rõ ràng, cần có các “ngăn kéo quyền lực”, tránh chồng chéo, giẫm chân nhau trong hệ thống quyền lực Nhà nước.
Hiện chúng ta đang hiểu nhầm việc “phối hợp”, ở đây cần hiểu cơ quan hành pháp phải phối hợp với cơ quan lập pháp, tư pháp trong quá trình giải quyết công việc.
Ví dụ, Chính phủ phải phối hợp với Quốc hội để vừa soạn thảo, thẩm tra nhằm thông qua một đạo luật có chất lượng, chứ không phải “phối hợp” có nghĩa là người của Chính phủ, của cơ quan hành pháp địa phương, cơ quan tư pháp phải là đại biểu Quốc hội, hay cơ quan dân cử.
Từ chỗ cơ cấu chưa phù hợp, làm cho cùng một lúc đại biểu không thể giải quyết nhiều nhiệm vụ; dẫn đến tình trạng đại biểu lại ưu tiên giải quyết công việc của địa phương, bộ, ngành mình hơn là công việc của các kỳ họp Quốc hội; không chỉ có vậy, việc cơ cấu như vậy còn dẫn đến tình trạng đại biểu thể hiện quan điểm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, phản ánh sự phân hóa, đem quyền lợi bộ, ngành, địa phương ra nghị trường để xử lý. Từ đó cho thấy, cơ cấu Quốc hội chúng ta cần có sự nghiên cứu đổi mới.
- Nhiều đại biểu vắng mặt nhiều như vậy trong kỳ họp Quốc hội sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng của kỳ họp, thưa ông?
Thứ nhất, hình ảnh đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều nếu đưa lên trên các phương tiện thông tin truyền thông là rất phản cảm, có những chỗ hàng ghế rất vắng, nhìn không nghiêm túc.
Thứ hai, các đại biểu vắng mặt nếu chuyên tâm theo dõi hoặc có kênh khác để báo cáo, để nghiên cứu, có ý thức trách nhiệm thì không sao. Tuy nhiên, nếu đại biểu không dự họp, không nghe, không trực tiếp lĩnh hội ý kiến của các đại biểu khác thì sẽ không nắm được tinh thần xây dựng chính sách, không có đầy đủ thông tin, vậy thì sẽ quyết định vấn đề thế nào?
Lúc đó, việc bấm nút khi quyết định một vấn đề đối với các đại biểu vắng mặt nhiều buổi họp sẽ dựa chủ yếu vào cơ sở, ý kiến chủ quan cá nhân. Dù biết cái gì cũng xuất phát từ chủ quan nhưng khi có nhiều thông tin, xử lý được thông tin thì quyết định của đại biểu sẽ mang tính khách quan hơn, tiệm cận với chân lý.
Tôi lấy ví dụ, có lần tôi chất vấn về vi phạm của cơ quan điều tra thì trong tay tôi có một bản Phụ lục báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nhiều đại biểu không biết, thậm chí những người có trách nhiệm còn hỏi tôi "cái này anh lấy ở đâu ra?". Hay là khi tôi phát biểu về việc TP.HCM xây dựng nhà hát Thủ Thiêm thì có một báo cáo cắt đầu, cắt đuôi của TP.HCM được Tổng Thư ký gửi qua mạng cho đại biểu, thì nhiều đại biểu không tiếp cận được báo cáo này. Nếu không có tư liệu thì tôi không thể phát biểu được.
Nếu như không có thông tin tin cậy thì sẽ rất khó để đưa ra quyết định. Những sự điều chỉnh trong chính sách của chúng ta, ví dụ ngày hôm nay ban soạn thảo báo cáo vấn đề như thế này sau đó điều chỉnh, tiếp thu ý kiến, giải trình, nếu đại biểu không theo dõi được quá trình thảo luận thì quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình chất lượng thấp, thậm chí bấm nút sai, theo “phong trào”.
Chất lượng của kỳ họp Quốc hội, của một ngày họp và của một vấn đề được đưa ra xem xét phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm, việc nghiên cứu, lượng thông tin, xử lý thông tin của các đại biểu. Quyết định của Quốc hội là có tính tập thể nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân đại biểu, một đại biểu có một lá phiếu, biểu quyết như nhau.
- Theo ông, trách nhiệm trong việc đưa ra các quyết định của các đại biểu Quốc hội sẽ được nhìn nhận như thế nào khi họ vắng mặt trong các phiên họp, phiên thảo luận của Quốc hội?
Đại biểu Quốc hội là đại diện cho nhân dân mà không đi họp thì có nghĩa là đã phản bội lời hứa của mình đối với cử tri và nhân dân.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Tôi nghĩ thế này, theo quy chế thì đại biểu Quốc hội có thể vắng mặt nhưng không thể vắng nhiều. Còn ngày bấm nút, kể cả người vắng mặt nhưng đại biểu có ý thức trách nhiệm, có nghiên cứu, có nghe các báo cáo khác, có thông qua cuộc họp của các Ủy ban, của các sinh hoạt tổ và đưa ra quyết định đúng thì không vấn đề gì bởi sẽ cho cùng hiệu quả.
Tuy nhiên, sợ nhất là vì câu chuyện vắng mặt đó ảnh hưởng đến chất lượng quyết định của đại biểu. Nói điều này không có nghĩa là tôi bao biện cho việc đại biểu nghỉ nhiều bởi vì công việc của đại biểu đến đây là họp.
Về khía cạnh nguyên tắc, đại biểu không thảo luận thì cũng phải ngồi dự họp và không được phép vắng mặt một cách tùy tiện, phải có kỷ luật.
Đại biểu đã hứa với trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đại diện cho cử tri đến Quốc hội để họp mà không họp thì có nghĩa là đã phản bội lời hứa của mình đối với cử tri và nhân dân.
- Đánh giá về căn bệnh "trầm kha" này của các đại biểu, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các đại biểu Quốc hội cần phải rút kinh nghiệm. Vậy theo ông, Quốc hội cần phải làm gì để chấn chỉnh tình trạng này?
Hiện nay, luật quy định đối với đại biểu chuyên trách sử dụng 100% số giờ cho công việc của Quốc hội. Như tôi là đại biểu chuyên trách, tôi phải sử dụng 100% số giờ cho hoạt động Quốc hội và tôi không được phép đi làm ở một cơ quan nào khác. Công việc của đại biểu rất nhiều, tiếp xúc cử tri, nhân dân, làm việc với cơ quan báo chí, tham gia các cuộc họp, hội đồng, ủy ban… Đại biểu kiêm nhiệm thì cống hiến ít nhất là 30% thời giờ. Tuy nhiên, hiện không ai kiểm soát được điều này.
Chúng ta thiếu tính tự giác nhưng lại thiếu luôn cả sự kiểm soát, chưa đề cao điều này mà đang để cho đại biểu tự giác là chính, tham gia chất lượng như thế nào ở các hội đồng, ủy ban vẫn chưa đánh giá được hết. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương dù là chuyên trách nhưng còn phải tham gia rất nhiều công việc ở địa phương, có lúc không phân biệt được đâu là nhiệm vụ của Quốc hội, đâu là nhiệm vụ của địa phương. Cái này là rất khó, do đó việc quy định thời lượng là 30% trở lên hay 100% là không dễ.
Video: Những phát ngôn ấn tượng tại Quốc hội
Vấn đề quan trọng, trong kỳ họp Quốc hội là cần phải quy định rõ thời gian đại biểu phải tham gia bao nhiêu giờ. Có thể quy định thời gian ít nhất là bao nhiêu hoặc là quy định ngược nếu đại biểu không tham gia vào một số giờ nào đó thì có thể sẽ phải nhắc nhở, xử lý bãi nhiệm, miễn nhiệm hoặc yêu cầu đại biểu từ nhiệm.
Cần phải nghiên cứu sửa lại Luật Tổ chức Quốc hội để làm rõ trách nhiệm cũng như chế tài xử lý đại biểu không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện giờ chưa có một cơ chế kỷ luật riêng đối với đại biểu Quốc hội, chúng ta vẫn đang sử dụng cơ chế chung xử lý cán bộ, công chức, là chưa phù hợp.
Vì sao vậy? Vì Đại biểu Quốc hội bản chất là “dân biểu” chứ không phải là cán bộ, công chức thông thường. Nếu chúng ta áp đặt mọi thứ liên quan đến đại biểu Quốc hội như cán bộ, công chức hành pháp, tư pháp là không đúng. Bởi vì, đã là “dân biểu” thì họ là người do cử tri bầu, đại diện cho người dân, hành động vì nhân dân, quốc gia, dân tộc, trách nhiệm rất lớn.
Những đại biểu là người hoạt động tự do thì càng không thể áp dụng luật cán bộ, công chức cho họ được. Luật Tổ chức Quốc hội cần quy định rạch ròi vấn đề này, đại biểu Quốc hội là dân biểu, được nhân dân tín nhiệm bầu lên. Do đó, nếu đại biểu hoạt động vô ý thức kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm thì cử tri sẽ là những người bãi nhiệm, miễn nhiệm đại biểu.
Cho nên, phải quy định hình thức, quyền kiểm soát của cử tri đối với những đại biểu thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc không thực hiện được lời hứa hoặc phản bội lời hứa với cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận